Gia Lai dự kiến chi hơn 195 tỷ đồng thực hiện chuyển đổi số năm 2024

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 22-1, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định về ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2024; trong đó, dự kiến chi hơn 195 tỷ đồng thực hiện 77 nhiệm vụ, dự án chuyển đổi số cấp tỉnh, huyện.

Theo đó, năm 2024, tỉnh phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng về chuyển đổi số như: tỷ lệ người dân trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt 40%; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số thủ tục hành chính (TTHC) có đủ điều kiện trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 80%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công đạt 45%.

Không gian làm việc tại Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP. Pleiku. Ảnh: Mộc Trà
Không gian làm việc tại Trung tâm điều hành đô thị thông minh TP. Pleiku. Ảnh: Mộc Trà

Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết TTHC đạt 50%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 80%; tỷ lệ kết quả xử lý hồ sơ TTHC của bộ, ngành, địa phương được đồng bộ đầy đủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 100%; tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc (trừ hồ sơ mật) trên môi trường mạng (đối với các sở, ngành và tương đương thuộc UBND tỉnh đạt 100%; đối với các phòng, ban và tương đương thuộc UBND cấp huyện đạt 95%; đối với UBND cấp xã đạt 80%).

Tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 70%; tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 60%; tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử đạt 60%; các chỉ tiêu khác thực hiện theo Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Tại kế hoạch, UBND tỉnh đề ra các giải pháp để thực hiện thành công các nhóm nhiệm vụ về xây dựng thể chế số, hạ tầng số, nhận thức số, nền tảng số, dữ liệu số, an toàn thông tin mạng, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Kinh phí thực hiện Kế hoạch bao gồm nguồn vốn từ ngân sách Trung ương (hỗ trợ, bổ sung có mục tiêu; qua các chương trình, dự án triển khai đến các địa phương); ngân sách địa phương (đầu tư công và vốn sự nghiệp); các nguồn kinh phí hợp pháp khác (hợp tác với doanh nghiệp, xã hội hóa...).

Cụ thể, cấp sở, ban, ngành thực hiện 57 nhiệm vụ, dự án chuyển đổi số với kinh phí dự kiến là 169,547 tỷ đồng; cấp huyện triển khai 20 nhiệm vụ, dự án theo kế hoạch của địa phương với kinh phí dự kiến hơn 25,5 tỷ đồng.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương đánh giá về hiện trạng, xây dựng dự toán kinh phí phù hợp với các nhiệm vụ cụ thể ở Kế hoạch này và tổ chức triển khai theo các quy định của pháp luật về đầu tư công, quy định về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và các quy định về quản lý ngân sách nhà nước. Tăng cường các hình thức thuê dịch vụ, hợp tác công-tư, vận dụng kết hợp các nguồn lực của xã hội để hoàn thành kế hoạch đảm bảo chất lượng theo quy định.

Có thể bạn quan tâm