Gia Lai: Bổ sung biện pháp phòng-chống dịch tại các địa bàn trọng điểm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 1-11, Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh Gia Lai đã ban hành Công văn số 608/CV/BCĐ về việc bổ sung một số biện pháp tăng cường trong phòng-chống dịch Covid-19 tại một số địa bàn trọng điểm của tỉnh.

Để bổ sung các biện pháp tăng cường nhằm khống chế dịch bệnh tại các địa bàn tại TP. Pleiku, các huyện: Chư Sê, Kbang và Phú Thiện nói riêng và ổn định tình hình trên phạm vi toàn tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh giao UBND-Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch TP. Pleiku và huyện Chư Sê tiếp tục thực hiện các nội dung chỉ đạo tại Công văn số 592/CV-BCĐ ngày 28-10-2021 của Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh, đồng thời triển khai các nội dung sau:

Khẩn trương nghiên cứu Quyết định số 745/QĐ-UBND ngày 30-10-2021 của UBND tỉnh về Phương án triển khai các biện pháp tạm thời để thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Gia Lai; tổ chức đánh giá và công bố về cấp độ dịch tới quy mô thôn, làng, tổ dân phố để triển khai các biện pháp hành chính giám sát, kiểm soát dịch hiệu quả, đạt được các mục tiêu thích ứng an toàn, đáp ứng với dịch bệnh trên địa bàn phụ trách. Các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 phải được thực hiện dứt khoát, kịp thời, quyết liệt; đảm bảo hài hòa giữa các giải pháp chuyên môn y tế với các giải pháp hành chính, kinh tế-xã hội. Các giải pháp y tế phải đồng bộ giữa cách ly với xét nghiệm, điều trị vắc xin, theo phương châm “cách ly, xét nghiệm là then chốt, vắc xin, thuốc điều trị là điều kiện tiên quyết”.


Xây dựng kế hoạch phối hợp với lực lượng hỗ trợ của Quân khu 5 để triển khai xét nghiệm tầm soát diện rộng trên địa bàn TP. Pleiku và các huyện Phú Thiện, Chư Sê, Kbang để bóc tách các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng trong thời gian sớm nhất. Huy động mọi lực lượng để mở rộng truy vết kiểm soát nghiêm ngặt đối với cụm dân cư còn yếu tố nguy cơ cao, nguy cơ rất cao để hạn chế nguồn bệnh trong cộng đồng.

Lực lượng chức năng tạm thời phong tỏa toàn bộ thôn Pleiku Roh (phường Yên Đổ, TP. Pleiku). Ảnh: Bá Bính
Lực lượng chức năng tạm thời phong tỏa toàn bộ làng Pleiku Roh (phường Yên Đổ, TP. Pleiku). Ảnh: Bá Bính


Đối với TP. Pleiku: khoanh vùng, phong tỏa làng 50, khẩn trương truy vết xét nghiệm trong 24 giờ (từ 7 giờ ngày 1-11-2021); trên cơ sở điều tra dịch tễ, tiếp tục truy vết, xét nghiệm diện rộng, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 theo mẫu đại diện hộ gia đình thuộc phường Yên Đổ, phương pháp theo “vết dầu loang”, thời hạn từ 36-72 giờ. Đối với phường Ia Kring, thực hiện xét nghiệm tầm soát trọng điểm, truy vết và xét nghiệm khu vực có F0 để khẩn trương bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, thời hạn từ 36-72 giờ.

Xét nghiệm trọng điểm tại Trung tâm Thương mại Pleiku, chợ Bà Định, khu vực tập trung đông người, lái xe, xét nghiệm 100% cho đối tượng có triệu chứng sốt, ho, cảm…; yêu cầu các phòng khám, các quầy thuốc trên địa bàn thành phố thông tin hướng dẫn cho người mua thuốc/bệnh nhân đến khám có chỉ điểm hô hấp để xét nghiệm tầm soát; rà soát xét nghiệm toàn bộ người về từ vùng dịch trên địa bàn. Đối với các ổ dịch khác trên địa bàn thành phố, căn cứ điều tra dịch tễ khẩn trương khoanh vùng, truy vết xét nghiệm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng (nguyên tắc thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và trả kết quả trong 24 giờ, khoanh vùng truy vết không quá 72 giờ nếu phức tạp).

Đối với huyện Chư Sê: Tiếp tục khẩn trương đánh giá các ổ dịch, kiểm soát chặt nguồn lây, người về từ vùng dịch, các lái xe, mở rộng đánh giá tình hình dịch liên quan huyện Chư Pưh để phát hiện và khoanh vùng sớm, hạn chế lây lan dịch bệnh.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho các đối tượng trong vùng đang xảy ra dịch bệnh, tăng độ bao phủ mũi 2 cho tất cả các đối tượng, nhất là các đối tượng có nguy cơ cao. Quán triệt việc triển khai test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho các Trạm Y tế thuộc địa bàn TP. Pleiku và huyện Chư Sê để tăng cường sàng lọc các trường hợp có yếu tố dịch tễ hoặc các trường hợp có triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác… Phát huy cao nhất vai trò của tổ Covid cộng đồng để quản lý chặt người từ ngoài tỉnh về địa bàn, nhất là người về từ vùng dịch, người đang thực hiện cách ly y tế tại nhà và các trường hợp đã kết thúc điều trị Covid-19 cũng như các đối tượng đã hoàn thành cách ly tập trung.

Đối với huyện Phú Thiện và huyện Kbang, tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm theo tinh thần Công văn số 545/CV-BCĐ ngày 20-10-2021 của Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh về việc hướng dẫn tạm thời các biện pháp cách ly, giám sát y tế trong phòng-chống dịch Covid-19 để quản lý chặt các đối tượng sau khi hoàn thành cách ly tập trung; đối với các trường hợp không đảm bảo điều kiện cách ly tại nhà thì yêu cầu phải tiếp tục cách ly tập trung theo quy định.

Thành lập đoàn kiểm tra để đánh giá công tác thực hiện cách ly tại nhà đối với các đối tượng sau khi hoàn thành cách ly y tế tập trung; báo cáo về Ban Chỉ đạo tỉnh kết quả kiểm tra và việc chấn chỉnh, xử lý các sai phạm (nếu có).

Tăng cường công tác truy vết, giám sát, phát hiện sớm các chùm ca bệnh, các ổ dịch mới, khoanh vùng rộng, cách ly và xử lý triệt để; xây dựng kế hoạch xét nghiệm mở rộng trọng điểm các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người theo lịch trình di chuyển của các đối tượng F0 để tìm kiếm và cắt đứt nguồn lây, sớm bóc tách F0, F1 ra khỏi cộng đồng, hạn chế tối đa dịch bùng phát lớn, lan rộng trong cộng đồng. Trong trường hợp thiếu nhân lực và phương tiện phòng-chống dịch, cần khẩn trương báo cáo về Ban Chỉ đạo tỉnh để sớm xem xét và bổ sung.

Sở Y tế phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để triển khai các tiếp nhận và bố trí, phân bổ phù hợp lực lượng nhân sự, trang-thiết bị được hỗ trợ từ Quân khu 5. Khẩn trương thiết lập “Cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 Quân dân y”, điều chuyển cơ sở vật chất (giường, vật dụng thiết yếu…) để đảm bảo năng lực hoạt động 800 giường bệnh theo kế hoạch được duyệt; đưa vào hoạt động ngay trong tuần. Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 trên diện rộng tại TP. Pleiku và huyện Chư Sê, Phú Thiện, Kbang để tầm soát nguy cơ trong cộng đồng.

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân. Ảnh: Như Nguyện
Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân. Ảnh: Như Nguyện


Yêu cầu các phòng khám, các quầy thuốc trên địa bàn tỉnh thông tin hướng dẫn cho người mua thuốc/bệnh nhân đến khám có chỉ điểm hô hấp để xét nghiệm tầm soát. Chỉ đạo cho y tế cơ sở thực hiện rà soát, xét nghiệm toàn bộ người về từ vùng dịch trên địa bàn. Tham mưu cập nhật, điều chỉnh tiêu chuẩn ra viện theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế; phân tầng điều trị bệnh nhân theo cấp độ; hướng dẫn xử ly đối với ca tái dương tính, ca xuất viện để quản ly, giám sát, cách ly tại nhà cho phù hợp; triển khai có lộ trình, có sự chuẩn bị thống nhất chặt chẽ với các địa phương và phù hợp với tình hình dịch bệnh, khả năng thu dung bênh nhân và điều kiện thực tế, đặc thù của từng địa phương.

Trên cơ sở vắc xin được phân bổ, triển khai ngay kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng trong toàn tỉnh, nhất là tại TP. Pleiku và huyện Chư Sê, nhưng cần đảm bảo an toàn, thực hiện theo đúng các quy định của Bộ Y tế.

Ban Chỉ đạo tỉnh giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Y tế đảm bảo công tác tiếp nhận lực lượng nhân sự, trang-thiết bị được hỗ trợ từ Quân khu 5. Phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ thiết lập “Cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 Quân dân y” nhằm tăng cường năng lực thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 của tỉnh.

Ban Chỉ đạo yêu cầu các sở, cơ quan báo chí tiếp tục tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng-chống dịch, yêu cầu mọi người dân bình tĩnh, không chủ quan, không hoang mang, chủ động tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch theo khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế quy định của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh để góp phần phòng-chống dịch hiệu quả.

KIỀU PHAN

 

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Tăng huyết áp, hay còn gọi là cao huyết áp, là một tình trạng mà áp lực máu trong động mạch cao hơn mức bình thường. Ở trẻ em, bệnh này ít được nhận biết hơn so với người lớn nhưng không kém phần nguy hiểm. Vậy bố mẹ làm thế nào để phát hiện con mình có dấu hiệu của một bệnh nhân cao huyết áp?