Gia Lai nỗ lực gìn giữ, phát triển võ thuật cổ truyền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Giải Võ thuật cổ truyền toàn tỉnh Gia Lai năm 2023 là cơ hội để ngành Thể thao tỉnh nhà có kế hoạch gìn giữ, phát huy vốn quý của môn võ được xem như di sản của dân tộc này.

Dấu hiệu đi xuống

Giải Võ thuật cổ truyền toàn tỉnh năm nay quy tụ gần 200 vận động viên (VĐV) của 10 câu lạc bộ (CLB) ở TP. Pleiku và các huyện: Chư Sê, Chư Pưh, Đak Pơ, Mang Yang, Krông Pa. Các VĐV tranh tài ở 2 nội dung quyền và đối kháng. Nội dung quyền không giới hạn lứa tuổi còn nội dung đối kháng có 2 lứa tuổi 15-17 và 18-32.

Trao đổi với P.V, võ sư Nguyễn Tấn Đô-Phó Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh-nhận xét: “Các CLB tham gia giải năm nay đều có sự đầu tư kỹ càng, nhất là ở nội dung quyền khi không có sự chênh lệch lớn về trình độ. Nhiều VĐV tuy ở độ tuổi còn rất nhỏ nhưng có những màn trình diễn thuần thục, đẹp mắt. Nội dung đối kháng có nhiều nhân tố mới rất chất lượng. Đây cũng là cơ hội cho các em tập dợt chuẩn bị Giải Vô địch trẻ Võ thuật cổ truyền toàn quốc vào cuối tháng 6 tới đây”.

Giải Võ thuật cổ truyền toàn tỉnh năm 2023 thu hút gần 200 VĐV tham gia. Ảnh: L.V.N

Giải Võ thuật cổ truyền toàn tỉnh năm 2023 thu hút gần 200 VĐV tham gia. Ảnh: L.V.N

Theo võ sư Nguyễn Tấn Đô, so với các giải đấu trước, giải năm nay có số lượng VĐV đông hơn; tuy nhiên, số lượng đoàn tham gia còn khá hạn chế. Nhiều địa phương vốn có phong trào võ thuật cổ truyền mạnh như: An Khê, Chư Prông, Đức Cơ… không có CLB đăng ký tranh tài. Giải đấu vì thế đã kém đi phần nào sự sôi động và chất lượng. Phó Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền tỉnh thừa nhận: “Toàn tỉnh hiện có hơn 15 võ đường. Song, nhiều võ đường không tham gia giải vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân do hạn hẹp kinh phí, các địa phương chưa thực sự quan tâm nên phong trào thời gian gần đây trầm lắng”.

Võ sư Nguyễn Tấn Đô lấy ví dụ: Trước kia, mỗi đợt thi nâng bậc đai ở thị xã An Khê đều có 600-700 môn sinh đăng ký. Tuy nhiên, những năm gần đây, số lượng ít hơn nhiều, chỉ khoảng 200-300 môn sinh. Điều này dẫn tới việc một số võ đường đóng cửa, các võ sư tìm kiếm công việc khác hoặc chuyển đến địa phương khác. “Nguyên nhân sâu xa hơn cả là võ thuật cổ truyền tại Gia Lai không được đưa vào phát triển thể thao thành tích cao. Ở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh không có đội tuyển võ thuật cổ truyền nên không tạo động lực cho các môn sinh phấn đấu”-võ sư Đô chia sẻ.

Nỗ lực gìn giữ, phát huy võ thuật cổ truyền

Sự chững lại của võ thuật cổ truyền trên địa bàn tỉnh đã khiến cho những người trong ngành trăn trở, kiếm tìm giải pháp vực dậy phong trào. Cũng bởi, võ thuật cổ truyền chính là cái nôi đào tạo ra nhiều võ sĩ tài năng, đồng thời góp phần rèn luyện kỹ năng và tạo nền tảng cơ bản cho nhiều VĐV chuyên nghiệp của các môn võ hiện đại khác. Đơn cử như võ sĩ Lê Thị Nhi-người tạo nên kỳ tích cho thể thao Gia Lai với tấm huy chương vàng SEA Games 32 ở môn Kickboxing xuất thân từ võ thuật cổ truyền tại huyện Đức Cơ. Võ sĩ Muay nổi tiếng Việt Nam Nguyễn Trần Duy Nhất cũng trưởng thành từ võ thuật cổ truyền với cha là võ sư tại tỉnh Quảng Ngãi.

Ban tổ chức đã phát hiện nhiều VĐV trẻ tiềm năng để bồi dưỡng. Ảnh: Văn Ngọc

Ban tổ chức đã phát hiện nhiều VĐV trẻ tiềm năng để bồi dưỡng. Ảnh: Văn Ngọc

Trong bối cảnh đó, Giải Võ thuật cổ truyền toàn tỉnh 2023 đã “kích hoạt” trở lại đam mê võ thuật cổ truyền với nhiều người. Dù khó khăn song nhiều CLB vẫn nỗ lực tham gia giải với hy vọng duy trì phong trào. Đơn cử như CLB Lê Thanh Quốc (huyện Chư Sê) có 7 VĐV thi đấu và đã giành 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, 2 huy chương đồng. Theo võ sư Lê Thanh Quốc-Chủ nhiệm CLB, phong trào võ thuật cổ truyền ở Chư Sê phát triển từ năm 1999. Năm 2015, vì công việc nên anh đóng cửa võ đường; đến năm 2022 thì CLB hoạt động trở lại với khoảng 80 môn sinh.

“Tôi đóng cửa võ đường để làm công việc khác, có thu nhập khá cao. Nhưng chỉ khi truyền dạy võ cho các em, tôi mới cảm thấy hạnh phúc nên quyết định nghỉ việc quay lại với võ thuật. Tôi rất buồn vì phong trào võ thuật cổ truyền sau dịch Covid-19 trở nên trầm lắng”-võ sư Lê Thanh Quốc chia sẻ. Cũng theo võ sư Quốc, đối với giải võ thuật toàn tỉnh, Ban tổ chức giải cần có cơ chế thoáng hơn như: thêm các hạng cân, lứa tuổi, cơ cấu giải thưởng, không giới hạn môn sinh các môn võ khác thi đấu, nới lỏng tiêu chí về chứng chỉ thi đấu… Có như vậy mới thu hút được nhiều CLB tham gia tranh tài.

Anh Thái Đình Việt (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) cho hay: “Tôi cho con gái 9 tuổi theo học võ thuật cổ truyền vì muốn cháu năng động, khỏe mạnh, giao tiếp nhiều hơn. Bản thân tôi cũng thích môn võ truyền thống với những bài quyền uyển chuyển, linh hoạt phù hợp với thể trạng của người Việt”.

Có thể bạn quan tâm