Gặp lại tài xế "xe không kính"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã có một thời, người lái xe cũng là chiến sĩ, đối diện với cái chết từng giờ. Hơn 10 năm lái xe qua mưa bom bão đạn trên những cung đường cực kỳ ác liệt nhưng mọi chuyến xe ông lái đều về đích an toàn. Người có “số phận” kỳ lạ này là ông Nguyễn Văn Hiến.

Từ ngày có tuyến đường tránh, quán cà phê ven thôn Tân Lập (xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) bỗng trở nên đông đúc. Lần nào ghé qua, tôi cũng thấy một ông già cao lêu nghêu ngồi trong góc khuất lặng lẽ nhấm nháp cà phê một mình. Cái dáng hiền từ này tôi như đã gặp ở đâu. Vậy là, trong một lần ngồi cạnh, tôi lên tiếng làm quen. Hóa ra, ông vào chơi với con, nhà ở cùng xóm rẫy với tôi đã hơn năm nay, còn quê gốc thì ở thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.

Nghe ông nói, mình đã qua tuổi 80 nhưng dáng đi vẫn còn rất thẳng, trí nhớ minh mẫn, tôi buột miệng: “Giá ngày ấy bác đi tuyển phi công”. Ông cười: “Tôi sức khỏe không đủ nhưng được đứng vào đội ngũ lái xe ngày ấy, tiêu chuẩn chính trị có lẽ cũng chẳng kém gì phi công: 5 năm lao động tiên tiến, 3 năm chiến sĩ thi đua. Để giành được những danh hiệu ấy, tôi đã phải trằn mình cùng đồng đội mở con đường 15 chạy dọc Trường Sơn suốt 6 năm trời. Tất nhiên, đó mới chỉ là tiêu chuẩn bước đầu. Để được cầm vô lăng phải trải qua 12 tháng đào luyện khắt khe cả về đạo đức lẫn tay nghề. Thế nên khóa ấy tốt nghiệp, cả tỉnh Quảng Bình chỉ có mỗi mình tôi”.

 Những giây phút thảnh thơi giữa đời thường của ông Nguyễn Văn Hiến. Ảnh: Ngọc Tấn
Những giây phút thảnh thơi giữa đời thường của ông Nguyễn Văn Hiến. Ảnh: Ngọc Tấn


Nghe ông kể, tôi như được cộng hưởng hơi thở của một thế hệ chỉ biết phụng hiến hết mình cho lý tưởng. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp, ông Nguyễn Văn Hiến được điều về 050-đơn vị làm nhiệm vụ chi viện cho chiến trường Lào và miền Nam. Riêng đội xe có 20 chiếc với 40 lái và phụ xe do ông Nguyễn Văn Khinh chỉ đạo.

Ông Hiến hồi nhớ: “45 năm qua rồi, tôi vẫn phảng phất cái cảm giác lạnh sau gáy mỗi khi nhớ về những khúc cua ác nghiệt trên con đường 12A. Đây là con đường vốn do người Pháp làm. Có những đoạn thùng xe cọ cả vào vách đá. Để tránh nhau phải cho xe vào trạm, có người xi nhan trước kiểu như tàu hỏa vào ga. Thế nên những chiếc GAT63 lẽ ra trọng tải 2 tấn nhưng ai cũng chỉ dám chở đến 1,5 tấn. Những năm 1965 trở đi, địch ném bom vô cùng ác liệt. Mỗi chuyến hàng từ Cảng Hải Phòng vào, xe ông phải qua đủ các tọa độ lửa giờ đã đi vào sử sách: cầu Hàm Rồng, dốc Bò Lăn, Đồng Lộc, Khe Giao, Địa Lợi, cầu Cà Tang, Khe Ve, La Trọng, bãi Dinh… Cả chặng đường dằng dặc đạn bom đó, chỉ có khoảng 50 km đường kín cho xe chạy ban ngày, còn tất cả phải chạy đêm”.

Đường 12A ác liệt là vậy nhưng cũng còn phải “nhường” cho đường 20. Đường 20 dài hơn 120 km, nối Phong Nha (Quảng Bình) với Lùm Pùm (tỉnh Khăm Muộn, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào). Đường 20 có 8 trọng điểm ác liệt đã đi vào lịch sử, nhưng nổi tiếng hơn cả vẫn là cua chữ A. Đó là một đoạn đường luồn giữa 2 quả núi “mẹ” và “con” tạo thành 4 đoạn gấp khúc rất ngặt nối tiếp nhau chạy men theo sườn núi, cạnh một vực sâu thăm thẳm. Sau chiến tranh một thống kê cho thấy: Chỉ riêng B-52 đã có 270 lần trút bom xuống tọa độ này. Thế nhưng, từng qua cung đường này không dưới chục lần, ông Hiến vẫn đưa hàng về đích an toàn…

Ông kể: Một lần bị máy bay địch ném bom trúng đội hình. Đằng trước, đằng sau đều có xe cháy. Trong tình thế như vậy, nếu chấn chừ cả đoàn xe sẽ làm mồi cho địch. Vậy là, mặc cho tiếng bom bi đang nổ dậy đất, ông vọt lên buồng lái nổ máy lách xe lên. Để nhanh chóng thoát khỏi nguy hiểm và đánh lạc hướng địch, ông bật luôn đèn pha, phóng hết tốc độ. Thấy vậy, lũ máy bay địch bỏ mục tiêu phía sau châu vào vãi bom. Nghe tiếng nổ dậy đất, mảnh găm chan chát vào thành xe, một ý nghĩ thoáng qua đầu ông: “Phen này chắc chết”. Vậy mà không! Chạy thêm một quãng nữa, ông tắt đèn. Bị mất “mồi”, bọn địch lồng lộn quay lại thì những chiếc xe sau đã kịp tản ra. Nếu hôm ấy ông sợ chết, cứ ngồi yên dưới hầm thì chắc xe đã dính bom…

Bản lĩnh và phẩm chất của tay lái Nguyễn Văn Hiến đã được Ty Giao thông tỉnh Quảng Bình chú ý. Tháng 7-1967, ông được rút khỏi 050 để làm nhiệm vụ chở một thứ “hàng” vô giá: K8, K10… Bấy giờ, trước tình thế chiến tranh ngày càng ác liệt, Nhà nước chủ trương sơ tán một số đối tượng ra các tỉnh miền Bắc. Khu vực Vĩnh Linh là toàn bộ người già và trẻ em gọi là K10. Quảng Bình là con em thương binh, liệt sĩ, cán bộ, công nhân, viên chức, trẻ em mồ côi… gọi là K8. Để những “chuyến hàng đặc biệt” này đến nơi đảm bảo an toàn tuyệt đối, tiêu chuẩn phải là những tay lái kỳ cựu đã được thử thách. Ông Hiến kể: “Lúc được rút khỏi những “tọa độ lửa”, theo logic thông thường thì lẽ ra nên mừng, vậy mà tôi chỉ thấy lo”.

3 năm cân não với máy bay Mỹ trên những cung đường máu lửa, ông đã kịp rút ra những nhận định khá chính xác về quy luật hành động của chúng. Bằng kinh nghiệm và sự vững vàng của một tay lái Trường Sơn già dặn, suốt 1 năm làm nhiệm vụ chở loại “hàng đặc biệt”, không một chuyến xe nào của ông bị dính bom địch. Hàng trăm “hạt giống đỏ” được tay lái của ông đưa tới nơi an toàn...  Nguyễn Văn Hiến không ngờ điều này lại thêm cho ông một “chứng chỉ”. Tháng 9-1968, Ty Giao thông rút ông về để giao một nhiệm vụ đặc biệt hơn: chở các vị lãnh đạo tỉnh và Trung ương vào công tác Quảng Bình.

7 năm này có thể nói là quãng thời gian mà sự vất vả, căng thẳng còn gấp mấy lần lái xe tải. Bấy giờ, xe phục vụ lãnh đạo cũng chỉ đến loại GAT69 của Liên Xô. Phải lo sao cho mỗi chuyến đi được tuyệt đối an toàn, đặc biệt là những chuyến chở các cán bộ lãnh đạo tới những trọng điểm ác liệt để điều nghiên tình hình. Bất chấp ngày đêm, có máy bay đánh phá hay không, hễ có việc khẩn là đi…

Cho đến bây giờ, ông Hiến vẫn lưu giữ một cách trân trọng những phần thưởng của quãng đời 34 năm cầm vô lăng gian khổ: chiếc ca uống nước tráng men, chiếc xe đạp Thống Nhất. Những kỷ vật đó chỉ những ai sống cùng thời mới hiểu giá trị và ý nghĩa của chúng… Năm 1998, ông nghỉ hưu sau gần 40 năm gắn bó với ngành Giao thông-Vận tải, lương 4 triệu đồng.

Cùng là “dân xế” nhưng chẳng thiếu người nhà cao cửa rộng, thậm chí là giàu thì ông đến khi về hưu mới xây được căn nhà cấp 4. Ông cười vô tư khi nghe tôi tỏ ra ái ngại về sự thiệt thòi: “Mình được yên lành trở về trong khi bao nhiêu người đã nằm lại vĩnh viễn trên mỗi cung đường thì ai tính cho họ công bằng. Huống chi như các cụ ta đã nói “Công bằng viễn lộ hà xứ thị”?
 

NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.