Giá cao su bất ngờ giảm mạnh, DN và nhà vườn lại kêu trời!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giá cao su bất ngờ quay đầu giảm mạnh, cách đây 1 tháng giữ mức 34-35 triệu đồng/tấn, nay xuống còn 30 triệu đồng. Doanh nghiệp xuất khẩu và các nhà vườn lại... kêu trời!
 

 

Tại xã An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, nơi có gần 1.000 ha cao su tiều điền đang có một số nhà vườn trồng diện tích nhỏ từ 5 công (5.000 m2) đến 1-2ha, ngưng cạo vì lỗ tiền công do sản lượng mủ và giá bán đều thấp. Ông Ngô Lễ (ấp 3, xã An Thái) trồng 1,5ha cho biết từ đầu tháng 6 đến nay, sản lượng mủ vườn cao su của gia đình ông giảm chỉ còn 2/3 so thời điểm năm ngoái; còn độ mủ cũng giảm xuống 4-5 độ trong khi vườn cây cao su của ông đều già trên 10 năm tuổi, trong khi lẽ ra cây càng già độ mủ càng cao.

"Một phần trong thời gian dài, tôi đầu tư phân thuốc ít đi so với thời kỳ giá mủ đỉnh cao nên cây cũng không khỏe, bên cạnh đó gần đây mưa nhiều vào ban đêm, cộng với tình trạng gió mạnh làm thân cây bị ẩm ướt thường xuyên, gốc cây yếu nên đã tác động không nhỏ đến sự tăng trưởng, hình thành mủ trong thân dẫn đến năng suất thấp. Trong khi giá mủ nước lại đang ở mức chưa tới 260 đồng/độ (tsc) nên từ cuối tháng 6 tôi đã ngưng cạo vì thua lỗ...", ông Lễ chia sẻ.

Người trồng tới gần 40ha cao su, quản lý tốt như ông Lê Vinh ở xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo cũng "choáng" vì giá mủ. Ông bắt đầu mở miệng cạo ngày 10-5 theo chế độ D3 (2 ngày cạo, 1 ngày nghỉ), tức một ngày cạo có 15ha, thuê 15 công lao động cạo mủ, giảm tiền công cạo từ 200 ngàn xuống còn 170 ngàn đồng/ngày. Sản phẩm thu được bình quân khoảng 170kg mủ nước, bán được 1,7 triệu đồng thời điểm giá mủ còn 310 đồng/độ (tức 10 ngàn đồng/kg). Nay giá còn 255 đồng/độ tức thu nhập của ông giảm đi 1/3.

"Tôi trồng diện tích lớn, bù qua sớt lại về sản lượng vườn cây nên vẫn có lãi chút đỉnh. Trong tháng 6, khi giá còn 34 triệu/tấn thì còn lãi trên 30 triệu đồng/40ha/tháng. Còn từ tháng 7 này trở đi, nếu giá vẫn duy trì như hiện nay thì sẽ hòa vốn. Thế nên, đối với các nhà vườn trồng vài công hoặc 1-2ha cao su chắc chắn lỗ", ông Vinh khẳng định.

Theo ông Nguyễn Lợi, GĐ Cty Trường Phát (huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương), một doanh nghiệp chuyên mua mủ cao su tiểu điền về chế biến thành mủ cốm bán cho thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cơ sở chế biến mủ tư nhân như đang ngồi trên chảo lửa vì giao hàng theo đường tiểu ngạch. "Chỉ có 1 tháng nay mà chúng tôi lỗ mất 2 tỷ đồng. Thời điểm mua mủ nước tháng 6 bình quân là 310 đồng/độ (tương ứng với 34-35 triệu/tấn mủ khô) mang về chế biến đến nay 1 tháng thì giá mủ nước rớt chỉ còn 255-260 đồng/độ (tương ứng khoảng 30 triệu/tấn), bán qua Trung Quốc 1 tấn lỗ 4-5 triệu đồng.

"Hiện xuất cao su thô nguyên liệu chủ yếu là sang Trung Quốc, nay hàng bên đó tồn kho quá nhiều, ngay cả mủ cao su tại Trung Quốc vẫn khó bán do Mỹ áp thuế. Tôi còn mấy "công" (container) phải giam lại kho, không dám bán vì lỗ, mà không bán thì không có vốn thu mua mủ về chế biến đảm bảo cho nhà máy hoạt động".

Đỗ Quyên/nongnghiep

Có thể bạn quan tâm

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

(GLO)- Ngày 17-1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam ký Quyết định số 377/QĐ-BNN-VPĐP phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp Quốc gia đợt III-2024.

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.