Cao Sao Vàng là thương hiệu đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam từ những năm 60-70 của thế kỷ trước, được mệnh danh là thương hiệu quốc dân, bên cạnh nhiều cái tên khác như diêm Thống Nhất, giày Thượng Đình hay phích nước Rạng Đông.
Mới đây, một kênh youtube tại Nga đã đăng tải video dàn dựng và đầu tư công phu, với sự xuất hiện nhiều lần của lọ cao Sao Vàng Việt Nam. Video phát hành vào tháng 7/2020 có tên (tạm dịch sang tiếng Việt) là "Thuốc mỡ "Sao Vàng" - phương thuốc điều trị mát lành", được giới thiệu như một video quảng cáo cho cao Sao Vàng nhằm gợi nhớ lại một thương hiệu kỷ niệm, từng gắn bó với giới trẻ nước Nga một thời.
"Chúng ta đều nhớ mùi cay nồng tỏa ra từ hộp sắt nhỏ. Những kỉ niệm này mang ta về với căn nhà của bà ngoại, nơi rượu whiskey trở thành thứ thuốc bà chữa bách bệnh: từ đau đầu, sổ mũi cho đến viêm phổi", đoạn ghi chú video cho hay.
Trong video kéo dài 40 giây, các diễn viên lần lượt truyền tay nhau, mở nắp và hít hà mùi hương đặc trưng tỏa ra từ chiếc hộp cao Sao Vàng nhỏ trong những bối cảnh khác nhau. Từng cảnh quay đều khá nghệ thuật và chỉn chu. Hiện video đã đạt hơn 23.000 lượt xem và thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng Việt Nam.
Cao Sao Vàng – "thần dược" vang bóng một thời
Cao Sao Vàng được nghiên cứu và sản xuất từ sau năm 1954, dựa trên sản phẩm đã khá thông dụng trước đó là dầu cù nhãn hiệu con hổ trắng, xuất xứ Singapore. Từ năm 1969, sản phẩm cao xoa có thương hiệu Sao Vàng chính thức được tung ra thị trường.
Đặc biệt, từ sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Việt Nam và Liên Xô đẩy mạnh trao đổi hàng hóa. cao Sao Vàng là một trong những mặt hàng xuất khẩu sang Liên Xô. Sản phẩm được giao cho 5 xí nghiệp dược sản xuất. Riêng xí nghiệp dược ở Đà Nẵng đã được giao chỉ tiêu sản xuất mỗi năm trung bình 10 -15 triệu hộp. Đỉnh cao là 1983, với sản lượng được giao 20 triệu hộp, thấp nhất là năm 1986, năm cuối cùng có chỉ tiêu sản xuất với 4 triệu hộp.
Sau khi việc xuất khẩu sang Liên Xô kết thúc, sản lượng tiêu thụ của cao Sao Vàng sút giảm. Nhiều đơn vị đăng ký sản xuất cao Sao Vàng, tuy nhiên, ít doanh nghiệp giữ được sản lượng ổn định. Ngoài thị trường trong nước, các doanh nghiệp tìm cách tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nước ngoài như Nga, Đức....
Tương tự nhiều thương hiệu Việt vang bóng một thời khác như xe đạp Thống Nhất, giày Thượng Đình, kem đánh răng Dạ Lan…, sự phát triển của thị trường kéo theo việc xuất hiện ồ ạt các thương hiệu mới đã khiến hình ảnh cao Sao Vàng dần vắng bóng trên thị trường nội địa, cũng không được quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng.
Sau một thời gian trầm lắng vì những sản phẩm có tác dụng tương tự như dầu cù là, dầu khuynh diệp... cạnh tranh trên thị trường trong nước, thời gian 2013 - 2014 cao Sao Vàng lại được nhắc tới khi trở thành mặt hàng bán chạy trên thị trường quốc tế. Trên các trang bán hàng trực tuyến hàng đầu, sản phẩm này có giá cao gấp đến hàng chục lần so với giá gốc tại Việt Nam.
Doanh nghiệp sản xuất cao Sao Vàng làm ăn ra sao?
Thời gian đầu, cao Sao Vàng được Nhà nước giao cho Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 3, nay là CTCP Dược phẩm Trung ương 3 (HNX: DP3), nghiên cứu và sản xuất.
Báo cáo tài chính bán niên năm 2020 của Dược phẩm Trung ương 3 cho thấy, doanh thu thuần trong nửa đầu năm nay đạt 204 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đội lên 17% và 90%, khiến cho lợi nhuận sau thuế giảm khoảng 1 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.
Trong giai đoạn từ năm 2019 trở về trước, lợi nhuận của Dược phẩm Trung ương 3 tăng trưởng không ngừng qua các năm.
Nếu như năm 2013, lãi ròng của doanh nghiệp còn dưới 10 tỷ đồng, đến năm 2015
Chỉ từ mức lợi nhuận dưới 10 tỷ đồng năm 2013, nhuận sau thuế đã lên gấp đôi, đạt 16 tỷ đồng. Năm 2018, lợi nhuận sau thuế của công ty tăng vọt, đạt 80 tỷ đồng tăng 41 tỷ đồng so với năm 2017, tương đương với 208,85%. Năm 2019, đà tăng lợi nhuận sau thuế có phần chững lạị, chỉ tăng thêm 3 tỷ đồng so với năm 2018.
Tính đến 30/6, tổng tài sản của CTCP Dược phẩm Trung ương 3 đạt hơn 435 tỷ đồng, tăng gần 18% so với cùng kỳ. Các khoản mục có giá trị lớn nhất bao gồm 71,7 tỷ đồng hàng tồn kho; đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (170 tỷ đồng) và tài sản cố định (85 tỷ đồng).
Bên kia bảng cân đối, vốn chủ sở hữu chiếm 66% tổng nguồn vốn, trong đó vốn góp của chủ sở hữu là 86 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối tháng 6 là 86,5 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính bán niên cũng thể hiện, thu nhập của Tổng giám đốc CTCP Dược phẩm Trung ương 3 đạt xấp xỉ 1,2 tỷ đồng/6 tháng. Bình quân, gần 200 triệu đồng/tháng. Hiện nay, Tổng giám đốc của CTCP Dược phẩm Trung ương 3 là ông Nguyễn Đình Khái. Cuối tháng 6, ông Khái sở hữu gần 1,2 triệu cổ phiếu, tương ứng 13,89%.
Trong khi đó, thu nhập bình quân người lao động trong công ty này lên tới 15,9 triệu đồng/người/tháng.
Theo NHẬT MINH (Dân Việt)