Gia Lai đề xuất kéo dài thời gian thực hiện 6 dự án đầu tư công nguồn ngân sách trung ương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 6 dự án đầu tư công nguồn vốn ngân sách trung ương cần được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân từ năm 2023 sang 2024.

Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết sẽ tiếp tục đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho phép kéo dài để đảm bảo hoàn thành các dự án.

Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Đinh Hữu Hòa cho biết: Thực hiện Công văn số 1108/BKHĐT-TH ngày 15-2-2024 của Bộ KH-ĐT, vừa qua, Sở KH-ĐT đã tiến hành rà soát và tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất danh mục, mức vốn, lý do kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 sang năm 2024. Theo đó, tỉnh có 7 dự án đề nghị được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân từ năm 2023 sang năm 2024 với số vốn 78,91 tỷ đồng.

Thi công hạng mục cầu Nguyễn Văn Linh (thuộc Dự án đường Nguyễn Văn Linh, đoạn từ đường Trường Chinh đến đường Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku). Ảnh: H.D

Thi công hạng mục cầu Nguyễn Văn Linh (thuộc Dự án đường Nguyễn Văn Linh, đoạn từ đường Trường Chinh đến đường Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku). Ảnh: H.D

Cụ thể, 7 dự án đề nghị được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân gồm: Dự án các dự án bảo vệ và phát triển rừng (kế hoạch vốn năm 2023 giao 34,7 tỷ đồng, giải ngân 13,66 tỷ đồng, số vốn đề nghị kéo dài là 21,04 tỷ đồng); Dự án đầu tư phát triển rừng bền vững Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm, năng lực quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh (kế hoạch vốn năm 2023 giao 30 tỷ đồng, giải ngân 11,128 tỷ đồng, số vốn đề nghị kéo dài là 18,872 tỷ đồng); Dự án đường giao thông kết nối các xã Ia Mláh, Phú Cần và thị trấn Phú Túc (kế hoạch vốn năm 2023 giao 56,79 tỷ đồng, giải ngân 45,832 tỷ đồng, số vốn đề nghị kéo dài là 10,958 tỷ đồng); Dự án đường giao thông huyện Đak Pơ (kế hoạch vốn năm 2023 giao 30 tỷ đồng, giải ngân 26,381 tỷ đồng, số vốn đề nghị kéo dài là 3,619 tỷ đồng); Dự án đường liên xã huyện Ia Pa (kế hoạch vốn năm 2023 giao 30 tỷ đồng, giải ngân 24,346 tỷ đồng, số vốn đề nghị kéo dài là 5,654 tỷ đồng); Dự án đường nội thị huyện Phú Thiện (kế hoạch vốn năm 2023 giao 20 tỷ đồng, giải ngân 1,233 tỷ đồng, số vốn đề nghị kéo dài là 18,767 tỷ đồng); Dự án đường Nguyễn Văn Linh, đoạn từ đường Trường Chinh đến đường Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku (kế hoạch vốn năm 2023 giao 76,21 tỷ đồng, giải ngân 55,177 tỷ đồng, số vốn đề nghị kéo dài là 21,033 tỷ đồng).

Việc đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước từ năm 2023 sang năm 2024 căn cứ vào khoản 2 Điều 68 Luật Đầu tư công và khoản 1 Điều 48 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6-4-2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công. Trong đó, khoản 2 Điều 68 Luật Đầu tư công quy định: “Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm đến ngày 31-1 năm sau; trường hợp bất khả kháng, Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với vốn ngân sách trung ương, HĐND cấp tỉnh quyết định đối với vốn ngân sách địa phương cho phép kéo dài thời gian thực hiện nhưng không quá ngày 31-12 năm sau”.

Một góc thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa. Ảnh: H.D

Một góc thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa. Ảnh: H.D

Còn khoản 1 Điều 48 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP quy định: “Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với vốn ngân sách trung ương, HĐND cấp tỉnh quyết định đối với vốn ngân sách địa phương cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm nhưng không quá ngày 31-12 năm sau trong các trường hợp: dự án quan trọng quốc gia; dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; dự án được bố trí kế hoạch vốn để hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm kế hoạch nhưng không được bố trí vốn kế hoạch năm sau; dự án bị ảnh hưởng tiến độ do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, nguyên nhân khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép...”.

Ông Đinh Hữu Hòa thông tin thêm: “Các dự án đề nghị được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đều thuộc các trường hợp được phép kéo dài. Tuy nhiên, sau khi xem xét đề nghị của UBND tỉnh, Bộ KH-ĐT chỉ thống nhất kéo dài Dự án đường giao thông kết nối các xã Ia Mláh, Phú Cần và thị trấn Phú Túc; các dự án còn lại không thống nhất kéo dài với số vốn là 67,962 tỷ đồng”.

Nguyên nhân các dự án này chưa thực hiện và giải ngân đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra chủ yếu là do một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật chậm ban hành, chậm được sửa đổi, còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất của một số quy định pháp luật nên thời gian triển khai thủ tục bị kéo dài. Một số dự án bị vướng giải phóng mặt bằng cũng đã làm chậm tiến độ triển khai thực hiện.

Mới đây, trên báo chí có thông tin “Hơn 700 tỷ đồng đầu tư công ở Gia Lai bị cắt vốn”. Đây là thông tin chưa chính xác. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết: Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy về vấn đề này và cũng có đề xuất hướng xử lý đối với nguồn vốn bị cắt. Cụ thể, UBND tỉnh sẽ đăng ký làm việc với Bộ KH-ĐT để xin tiếp tục cho kéo dài số vốn bị cắt là 67,962 tỷ đồng. Trong trường hợp không cho phép kéo dài, UBND tỉnh đề xuất Bộ KH-ĐT bổ sung số vốn trên trong kế hoạch năm 2025.

Cũng liên quan đến thông tin bài viết “Hơn 700 tỷ đồng vốn đầu tư công ở Gia Lai bị cắt vốn”, ngày 2-6, UBND tỉnh có Công văn số 1323/UBND-KGVX giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở KH-ĐT tổng hợp nội dung, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để phối hợp tuyên truyền đảm bảo đúng, đủ, chính xác thông tin và theo thẩm quyền quy định, cụ thể nội dung chính thức đối với việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 sang năm 2024.

Sau khi rà soát nội dung thông tin, mục đích tuyên truyền các báo, tạp chí đã đăng tải bài viết nêu trên, Sở Thông tin và Truyền thông căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý theo quy định; tham mưu đối với những nội dung thuộc thẩm quyền UBND tỉnh; văn bản tham mưu, báo cáo kết quả gửi về UBND tỉnh trước ngày 6-6-2024.

Có thể bạn quan tâm

Thông qua 40 nghị quyết quan trọng

Thông qua 40 nghị quyết quan trọng

(GLO)- Sáng 11-12, kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) bước vào ngày làm việc cuối cùng với phần chất vấn và trả lời chất vấn; đồng thời, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 40 nghị quyết quan trọng.

Lực lượng nổi dậy Myanmar chiếm căn cứ quân sự, bắt giữ một chuẩn tướng

Lực lượng nổi dậy Myanmar chiếm căn cứ quân sự, bắt giữ một chuẩn tướng

(GLO)- Khuya 9/12, người phát ngôn lực lượng nổi dậy Quân đội Arakan (Myanmar) Khaing Thukha, tuyên bố tổ chức này đã chiếm được căn cứ quân sự lớn ở thị trấn Maungdaw (bang Rakhine), theo trang tin Mint. Chuẩn tướng quân đội Thurein Tun, chỉ huy căn cứ đã bị bắt khi đang tìm cách chạy thoát.