(GLO)- Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) đang phục hồi tích cực, lượng giao dịch thành công liên tục tăng. Tuy nhiên, theo nhận định của một số doanh nghiệp liên quan tới bất động sản thì giá đất hiện đã bị đẩy lên khá cao thành giá ảo nên người dân khó mua, mặc dù nhu cầu thực tế là nhiều.
Theo thống kê của Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất TP. Pleiku, tới thời điểm này, đơn vị đã tiếp nhận khoảng 5.500 hồ sơ giao dịch cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều đó cho thấy, so với cùng thời điểm này năm 2015, thị trường BĐS hiện đã nóng hơn rất nhiều, lượng khách hàng đến các công ty môi giới bất động sản cũng như đến tận nơi đang treo biển bán để tìm hiểu cũng nhiều lên.
Ảnh: Hà Duy |
Chị Kim Yến (số nhà 450 Lý Thái Tổ, phường Yên Đổ) treo biển bán đất đã 3 năm nay cho biết: “Hồi năm 2014, thỉnh thoảng còn có người tới hỏi giá cả, vị trí đất, riêng năm 2015 thì tuyệt nhiên không có khách nào. Còn đầu năm tới giờ cũng có 2-3 người tới hỏi thăm rồi, nhưng họ trả giá rẻ nên tôi chưa bán. Tôi có bạn trên đường Phan Đình Phùng cũng treo biển bán nhà năm ngoái mà cũng đầu năm tới giờ mới có người hỏi. Nhưng giá đất ở đó hiện cao quá, khách tới rồi đi chứ không mua nổi”.
Tại các điểm môi giới BĐS hoặc các công ty hoạt động kinh doanh có liên quan tới BĐS, ngoài lượng khách đến muốn giao dịch trực tiếp thì số cuộc điện thoại liên quan tới thị trường này, cộng với số giao dịch thành công nhiều cũng khiến những người đang làm công việc này phấn khởi hơn hẳn. Anh Phan Nhật Nam-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH một thành viên Đấu giá tài sản Tây Nguyên (131 Thống Nhất, TP. Pleiku) nhận định: “Tại Công ty, lượng giao dịch BĐS thành công tương đối nhiều. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã thực hiện giao dịch thành công 4 căn nhà với tổng trị giá khoảng 17 tỷ đồng. Nhìn chung, nhà, đất có diện tích nhỏ sẽ dễ bán hơn so với đất có diện tích lớn. Nhưng thỉnh thoảng cũng có những căn nhà bán với giá rất cao, do nằm ở vị trí trung tâm”.
Mới đây, một lô đất ở đường Phan Đình Phùng (TP. Pleiku) có chiều ngang 5 mét đã được bán với giá 6 tỷ đồng; hay mảnh khác tại đường Hùng Vương có giá 12 tỷ đồng do bị đẩy lên quá cao. Giá đất tại Pleiku cao hơn so với Quy Nhơn, thậm chí cao hơn Đà Nẵng, nên có một số dòng tiền nhàn rỗi đổ về các địa phương này để mua đất. Theo anh Phan Nhật Nam, nhu cầu mua nhà ở của người dân rất nhiều, nhưng thị trường đẩy giá ảo lên cao nên người dân không mua được.
Theo đó, giá giao dịch một số khu vực trên địa bàn TP. Pleiku (tính mét ngang) như đường Phan Đình Phùng hiện có giá khoảng 1 tỷ đồng/mét; đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn gần Trung tâm Thương mại Pleiku) gần 2 tỷ đồng/mét; đường Hai Bà Trưng khoảng 900 triệu đồng/mét; đường Nguyễn Tất Thành 600 triệu đồng/mét; đường Trần Phú khoảng 2 tỷ đồng/mét; đường Hùng Vương chừng 1,8 tỷ đồng/mét; khu vực Diệp Kính có giá thấp hơn, khoảng 500-600 triệu đồng/mét; đường Phạm Văn Đồng (đoạn qua cầu vượt) có giá khá rẻ, chừng 250 triệu đồng/mét; các khu vực hẻm Ngô Gia Khảm, Nguyễn Thiếp... thì ở giá 70-80 triệu đồng/mét...
Bảng giá trên là giá thực để giao dịch. Còn thực tế thì chủ sở hữu các tài sản BĐS này thường đẩy giá lên cao hơn khoảng 1,1-1,2 lần. Nói về nguyên nhân vì sao giá lại bị đẩy lên, anh Nam lý giải: “Có 2 lý do: hoặc là chủ nhà chưa cần tiền nên chưa cần phải bán nhanh, nên họ đưa ra cái giá họ muốn, giao dịch thành công hay không không quan trọng. Lý do thứ 2 là có thể họ chuyển đi nơi khác và cần số tiền ít nhất bằng số tiền mà tài sản BĐS họ bán được”.
Có một thực tế là nhu cầu về nhà ở của người dân còn rất nhiều, song khả năng mua lại rất hạn chế. Lý do như đã nói: Giá BĐS bị đẩy lên quá cao tạo thành giá ảo. Làm thế nào để người dân có nhà ở? Hiện tại, các ngân hàng trên địa bàn như Vietinbank, Vietcombank... đều có những gói cho vay thế chấp ưu đãi để mua nhà với lãi suất từ 5% đến 7%/năm, thời hạn từ 10 đến 20 năm. Song những gói ưu đãi này hầu như chỉ dành cho cán bộ, công chức, viên chức có lương (từ 4-5 triệu đồng/tháng trở lên) hoặc người có tài sản thế chấp. Còn đối với những người lao động bình thường, vẫn là câu hỏi khó!
Hà Duy