Gia Lai: Bàn giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc giai đoạn 2023-2025

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 5-12, tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Gia Lai, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc giai đoạn 2021-2023, định hướng giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân tộc-HĐND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, lãnh đạo các phòng chuyên môn của Sở GD-ĐT cùng 183 đại biểu là lãnh đạo, chuyên viên phụ trách công tác giáo dục dân tộc của các phòng GD-ĐT; lãnh đạo, giáo viên các trường phổ thông thuộc Sở và Hiệu trưởng các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Bá Công-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mộc Trà
Ông Trần Bá Công-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mộc Trà

Giai đoạn 2021-2023, bằng sự chung tay của cả hệ thống chính trị với nhiều giải pháp đồng bộ, chất lượng giáo dục toàn diện nói chung và giáo dục học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng ngày càng được nâng lên, duy trì ổn định qua các năm học. Tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh và Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai nhiều năm liền đạt 100%; tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng đạt trên 80%. Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” được các đơn vị, trường học quan tâm, đảm bảo học sinh đạt chuẩn năng lực tiếng Việt của mỗi khối lớp và của cấp học.

Quy mô, mạng lưới trường lớp không ngừng được củng cố, phát triển. Tính đến đầu năm học 2023-2024, ngành Giáo dục tỉnh có 756 trường mầm non và phổ thông với 418.617 học sinh/12.227 lớp; trong đó, học sinh DTTS chiếm trên 46%. Toàn tỉnh có 17 trường phổ thông dân tộc nội trú, 22 trường phổ thông dân tộc bán trú, 27 trường phổ thông có học sinh bán trú. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ở các bậc học là 21.723 người.

Cơ sở vật chất từng bước được đầu tư, đáp ứng nhiệm vụ dạy-học và yêu cầu đổi mới giáo dục. Hiện tỉnh có 3.416 phòng học văn hóa và phòng học bộ môn từ bậc mầm non đến THPT. Riêng các trường phổ thông dân tộc nội trú có 18 nhà ăn, 539 phòng ở nội trú; trường phổ thông dân tộc bán trú có 24 nhà ăn, 202 phòng ở bán trú.

Công tác xã hội hóa giáo dục ngày càng được đẩy mạnh, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa phụ huynh, chính quyền địa phương với nhà trường, góp phần duy trì sĩ số học sinh và xây dựng cảnh quan học đường ngày càng khang trang, sạch đẹp. Hoạt động giáo dục đặc thù được các đơn vị tổ chức phù hợp với đối tượng học sinh DTTS và điều kiện của nhà trường; tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và giúp học sinh giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng như phát triển toàn diện năng lực cá nhân. Các chế độ, chính sách cho học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú và đối với nhà giáo, học sinh vùng đặc biệt khó khăn được thực hiện đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định; tổ chức tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh học đường…

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Mộc Trà
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Mộc Trà

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe một số đơn vị tham luận về công tác chỉ đạo và kết quả huy động học sinh DTTS đến trường từ mầm non đến THCS; kinh nghiệm dạy học giúp nâng cao tỷ lệ học sinh DTTS đỗ vào các trường đại học, cao đẳng; giải pháp nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS; kinh nghiệm trong công tác ôn tập, phụ đạo ngoài giờ chính khóa góp phần nâng cao chất lượng học sinh DTTS tại trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú; giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS giai đoạn 2021-2023, định hướng giai đoạn 2023-2025…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công nhấn mạnh: Hội nghị lần này là dịp để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các đơn vị trường học trong việc thực hiện các tiêu chí của kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS của giai đoạn 2021-2023; đồng thời, đề ra những định hướng và giải pháp thực hiện hiệu quả cho giai đoạn 2023-2025 nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển về GD-ĐT đối với đồng bào DTTS, góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cũng khẳng định: Ngành GD-ĐT trân trọng, cầu thị tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu dự hội nghị. Theo thẩm quyền, Sở sẽ có những văn bản chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; cùng với đó, tổng hợp, báo cáo trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với những vấn đề ngoài thẩm quyền.

Có thể bạn quan tâm

Chị Siu H’Teo (ở giữa, làng Phung, xã Ia Phang) phấn khởi khi kinh tế của gia đình ngày càng ổn định. Ảnh: Q.T

Đào tạo nghề: “Chìa khóa” thoát nghèo bền vững ở Chư Pưh

(GLO)- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Chư Pưh đã triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Qua đó, người dân được định hướng, tiếp cận nghề nghiệp mới, góp phần cải thiện thu nhập và thoát nghèo bền vững.

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

(GLO)- Ngày 3-12, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 281-KH/TU ngày 11-10-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5-1-2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2025-2030.

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Thay thi bằng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên với những quy định mới; hướng dẫn phương pháp tính giá dịch vụ GD-ĐT là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 12 năm nay.