(GLO)- Từ đầu năm 2020 đến nay bệnh dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) đã xảy ra tại 944 xã của 44 tỉnh thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 40 nghìn con mắc bệnh. Riêng tại địa bàn Gia Lai, đã phát hiện bệnh DTHCP tái phát tại xã Kim Tân và Ia Trok của huyện Ia Pa, đã tiêu hủy 21 con mắc bệnh tại xã Ia Trok. Tại xã Ia Trok dịch bệnh chưa qua 21 ngày, nếu không được kiểm soát tốt dịch bệnh có thể sẽ bùng phát ảnh hưởng rất lớn đến chăn nuôi, đời sống người dân và môi trường.
Nông dân cần chú trọng khâu phòng dịch bệnh cho đàn heo khi tái đàn. Ảnh: Lương Thanh |
Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh Gia Lai đã có Công văn số 1868/UBND-NL ngày 10-9-2020 giao Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn các địa phương trong tỉnh triển khai các biện pháp phòng chống bệnh DTHCP theo quy định, chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra, thực hiện nghiêm quy trình kiểm dịch vận chuyển theo quy định của Luật Thú y và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tổ chức phun thuốc sát trùng tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật đi qua Trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thành lập các đoàn và tổ công tác kiểm tra hướng dẫn đôn đốc việc tổ chức triển khai công tác phòng-chống dịch bệnh tại cơ sở...
Ủy ban nhân dân tỉnh cũng yêu cầu UBND huyện Ia Pa tập trung chỉ đạo triển khai ngay các giải pháp bao vây khống chế dập tắt ổ dịch, ngăn chặn không để dịch lây lan ra diện rộng, tuyệt đối không được lơ là chủ quan trước tình hình dịch bệnh. Thông báo về tình hình dịch bệnh DTHCP đang tái phát trên địa bàn để nhân dân chủ động phòng chống, hướng dẫn các cơ sở và hộ chăn nuôi gia súc triển khai các biện pháp phòng-chống dịch bệnh theo quy định. Chủ động bố trí kinh phí xử lý ổ dịch và thực hiện chính sách hỗ trợ phòng chống dịch bệnh theo quy định. Giám sát chặt chẽ bệnh DTHCP và các dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi, nhất là tại các khu vực từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo, tổ chức khoanh vùng dập dịch nhanh chóng kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo, bán chạy động vật bệnh chết, vứt xác động vật chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh. Thường xuyên tổ chức vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường tại các khu vực có nguy cơ cao, khu vực ổ dịch cũ, chợ buôn bán động vật và sản phẩm động vật để tiêu diệt tác nhân gây bệnh. Tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi kê khai hoạt động chăn nuôi với chính quyền địa phương, đồng thời áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm đầy đủ các loại vắc xin theo quy trình. Xây dựng và nhân rộng các mô hình cơ sở chăn nuôi áp dụng có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh phù hợp với điều kiện, quy mô chăn nuôi. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để người dân nắm vững chấp hành quy định về phòng-chống bệnh DTHCP...
LƯƠNG THANH