Ra đời ngày 26-9-1999 tại Cologne (Đức) với tôn chỉ hoạt động là đưa các nền kinh tế công nghiệp và đang phát triển quan trọng tiến lại gần nhau một cách có hệ thống để thảo luận, xử lý các vấn đề quan trọng của kinh tế toàn cầu, Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi hàng đầu thế giới (G20) đến nay đã trải qua 13 năm tồn tại và phát triển.
Trong thế giới hiện đại với nhiều thăng trầm, hoạt động của G20 cũng trải qua nhiều thách, song về cơ bản G20 là diễn đàn thể hiện tiếng nói có trọng lượng hơn của các nền kinh tế đang nổi trong quá trình tái xây dựng và điều hành nền kinh tế toàn cầu.
G20 bao gồm Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) là Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Anh, Italy và Canada; Liên minh châu Âu (EU) và các nước Argentina, Australia, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Nga, Arập Xêút, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ.
Thành tựu
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp báo sau khi bế mạc Hội nghị thượng đỉnh G20. |
Cho đến giữa những năm 90 của Thế kỷ 20, G7 và sau đó là G8 vẫn là nơi bàn thảo các vấn đề quan trọng nhất của thế giới. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua đã khiến hệ thống tài chính toàn cầu chấn động mạnh hơn bao giờ hết.
Hồi tháng 9-2008, những lo ngại về việc kinh tế toàn cầu đang đứng trên bờ vực thảm họa đã thúc đẩy sự "chuyển ngôi" từ G8 sang G20, một cơ chế bao gồm các nền kinh tế phát triển nhất thế giới và các thị trường mới nổi quan trọng nhất.
Những kỳ họp đầu tiên của cơ chế mới G20 ở Washington vào tháng 11-2008 và ở London hồi tháng 4-2009 cho ra đời một thỏa thuận mở rộng hợp tác tiền tệ và tài chính, tăng ngân sách cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và đưa ra những luật lệ mới cho các định chế tài chính toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Pittsburgh (Mỹ) năm 2009 đánh dấu bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển của G20, với Tuyên bố chung được đưa ra khi kết thúc Hội nghị đã khẳng định G20 sẽ "thay thế" G8 trong việc xử lý các vấn đề hợp tác kinh tế mang tính toàn cầu.
Các nền kinh tế mới nổi gia tăng vị thế
Trong Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh Pittsburgh, các nhà lãnh G20 cam kết sẽ dành cho các nước đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ tiếng nói có trọng lượng hơn trong quá trình tái xây dựng và điều hành nền kinh tế toàn cầu.
Động thái này được đánh giá là bước chuyển biến lịch sử thừa nhận vai trò và ảnh hưởng ngày càng tăng của các nền kinh tế mới nổi trong khu vực châu Á và Bắc Mỹ, đồng thời là dấu hiệu cho thấy các nước phát triển đã chấp nhận sự cân bằng quyền lực mới trong cơ chế lãnh đạo toàn cầu.
Tại các Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo, G20 liên tục ủng hộ kế hoạch chấm dứt trợ cấp về năng lượng (dầu mỏ, nhiên liêu hóa thạch) để chống lại vấn đề biến đổi khí hậu và thể hiện nỗ lực của nhóm nhằm sớm kết thúc Vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu.
Trong lĩnh vực tài chính, G20 thống nhất tăng cường các quy định quản lý, thực hiện cải tổ và giám sát chặt chẽ hoạt động ngân hàng tới năm 2012.
Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nhận định rằng hợp tác toàn cầu đã giúp nền kinh tế thế giới quay trở lại quỹ đạo và đặt cơ sở cho sự thịnh vượng trong tương lai, khẳng định vai trò ngày càng lớn của G20 trong việc điều phối chính sách kinh tế toàn cầu, chức năng vốn do G8 đảm nhiệm trong hơn 30 năm qua.
Một trong những điểm sáng tại Hội nghị G20 diễn ra ngày 18 và 19-6-2012 ở Mexico là cam kết của các nền kinh tế đang phát triển đóng góp khoảng 95,5 tỷ USD cho IMF, để giúp thể chế tài chính này nâng nguồn lực quỹ cứu trợ lên 456 tỷ USD, vượt xa mục tiêu 430 tỷ USD do chính Quỹ này đặt ra.
Cụ thể, Trung Quốc cam kết đóng góp 43 tỷ USD, chỉ thấp hơn mức cam kết đóng góp trước đó 60 tỷ USD của Nhật Bản và 54,7 tỷ USD của Đức; Brazil, Nga, Ấn Độ và Mexico mỗi nước góp 10 tỷ USD, 5 tỷ USD từ Thổ Nhĩ Kỳ và số còn lại từ một nhóm các nền kinh tế đang phát triển khác.
Tuy nhiên, câu hỏi mà giới chuyên gia đặt ra là khi cuộc khủng hoảng hiện nay dần trôi qua, liệu nhu cầu và mối quan tâm của nhóm các nước giàu và các nước mới nổi có trở nên khác biệt, do sự chia rẽ lợi ích trong nội bộ nhóm này, hay không.
Biết đâu có một ngày G20 sẽ tiến đến chỗ "có cũng được, không có cũng chẳng sao".
Thách thức
Ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này tại Los Cabos (Mexico), "Diễn đàn Đông Á" đăng nhận định của hai chuyên gia kinh tế thuộc Viện Brookings, Kemal Dervis và Homi Kharas, cho rằng sở dĩ dư luận hy vọng rằng Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Los Cabos sẽ xua tan những lo ngại về thực trạng và triển vọng kinh tế toàn cầu là vì bốn lý do.
Vài nét về Nhóm G20: Nhóm các nền kinh tế phát triển và đang phát triển hàng đầu thế giới - G20 - được thành lập năm 1999 sau các cuộc khủng hoảng tài chính cuối thập niên 90 ở châu Á và Nga. Đây được coi là diễn đàn liên kết các nền kinh tế phát triển và mới nổi lên để đối phó với những thảm họa kinh tế toàn cầu và giúp các nền kinh tế mới nổi có tiếng nói mạnh mẽ hơn. G20 chiếm gần 90% tổng sản phẩm kinh tế toàn cầu, 80% thương mại thế giới và 2/3 số dân thế giới. Các thành viên G20 thay nhau làm Chủ tịch luân phiên của nhóm. Chủ tịch G20 năm 2011 là Pháp - đại diện cho Liên minh châu Âu. Chủ tịch G20 năm 2012 là Mexico, năm 2013 sẽ là Liên bang Nga. Lãnh đạo các thể chế tài chính đa phương như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế thường xuyên tham gia các cuộc họp thượng đỉnh G20. |
Thứ nhất, đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực trong nền kinh tế Mỹ. Thứ hai, việc tái cơ cấu khoản nợ của Hy Lạp không gây tác hại nghiêm trọng như nhiều người nghĩ. Thứ ba, tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi đã chậm lại nhưng vẫn vững vàng. Thứ tư, thị trường dầu mỏ đã tương đối ổn định.
Tuy nhiên, bất chấp những tín hiệu có vẻ tích cực nêu trên, kinh tế toàn cầu vẫn tồn tại nguy cơ tụt giảm nghiêm trọng với khó khăn về tốc độ tăng trưởng và tạo công ăn việc làm.
Nguy cơ quan trọng nhất và mang tính hệ thống liên quan tới các vấn đề của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và quá trình tăng trưởng gần đây ở Mỹ - điều này đặt ra thách thức lớn đối với vai trò của G20 trong tương lai.
Mối lo ngại về số phận của châu Âu khiến người ta càng chú ý tới những thách thức về cấu trúc dài hạn và tình hình tài chính nghiêm trọng vốn đang tồn tại ở Mỹ.
Sự phục hồi tăng trưởng mới đây của nền kinh tế Mỹ vẫn là quá nhỏ so với cái giá của việc điều chỉnh và duy trì các chính sách tài chính và tiền tệ mở rộng.
Tiến trình chuyển hóa ngành tư nhân đã có một số tiến triển, nhưng còn lâu mới hoàn thành. Đầu tư vẫn thấp bất chấp lợi nhuận công ty lớn và khả năng tài chính.
Bên cạnh đó còn có những nguy cơ khác trong nền kinh tế thế giới. Đó là sự suy giảm kinh tế ở Trung Quốc, có lẽ do sự nguội lạnh quá nhanh của lĩnh vực bất động sản.
Có thể đóng góp cơ bản nhất mà G20 có thể làm là giúp kết nối chặt chẽ hơn giữa các quốc gia với các thể chế quốc tế, cũng như thúc đẩy sự tham gia của các nhóm chuyên gia, cố vấn kinh tế vào các vấn đề chung của kinh tế toàn cầu.
Bầu không khí căng thẳng, chỉ trích nhau là nguồn gốc của các vấn đề trên thế giới, nhưng chúng có thể bị đẩy lùi bằng sự trao đổi nghiêm túc xung quanh các giải pháp mang tính toàn cầu, mà sợi dây giúp kết nối chính là G20.
Theo TTXVN