(GLO)- Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 114.000 người cao tuổi (NCT). Làm thế nào để NCT được sống trong không khí gia đình ấm êm, hạnh phúc, được con cái quan tâm, chăm sóc chu đáo luôn là mối quan tâm của xã hội.
Bên cạnh những NCT có cuộc sống sum vầy, hạnh phúc bên con cháu thì vẫn còn nhiều người, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, còn gặp khó khăn do không được chăm sóc tốt về thể chất, tinh thần. Hiện nay, có không ít bậc cha mẹ khi về già lại thay đổi tâm tính, bệnh tật khiến không khí gia đình trở nên căng thẳng. Nhiều gia đình vốn đang hạnh phúc cũng phải lung lay vì sự “lệch pha” giữa các thế hệ cùng chung sống, những người làm con, làm cháu còn thờ ơ trong việc chăm sóc ông bà, cha mẹ.
Gia đình và cộng đồng cùng quan tâm chăm sóc người cao tuổi. Ảnh. Đ.Y |
Vậy làm thế nào tháo gỡ những xung đột để gia đình được êm ấm, hạnh phúc? Theo bà Rơ Chăm H’Yéo-Trưởng ban Đại diện Hội NCT tỉnh, bí quyết sống trong gia đình nhiều thế hệ là khi có mâu thuẫn thì không thể quy kết cho một người. Tất cả đều có nguyên nhân và mỗi người trong cuộc đều có cái lý riêng. Khi giải quyết vấn đề nên tìm hiểu tận gốc rễ nguyên nhân xung đột. Và dù bất kỳ lý do gì, con cái cũng luôn phải đặt chữ hiếu lên trên để làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình; hãy lựa cơ hội để phân tích cho cha mẹ biết những điều phù hợp hoặc không phù hợp. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Áo mặc không qua khỏi đầu”, cha mẹ luôn có cái nhìn chín chắn hơn con cái, đó là lẽ tất nhiên. Tuy vậy, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, những kinh nghiệm lạc hậu, lỗi thời cần được loại bỏ, sự tiến bộ cần được học hỏi, phát huy.
Gia đình bà Phan Mai Chi (75 tuổi, thôn 1, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) hiện có vợ chồng con gái và con trai sống trong cùng một mái nhà. Bà Chi cho rằng: “Để con cháu cảm thấy không khí gia đình gần gũi, ấm áp sau mỗi ngày đi làm về, tôi luôn chia sẻ, động viên tinh thần các thành viên. Nếu mình đòi hỏi, khó tính quá, con cháu sẽ cảm thấy mệt mỏi mà rời xa. Tôi cũng nghĩ rằng, NCT có nhiều trải nghiệm về đời sống nhưng liệu có cần thiết can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư của con cái? Quan điểm của tôi là còn sức khỏe tới đâu, tôi tự chăm sóc bản thân tới đó, biết sống khỏe, sống vui và sống có ích để cho con cháu không có cảm giác mình là gánh nặng; đồng thời vui vẻ với con cháu thì mình sẽ có được hạnh phúc”.
Ngoài vai trò của gia đình, cũng với mục đích giúp NCT được chăm sóc tốt hơn, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 565/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 100% NCT hoặc người thân trực tiếp chăm sóc NCT biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của NCT và các kiến thức chăm sóc sức khỏe NCT; 80% NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe…
Nhìn nhận về vấn đề này, bác sĩ Lê Ngọc Lân-Chi Cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, cho rằng: Sức khỏe và trí nhớ của một số NCT thường bị giảm sút, chính vì vậy, họ thường có ý nghĩ mình là người vô dụng, là người thừa trong gia đình, xã hội. Người thân và những người xung quanh cần có sự quan tâm, chăm sóc để họ an tâm chấp nhận đó là do quá trình lão hóa mà ai rồi cũng phải trải qua. Chính sự chấp nhận đó cùng với sự kính trọng, quan tâm của người thân sẽ giúp NCT không bị mặc cảm. Đồng thời, hàng ngày, NCT cần tập luyện thể dục thể thao, tìm những công việc nhẹ nhàng giúp có những năm tháng sống vui, sống khỏe. Sự lạc quan sẽ tăng cường sức sống cho cơ thể, duy trì sự thăng bằng của hệ thần kinh, đó là vũ khí chống lại mọi căng thẳng, ưu tư, buồn phiền để kéo dài tuổi thọ.
“Vì vậy, việc quan tâm chăm sóc NCT là hết sức quan trọng, thể hiện sự quan tâm của các thế hệ trong gia đình, của cộng đồng và toàn thể xã hội. Tất cả nhằm giúp NCT sống khỏe, sống vui, hạn chế bệnh tật. Đó là mong muốn không chỉ của NCT mà còn của cả gia đình và xã hội”-bác sĩ Lê Ngọc Lân nhấn mạnh.
Đinh Yến