Ghé vai đỡ gánh đường xa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi người dân vất vả trên đường thiên lý thì bà con ghé vai đỡ gánh đường xa, đúng nghĩa đồng bào...
Từ đầu tháng 7, người lao động ở các tỉnh phía nam bắt đầu đi xe máy về quê tránh dịch, lúc đó đã có rất nhiều nhóm thiện nguyện bằng nhiều cách giúp đỡ bà con. Đến đầu tháng 10 thì dòng người ngày một nhiều. Ngang qua Đà Nẵng, ngày ít thì vài trăm, nhiều thì vài nghìn...
Câu chuyện người lao động hồi hương thực tế đã đang diễn ra, chuyện sai đúng thế nào ai cũng đã biết, không nhắc lại, nhưng khi người dân vất vả trên đường thiên lý thì bà con ghé vai đỡ gánh đường xa, đúng nghĩa đồng bào.

Một điểm sửa xe của đội tình nguyện
Một điểm sửa xe của đội tình nguyện
Sửa xe, chở xe và… chạy xe
Hôm 7.10, như thường lệ, tôi và Trần Hoàng Vương cùng anh em tình nguyện lên chốt Lò Xo (địa bàn Kon Tum giáp Quảng Nam). Sau khi tiếp tế thức ăn, nước uống, đổ xăng, xe hỏng thì sửa xe, xe hỏng nặng thì đưa lên xe tải, người ngồi xe ca, rồi theo đoàn bà con về chốt Hải Vân (Đà Nẵng). Đến giữa đường, mưa lớn, đường trơn, nhiều người đuối sức, anh em dừng xe, mời bà con lên và chạy xe thay họ.
Tôi cũng cầm một xe, trên chất đầy đồ, từ chăn, quạt máy, bếp gas... Tưởng cũng bình thường, ai dè đi một đoạn, qua cánh đồng gió quá mạnh. Anh em đi ô tô vượt lên chắn gió để bà con nương theo mà chạy. Mấy em sinh viên trong nhóm tình nguyện sửa xe của Đại học Đông Á và nhóm 44 của tôi có sức nên lướt được, tôi thì xiêu xiêu vẹo vẹo. Mấy đứa la lớn trong mưa: “Thầy lên lái ô tô đi, để xe em đi”.
Đến được đây, bà con đã đi hai ngày một đêm không nghỉ bằng những chiếc xe cà tàng, đi không quen thì vô số là xe chết máy, chết máy thì dòng người phía sau lao lên, nguy hiểm vô cùng.

Bà con tranh thủ chợp mắt để đi tiếp. Ảnh: Nhóm tình nguyện
Bà con tranh thủ chợp mắt để đi tiếp. Ảnh: Nhóm tình nguyện
Những người chưa gặp
Sáng đó, có một cô nhắn tin nói đại ý, nhà em có chiếc xe máy còn tốt, anh coi có ai cần xe thì nói họ đi qua Hà Tĩnh, đến đó điện thoại số này này... lấy mà đi về.
Tôi xem hình thấy cái xe đẹp quá, nói thôi em để mà đi này nọ..., cô ấy khẳng định luôn như ý trên.
Xong, cô ấy nói thôi anh, cho em góp tiền mua xe khác ở Đà Nẵng tặng bà con chứ cho họ xe ni tội họ. Tôi hỏi sao, cô nói xe Nouvo ni nó húp xăng dữ lắm.
Thực gọi tôi bằng bác, vì chơi với đứa cháu, năm trước cho xe trọng tải lớn chở bè ra Quảng Bình giúp bà con vùng lũ, điện thoại bảo nhà cháu có 2 chiếc xe máy của hai vợ chồng, cháu đưa đến cho bác để bác tặng cho bà con. Tôi ừ xong rồi nó còn nói thêm, để cháu đi kiểm tra lại cho ngon lành đã nghe bác, chiều cháu mang đến.
Tối, hai vợ chồng mang hai xe đến.
Đêm, Thanh chat hỏi cần gì thêm nữa anh? Hỏi là vì Thanh hỗ trợ nhiều lần rồi, từ đèn đội đầu (để cho nhóm sửa xe và xe bà con hỏng đèn nhưng không sửa kịp) đến cao Sao vàng, dầu gió… Sáng ra tôi nhắn cho Thanh sớm, kêu em đừng mua mấy thứ hôm qua anh nói, cho anh cà phê lon hoặc chai, vì đêm qua bà con hỏi mà phát hết mất. Thanh dạ cái, lát có người chở đến liền.
Một bạn khác, nick Nguyen Vo Hung Huy, biết chuyện cũng chở đến cho 10 thùng, nhiều bạn khác nữa không thể kể hết ở đây.
Một cô em chưa gặp, nhắn tin để đóng góp, tôi từ chối vì nguyên tắc của nhóm là không nhận tiền. Cô nhờ người quen thân gọi cho tôi, kiểu như bảo lãnh, thấy ca này khó mà cô quyết tâm quá nên tôi nhận, nói anh sẽ thuê xe rồi gửi chứng từ thanh toán cho em.
Có sinh viên trước hay hỏi thầy, không phải vì thầy giỏi mà vì thầy sống lâu hơn. Em vượt qua thử thách giờ rất ổn, có công ty riêng, kêu cho xin đóng góp. Một em sinh viên nữa ở Đà Nẵng cũng đóng góp hai lần, bằng hiện vật, xong nhắn tin rằng thầy đi đâu thì nhắn để chồng em chở đi, nhà em có ô tô mà chồng em vui lắm đó thầy.
Mọi người còn mang đến cho rất nhiều xe mới, xe cũ để đổi cho bà con.

Điểm tiếp sức ở đèo Lò Xo
Điểm tiếp sức ở đèo Lò Xo
“Thầy thịnh Đông Á”
Cô Nguyễn Thị Anh Đào, Hiệu trưởng Trường đại học Đông Á, thì hết nói. Tôi chỉ dạy trường này một môn chung cho sinh viên về truyền thông nhưng làm từ thiện miết rồi thành như người của trường. Đến nỗi toàn người gọi cái nói ngay “Có phải thầy Thịnh Đông Á không?”, thì nói phải chứ sao giờ?
Năm nay, từ đầu mùa dịch, khi có bà con về đến nay, trường có nhóm sinh viên tình nguyện sửa xe máy. Tôi cực thích thú ý tưởng này nên xông vô chỉ trỏ. Còn cô Đào ngày nào cũng chat giao ban, “Anh ơi răng rồi, anh ơi chừ răng chứ bà con khổ quá anh ơi, anh ơi có tiền ni nữa rồi...”. Cả trường, từ thầy cô, cán bộ đến sinh viên và con cái thầy cô cũng đóng góp.
Thế nên tôi, ông già tự làm bánh, nấu đồ cho mấy đứa sinh viên sửa xe (20 đứa nói chia 2 ca nhưng chúng nó lên hết, ở luôn trong lều), ngày nào cũng gọi, mấy giờ tụi con ăn để thầy làm cho nóng. Tôi không biết uống cà phê nhưng hỏi để chọn cà phê cho chúng nó. Đêm thì chúng nhắc thầy ơi, thầy ngủ chút mai còn lo việc. Tụi con chịu nổi chứ thầy không chịu nổi đâu. Tôi đùa lại, mấy đứa nghèo tuổi còn chịu được sao thầy giàu tuổi lại không chịu được?
Thương và quý tụi nó. Tuổi đó, con nhà người ta này nọ, tụi nó suốt ngày suốt đêm lo cho bà con. Giãn việc thì bố trí đứa lái ô tô chắn gió cho bà con nương theo. Nhắc đến mà ứa nước mắt.
Người thầm lặng
Nhiều tấm lòng cao cả, vô tư lắm. Kể chừng này đã, để kể từ từ. Nhưng ông này phải kể: Ổng ở đâu trỏng, TP.HCM nhưng đến từ Mỹ Tho (là khi dò ra trang cá nhân). Ổng lần đâu ra, rồi gọi đặt bánh bao Đài Loan của BaoFam. Bánh thì hảo hạng nhưng đại trà có mà chết tiền. Thế mà ổng đặt rồi nhắn anh em tôi sang nhận.
Hôm này ông đặt chừng này, mai đặt chừng này, kia đặt chừng này... Hôm nay ổng nói với bên BaoFam đặt món ngon nhất cho mấy bạn tình nguyện. Rồi chọn món. Đặt.
Mấy đứa nói thầy ơi, chú này hay lắm, nói năng nhẹ nhàng, lịch lãm, ngắn gọn nhưng tinh tế, bạn thầy hả thầy? Tôi nói, thậm chí thầy không biết luôn.
Thiện nguyện nhiều người làm nhưng hiếm người làm mà chăm chút như anh ấy. Tôn trọng bà con và tất cả mọi người.
Vương “khùng”
Là yêu mà gọi thế. Trần Hoàng Vương miệt mài hơn 100 ngày (kể cả thời gian “ai ở đâu ngồi đấy” thì Vương vẫn chở thực phẩm tiếp tế cho khu phong tỏa nhờ cái thẻ tình nguyện viên). Không đêm nào không tổ chức xe cộ, chở hàng lên chốt Lò Xo, tham gia điều phối.
Có hôm gặp người bị tai nạn thì Vương chở luôn ra bệnh viện Quảng Trị (quê nạn nhân) để bó bột. Có đêm thuê xe chở người về Nghệ An… Hôm qua Vương lại chở người đuối sức ra Huế...
*
Đà Nẵng có rất nhiều nhóm tình nguyện, thiện nguyện, nhóm tôi chỉ là một. Từ trong khó khăn, mới thấy tấm lòng của người dân là vô bờ bến. Đó là những con người ghé vai đỡ gánh đường xa.
Theo Nguyễn Thế Thịnh (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.