F0 - Chuyện người trong cuộc - Kỳ cuối: Cần lắm sự sẻ chia, đồng cảm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong đại dịch Covid-19, những người phải cách ly, nhập viện điều trị hoặc sống trong khu phong tỏa rất cần sự cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ từ cộng đồng. Tình cảm ấy tiếp thêm sức mạnh, giúp những F0, F1 không cảm thấy mình lạc lõng khi vô tình vướng phải dịch bệnh.
“Xin đừng gọi tên”!
Trải qua 28 ngày thực hiện cách ly tập trung và cách ly tại nhà, tôi càng thấu hiểu những lo lắng, khó khăn khi đối diện với dịch bệnh. Đồng thời, bản thân cũng đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong việc phòng-chống dịch Covid-19. Theo quy định,  F1 phải cách ly tập trung 14 ngày và thực hiện 4 lần lấy mẫu xét nghiệm. Nếu các xét nghiệm đều âm tính thì ngày thứ 14 sẽ hoàn thành việc cách ly tập trung và thực hiện cách ly tại nhà thêm 14 ngày, thêm 2 lần lấy mẫu xét nghiệm. Mỗi ngày lấy mẫu là mỗi lần người cách ly lo lắng, hồi hộp. Tôi nhớ, sau mỗi lần lấy mẫu, nhân viên y tế lại nói vui: “Nếu sáng mai không nhận cuộc gọi từ bộ phận y tế là âm tính nhé. Ai được gọi tên thì chuẩn bị hành trang để nhập viện điều trị”.
Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Lê Văn Lực-cán bộ y tế tại Trung tâm cách ly thuộc Trung đoàn Bộ binh 911 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) tâm sự: Một số người là F1 vào khu vực cách ly, xét nghiệm lần thứ nhất và thứ 2 đều âm tính, nhưng lần xét nghiệm thứ 3 thì dương tính nên phải nhập viện điều trị. Do đó, người cách ly phải tuân thủ nghiêm các quy định, không tiếp xúc với người khác và luôn đeo khẩu trang vì có thể trở thành F0 bất cứ lúc nào.
Con hẻm nơi tôi sinh sống có 15 người là F1 phải đi cách ly tập trung, có người chọn cách ly tại khách sạn tự trả phí, người cách ly tập trung. Tuy nhiên, chúng tôi đều liên lạc với nhau để thông báo tình hình sức khỏe. Sau khi xét nghiệm lần thứ nhất, ngành Y tế phát hiện 5 người trong một gia đình dương tính với SARS-CoV-2. Điều này khiến chúng tôi lo lắng, bất an.
Lực lượng dân quân phun khử khuẩn trong khu vực cách ly. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Lực lượng dân quân phun khử khuẩn trong khu vực cách ly. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Trong khu cách ly cũng có nhiều chuyện vui và tình huống khiến người cách ly tập trung không chỉ là 14 ngày mà kéo dài hơn. Gia đình anh Hồ Minh Hải có 4 người thực hiện cách ly tại Trường Cao đẳng Gia Lai cơ sở 2. Khi nhận phòng thì nam và nữ ở riêng biệt, vợ và con gái anh được bố trí 1 phòng cùng một số F1 khác. Trải qua 2 lần lấy mẫu, tất cả đều âm tính. Thế nhưng, lần lấy mẫu thứ 3 thì trong phòng vợ anh có 1 người dương tính. Chính vì thế, thời gian cách ly của vợ và con gái anh phải tính lại từ đầu (khi tiếp xúc với F0 tại phòng ở), tổng thời gian cách ly tập trung của vợ và con gái anh là 21 ngày. Bởi thế, nhiều người đi cách ly tập trung đều nói đùa với nhau: “Cẩn thận, nếu không là F1 về nhà sau F0 đấy!”.
Nguy cơ dịch bệnh vẫn có thể lây chéo trong các khu cách ly. Chính vì thế, cán bộ, chiến sĩ nơi đây yêu cầu những người cách ly không được ra sân tập thể dục. Thế là chúng tôi tận dụng diện tích trong phòng để tập thể dục, giường tầng của bộ đội làm xà đơn, nền nhà chống đẩy… “Ở đây, chúng tôi quyết tâm không để xảy ra lây nhiễm chéo. Trước phòng ở của mọi người đều được bố trí 2 thùng rác, trong đó, 1 thùng ghi rõ: “Rác thải có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2”, các loại rác thải được xử lý theo quy định của ngành Y tế để hạn chế lây lan dịch bệnh. Vẫn biết rằng, nhiều người dân có thói quen đi tập thể dục, nhưng khi vào đây bà con phải tuân thủ nghiêm các quy định phòng-chống dịch. Chúng tôi làm vậy cũng muốn mọi người được an toàn”-Đại úy Nguyễn Quốc Huy chia sẻ.
Đi cách ly tập trung, trải qua nhiều lần lấy mẫu, nhưng lần lấy mẫu thứ 4 và chờ kết quả xét nghiệm có lẽ khiến mọi người hồi hộp, lo lắng nhất, bởi nếu âm tính thì sẽ hết thời gian cách ly tập trung, được về cách ly tại nhà. Ai cũng mong cho mình sớm được về với gia đình, người thân. Ai cũng theo dõi bản tin thông báo của Chính quyền điện tử và thầm cầu mong “Xin đừng gọi tên tôi vào mỗi buổi sớm mai!”. Khi biết mình không nhiễm bệnh, xem thông tin của người thân đang đi cách ly ở nơi khác, tất cả đều hồi hộp rồi thở phào nhẹ nhõm và gọi điện động viên nhau cùng cố gắng.
Cần lắm sự sẻ chia, đồng cảm
Trong thời gian cách ly 28 ngày để phòng-chống dịch, tôi đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, vừa lo lắng, hồi hộp rồi vỡ òa trong vui mừng. Điều mà tôi cảm nhận sâu sắc nhất đó là tình cảm của mọi người dành cho mình, sự quan tâm, chia sẻ và động viên.
Tôi công tác trong một cơ quan báo chí, được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người. Tuy nhiên, khi trở thành F1 thì vô tình những người tiếp xúc với tôi trong khung dịch tễ cũng trở thành F2, phải khai báo y tế và tự cách ly tại nhà. Nhưng tuyệt nhiên, những ngày ấy, tôi không hề nhận được một cuộc gọi nào có ý trách móc hay có thái độ kỳ thị. Nơi tôi làm việc là cơ quan truyền thông, phóng viên luôn đi công tác nên nguy cơ lây nhiễm tương đối cao. Tòa soạn đã có kịch bản phòng-chống dịch theo từng cấp độ, khi trong cơ quan không may có người là F0, F1. Chính vì thế, khi tôi là F1, nhiều người trở thành F2, nhưng công việc cơ quan vẫn diễn ra bình thường. Cùng với đó, cơ quan cũng lập một group trên Zalo nên mọi thông tin về dịch bệnh, diễn biến sức khỏe của gia đình tôi, mọi người đều biết. Có lẽ không có niềm vui nào khi mỗi sáng mai, tin nhắn tràn ngập trên Zalo là những lời hỏi thăm sức khỏe, động viên và chia sẻ đến từ bạn bè, đồng nghiệp.
 Nhân viên y tế đến nhà lấy mẫu.
Các công dân trong khu cách ly luôn được sự quan tâm của nhân viên y tế. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Nhiều gia đình trong con hẻm nơi tôi ở phải đi cách ly và điều trị, không một ai ở nhà. Nhiều người nhắn tin lo lắng về đàn gà, mấy con chó, mèo không có gì ăn, rồi rau, cây cảnh không ai tưới. Thế nhưng, khi hoàn thành 14 ngày cách ly tập trung, về cách ly tại nhà thì mọi thứ vẫn như bình thường, bởi những người hàng xóm tốt bụng, tự kéo nước nhà mình ra tưới rau, rồi cùng nhau chăm sóc vật nuôi cho các gia đình đi cách ly. Ngày trở về, tôi mở cổng bước vào nhà và hình ảnh không thể quên đó là đàn mèo con xinh xắn vừa ra đời trong những ngày tôi đi cách ly được hàng xóm chăm sóc. Con hẻm nhà tôi bị phong tỏa 7 ngày, mặc dù không có mặt ở nhà nhưng qua câu chuyện với những người hàng xóm, tôi vẫn cảm nhận rõ sự quan tâm, chăm lo của mọi người. Khi bị phong tỏa, chính quyền địa phương và các Mạnh Thường Quân đã hỗ trợ gạo, rau xanh và các nhu yếu phẩm khác để người dân sinh hoạt. Những việc làm ấy đã giúp tôi hiểu rõ hơn tình người trong đại dịch, đó là sự yêu thương, san sẻ khi người khác gặp khó khăn hoạn nạn.
Khi những dòng chữ này đến với bạn đọc thì gia đình tôi đã hoàn thành cách ly 28 ngày. Vợ tôi cũng lành bệnh và hoàn thành cách ly sau điều trị theo quy định. Cầm quyết định hết thời gian cách ly, trong tôi dâng lên nhiều cảm xúc. Tôi hy vọng, những dòng nhật ký của mình sẽ giúp mọi người hiểu và chuẩn bị tâm thế tốt hơn nếu không may chúng ta phải đi cách ly. Và dĩ nhiên, tôi luôn cầu mong tất cả chúng ta không ai phải đi cách ly hay trở thành F0. 
VĨNH HOÀNG

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.