Gia Lai: Các địa phương cần chủ động, thần tốc hơn nữa trong tiêm vắc xin phòng Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 12-3, Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai có Thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 của tỉnh chủ trì họp Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh về công tác phòng-chống dịch, tổ chức hoạt động tại cơ sở giáo dục và công tác tiêm chủng phòng Covid-19.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong công tác phòng-chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị và UBND-Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc, nhất quán chỉ đạo phòng-chống dịch của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng-chống dịch, Bộ Y tế; của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo của tỉnh để quyết tâm thực hiện mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc, chuyển nặng và tử vong do dịch Covid-19.
Tiếp tục triển khai hiệu quả việc thực hiện một số công tác trọng tâm trong phòng-chống dịch để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, phải luôn đề cao cảnh giác, bám sát tình hình, dự báo tốt tình hình dịch bệnh, có các phương án, kịch bản bảo đảm khoa học, phù hợp, hợp lý, hiệu quả và chủ động thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, chuẩn bị sẵn sàng, tích cực ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch kết luận cuộc họp chiều 9-3. Ảnh: Như Ý
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch kết luận cuộc họp chiều 9-3. Ảnh: Như Ý
Tiểu ban Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế và các địa phương tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về phòng-chống dịch bằng nhiều hình thức, nhiều biện pháp, truyền tải tập trung nội dung có trọng tâm, trọng điểm nhằm cung cấp thông tin đến người dân với tinh thần không chủ quan, lơ là, không cực đoan, không lo lắng thái quá. 
Tích cực tuyên truyền vận động người dân tiêm đầy đủ vắc xin và chấp hành các biện pháp phòng-chống dịch (theo thông điệp 5K của Bộ Y tế) để bảo vệ sức khỏe chính bản thân, gia đình và cộng đồng (nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu, vùng xa). Cung cấp thông tin, khuyến cáo của cơ quan chuyên môn về hướng dẫn tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe của F0 tại nhà, cách sử dụng thuốc, những việc F0 nên làm và không nên làm, hướng dẫn xử lý rác thải, vệ sinh môi trường tại nhà, cung cấp các số điện thoại đường dây nóng của cán bộ quản lý F0 tại nhà, Trạm Y tế cấp xã, Trung tâm Y tế cấp huyện và UBND địa phương để người dân biết, thực hiện và liên hệ hỗ trợ khi cần. 
Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai sử dụng các phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý F0 tại nhà cũng như công tác phòng-chống dịch trên địa bàn tỉnh. 
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 thần tốc hơn nữa theo vắc xin được phân bổ, chủ động về phương tiện, vật tư hỗ trợ công tác tiêm chủng; khi có khó khăn vượt thẩm quyền cần báo cáo ngay về Ban Chỉ đạo tỉnh để được chỉ đạo, giải quyết. Sở Y tế khẩn trương hoàn thiện dự trù, lập dự toán kinh phí để nhanh chóng triển khai tổ chức tiêm vắc xin phòng bạch hầu, tránh tình trạng dịch chồng dịch. 
Giao cho Sở Y tế có trách nhiệm kiểm tra và hướng dẫn thực tế việc phân tầng điều trị, quy trình vận chuyển bệnh nhân Covid-19 và các đối tượng cần chăm sóc y tế đến các cơ sở y tế để triển khai hiệu quả, đồng bộ, thống nhất trong toàn tỉnh. 
Sở Y tế phối hợp với Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra các nhà thuốc được cấp phép trong hệ thống bán thuốc điều trị Covid-19 và kiểm tra về kinh doanh, buôn bán kít xét nghiệm, thuốc, vật tư... liên quan phòng-chống dịch Covid-19 để đảm bảo bình ổn giá, tránh rối loạn thị trường.
Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân tại điểm tiêm Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Tây Sơn, TP. Pleiku). Ảnh: Bá Bính
Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân tại điểm tiêm Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Tây Sơn, TP. Pleiku). Ảnh: Bá Bính
Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thống nhất phương án dạy và học, theo đó: đối với cấp độ 1, 2 tổ chức dạy và học trực tiếp, cấp độ 3 kết hợp linh hoạt việc học trực tiếp và trực tuyến, cấp độ 4 tổ chức học trực tuyến. Triển khai hướng dẫn đầy đủ, chấn chỉnh, quán triệt tại các cơ sở giáo dục và tổ chức đi kiểm tra tình hình thực tế; phân tích hàng ngày F0 theo cấp học, độ tuổi, dịch tễ để báo cáo về Ban Chỉ đạo tỉnh, Sở Y tế trước 17 giờ ngày thứ 6 hàng tuần. Rà soát, đánh giá tại các trường bán trú, mẫu giáo để tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo tỉnh tháo gỡ khó khăn, xử trí kịp thời. 
Bảo hiểm xã hội tỉnh thống nhất với Sở Y tế để hướng dẫn cho y tế địa phương, phổ biến cho người dân về quy trình, hồ sơ, thủ tục, thanh toán chế độ cho người dân mắc Covid-19 có hưởng BHXH theo quy định và tổ chức kiểm tra, giám sát theo quy định.
Sở Tài chính rà soát, hướng dẫn các đơn vị thực hiện các chế độ theo quy định, tham mưu về việc hỗ trợ tiền ăn đối đối với các trường hợp mắc Covid-19 là lực lượng tuyến đầu khi tham gia phòng-chống dịch. 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 cấp huyện, Trung tâm Y tế cấp huyện triển khai thực hiện theo đúng văn bản hướng dẫn của Sở Tài chính về công tác mua sắm theo phương châm 4 tại chỗ.
KIỀU PHAN

Có thể bạn quan tâm

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

Cảnh báo nguy cơ bùng phát bệnh sởi

(GLO)- Những ngày gần đây, số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh Gia Lai có chiều hướng tăng nhanh. Trước tình hình đó, ngành Y tế đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa, quyết tâm không để bệnh sởi bùng phát và lây lan trên diện rộng.