Gia Lai : Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đề cao chỉ số an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Qua khảo sát ban đầu, toàn tỉnh Gia Lai có trên 212 ngàn trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ngành Y tế phối hợp với các ngành, địa phương chủ động các điều kiện, nguồn lực cần thiết để tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho đối tượng này.
Nhờ đẩy mạnh công tác tiêm chủng nên tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 của tỉnh đạt cao, qua đó giảm tỷ lệ bệnh nặng và tử vong do Covid-19 (khoảng 80% các trường hợp tử vong là do chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều). Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 3-4, toàn tỉnh đã tiêm 2.552.987 liều vắc xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên, trong đó, tiêm mũi 1 đạt 103,83%, mũi 2 đạt 96,07%, mũi 3 đạt 56,66%. Đối với trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, toàn tỉnh đã triển khai tiêm được 319.249 liều, trong đó, mũi 1 đạt 101,63%, mũi 2 đạt 90,16%. Riêng đối tượng trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, ngành chức năng đang chuẩn bị các điều kiện, nguồn lực và sẽ triển khai tiêm ngay khi vắc xin được cấp về tỉnh.
Bác sĩ Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế-thông tin: Hình thức tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi triển khai giống như tiêm cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi. Đó là tiêm từ lứa tuổi lớn nhất trong nhóm này (học sinh lớp 6) trước để theo dõi, đánh giá. Sau đó, tiêm hạ dần độ tuổi, triển khai tiêm ở trường học, trong cộng đồng. Nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trước, trong và sau tiêm chủng, Sở Y tế đã triển khai tập huấn và hướng dẫn tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã về các loại vắc xin được Bộ Y tế cấp phép sử dụng với lứa tuổi này. Ngành Y tế cũng chủ động khám sàng lọc, tiêm vắc xin và xử lý sau tiêm; còn các lực lượng khác hỗ trợ phân luồng, nhập liệu, đảm bảo an toàn trật tự tại các điểm tiêm.
Nhân viên y tế khám sàng lọc Covid-19 cho các em học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP. Pleiku). Ảnh: Như Nguyện
Nhân viên y tế khám sàng lọc Covid-19 cho các em học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (TP. Pleiku). Ảnh: Như Nguyện
Theo bác sĩ Đinh Hà Nam, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi phải có sự đồng ý của người giám hộ, phụ huynh trước khi tiêm chủng. Hiện nhiều nước trên thế giới đã triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ với độ an toàn rất cao. Vì vậy, các bậc phụ huynh có thể yên tâm đưa con em đi tiêm đầy đủ. “Chúng tôi phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để người dân nắm bắt thông tin và yên tâm cho trẻ tiêm vắc xin phòng Covid-19. Nếu ai chưa thật sự yên tâm hoặc có những thắc mắc cần giải đáp thì liên hệ đường dây nóng của ngành Y tế để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể”-bác sĩ Nam cho biết.
Thành phố Pleiku có 30.800 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, chiếm tỷ lệ gần 15% số trẻ em trong toàn tỉnh. Qua công tác tuyên truyền, người dân đều thấy rõ tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 và đa phần mong muốn sớm có vắc xin để triển khai tiêm cho trẻ. Anh Trần Văn Tuấn (tổ 3, phường Hội Thương, TP. Pleiku) chia sẻ: “Nhờ được tiêm vắc xin đầy đủ nên vừa qua dù 4 người trong gia đình tôi mắc Covid-19 nhưng chỉ có triệu chứng nhẹ, cách ly điều trị tại nhà. Gia đình chỉ còn 2 cháu nhỏ đang học tiểu học chưa được tiêm vắc xin. Nếu địa phương triển khai tiêm thì tôi sẽ đưa các cháu đi tiêm đầy đủ”.
Về công tác chuẩn bị tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn, bác sĩ Nguyễn Tự Tín-Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Pleiku-nhấn mạnh: “Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch trình UBND thành phố, đồng thời chuẩn bị các điều kiện tốt nhất sẵn sàng triển khai tiêm khi vắc xin phân bổ về. Trung tâm phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, trường học tuyên truyền, hướng dẫn và triển khai cho phụ huynh ký cam kết đồng ý cho trẻ tiêm chủng để khi có vắc xin là tiêm ngay”.
Liên quan đến băn khoăn của nhiều phụ huynh về việc trẻ từng mắc Covid-19 có cần tiêm vắc xin không, bác sĩ Phan Thị Thùy Trang-Trưởng khoa Hồi sức-Tích cực-Chống độc (Bệnh viện Nhi tỉnh) khuyến cáo: “Nhiều người nghĩ trẻ mắc Covid-19 rồi sẽ miễn dịch. Tuy nhiên cần hiểu, giữa tạo miễn dịch của cơ thể sau khi mắc Covid-19 với việc đưa vắc xin vào là khác nhau. Khi tiêm vắc xin thì tỷ lệ tạo kháng thể sẽ cao hơn, khác với việc mắc tự nhiên. Vì vậy, khi các cháu đã mắc Covid-19 rồi nhưng nếu chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều thì vẫn phải cho trẻ đi tiêm vắc xin đầy đủ”.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Tăng huyết áp, hay còn gọi là cao huyết áp, là một tình trạng mà áp lực máu trong động mạch cao hơn mức bình thường. Ở trẻ em, bệnh này ít được nhận biết hơn so với người lớn nhưng không kém phần nguy hiểm. Vậy bố mẹ làm thế nào để phát hiện con mình có dấu hiệu của một bệnh nhân cao huyết áp?