(GLO)- L.T.S: Trước cục diện của mùa khô năm nay có thể kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao. Đặc biệt, vừa qua trên địa bàn huyện Ia Grai Gia Lai đã xảy ra vụ cháy rừng trồng thiêu rụi trên 50 ha tại tiểu khu 370 thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Grai quản lý. Qua vụ việc trên, bài học rút ra cho các cấp, ngành địa phương sau vụ cháy là gì? Phóng viên Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng ông Nguyễn Duy Lân-Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai về những vấn đề có liên quan đến vụ cháy và công tác phòng chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn.
-P.V:Vừa qua trên địa bàn huyện Ia Grai đã xảy ra vụ cháy rừng gây thiệt hại hơn 50 ha rừng đang trong giai đoạn kiến thiết với mức thiệt hại trên 95%. Theo phản ánh của đơn vị chủ rừng (Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Grai) diện tích rừng bị cháy thuộc rừng trồng thay thế năm 2015, được đầu tư trồng và chăm sóc trong 4 năm 2015-2018 với kinh phí 65 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, đến nay đơn vị chỉ nhận được kinh phí đầu tư năm 2015 và 2016, còn từ năm 2017 đến nay đơn vị chưa nhận được kinh phí nên công tác chăm sóc, PCCCR hầu như bị bỏ ngỏ. Vậy, phía Chi cục Kiểm lâm đã nắm được thông tin này chưa và hướng giải quyết thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Duy Lân: Phần diện tích rừng bị cháy ở huyện Ia Grai mới đây thuộc dự án trồng rừng thay thế năm 2015 của tỉnh thực hiện theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và PTNT giao tại Quyết định số 829/QĐ-BNN-TCLN ngày 23-4-2014. Cụ thể, thời điểm đó, tỉnh đã triển khai giao cho các đơn vị thực hiện trồng được 1.045 ha rừng trồng thay thế, trong đó có hơn 849 ha chuyển từ rừng sang mục đích kinh doanh (như dự án làm thủy điện, khai thác khoáng sản), gần 200 ha chuyển từ rừng sang mục đích công cộng (dự án làm thủy lợi).
Nhưng từ năm 2015 đến nay, Trung ương không cấp kinh phí để trồng, chăm sóc diện tích rừng trồng thay thế chuyển từ rừng sang mục đích công cộng, trong khi kinh phí của tỉnh không đủ cấp để thực hiện. Mặt khác, một số chủ dự án (với mục đích kinh doanh) vẫn chưa chịu nộp tiền trồng rừng thay thế, dù UBND tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các Sở làm việc với các chủ dự án này và ký cam kết trả nợ, nhưng hiện nay một số chủ dự án vẫn chây lỳ không chịu nộp tiền, dẫn đến không có vốn để cấp cho các đơn vị trồng rừng thay thế bảo vệ, chăm sóc.
|
Đây là thời điểm mà nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Ảnh: Q.T |
Trước thực trạng đó, đến ngày 12-3-2018, UBND tỉnh có văn bản đồng ý tạm ứng tiền chăm sóc trồng rừng thay thế cho các đơn vị, hiện nay các đơn vị đang lập các thủ tục để ứng kinh phí tiếp tục công tác chăm sóc rừng, phòng-chống cháy rừng trong mùa khô năm 2018.
-P.V:Ông có thể cho biết, sau vụ việc này, cơ quan thường trực phòng cháy chữa cháy rừng đã rút ra những kinh nghiệm gì để triển khai thực hiện tốt công tác này trong mùa khô này?
Ông Nguyễn Duy Lân: Theo Biên bản kiểm tra ngày 1 và 2-3 vừa qua của Đoàn kiểm tra do Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, thì diện tích trồng rừng thay thế bị cháy trên (được trồng từ năm 2015) có tỷ lệ sống khoảng 27%. Với tỷ lệ sống trên không đủ tiêu chí thành rừng và theo thông tư số 34/2009/TT-BNNPTNT ngày 10-6-2009 mật độ cây trồng của diện tích trồng rừng nêu trên chưa được coi là rừng.
Tuy nhiên, với trách nhiệm là cơ quan thường trực PCCCR, Chi cục đã tích cực triển khai các biện pháp PCCCR trong suốt mùa khô năm 2018 như: Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy PCCCR các cấp (tỉnh, huyện, xã); Bố trí lực lượng bảo vệ rừng trực, tuần tra 24/24 giờ/ngày tại các trọng điểm cháy, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng nhằm phát hiện sớm lửa rừng và dập tắt kịp thời khi nguồn lửa mới phát sinh.
|
Trong công tác phòng-chống cháy rừng thì công tác phòng cháy được ngành chức năng đặc biệt quan tâm. Ảnh: Q.T |
Đồng thời, thực hiện các biện pháp phòng cháy như đốt trước có điều khiển (làm giảm vật liệu cháy), làm đường ranh cản lửa chống cháy lan; tuyên truyền vận động người dân tích cực tham gia công tác PCCCR, không sử dụng lửa bừa bãi trong rừng, xử lý thực bì trong sản xuất nương rẫy đúng theo hướng dẫn của Kiểm lâm địa bàn.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, công tác PCCCR dù được UBND tỉnh quan tâm đầu tư, nhưng do ngân sách địa phương còn hạn chế nên chỉ mới đầu tư đối với các trọng điểm cháy, chưa đầu tư toàn bộ đối với diện tích rừng có nguy cơ cháy cao (dễ cháy và rất dễ cháy).
-P.V:Trong công tác PCCCR rừng thì công tác phòng là chính. Vậy trước cục diện thời tiết trong mùa khô năm nay, cơ quan thường trực PCCCR tỉnh đã triển khai công tác PCCCR ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Duy Lân: Trước diễn biến phức tạp của thời tiết trong mùa khô năm nay, với phương châm phòng là chính, cơ quan thường trực PCCCR tỉnh đã triển khai công tác PCCCR như sau:
Tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các biện pháp PCCCR ngay đầu mùa khô (từ đầu mùa khô đến nay đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 15-12-2017, Công điện số 05/CĐ-UBND ngày 2-3-2018, Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 29-01-2018, Công văn số 12/CCKL-QLBVR&BTTN ngày 5-1-2018, Công văn số 391/UBND-NC ngày 2-3-2018, Công văn số 193/SNNPTNT-CCKL ngày 5-2-2018).
Đồng thời, phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh tiến hành kiểm tra, đôn đốc các đơn vị chủ rừng và các huyện triển khai phương án PCCCR trên địa bàn quản lý. Tăng cường tổ chức tuyên truyền về PCCCR và bảo vệ rừng với nhiều hình thức khác nhau. Duy trì hoạt động trực PCCCR tại các trọng điểm cháy và thường xuyên theo dõi trang Webside cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm để thông báo kịp thời cho cơ sở chủ động trong công tác PCCCR…
-P.V:Cám ơn ông về cuộc trao đổi này!
Tấn Sang