Việc sử dụng internet tại Việt Nam có lúc gặp khó khăn do các tuyến cáp quang gặp sự cố. Ảnh: Anh Vũ |
Chiều ngày 30.1, một nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam cho biết, tuyến cáp quang Liên Á (Intra Asia - IA) hiện đang gặp trục trặc, bắt đầu từ ngày 28.1. Nguyên nhân sự cố được xác định là đứt cáp, xảy ra tại vị trí cách trạm cập bờ Singapore khoảng 130 km. Sự cố này xảy ra đã làm mất toàn bộ dung lượng kết nối quốc tế từ Việt Nam đi Singapore qua tuyến cáp IA.
Sự cố cáp quang IA nâng tổng số tuyến cáp quang biển gặp lỗi của Việt Nam lên bốn tuyến. Trước đó, các tuyến cáp quang AAE, AAG, APG diễn ra từ năm 2022 và đầu 2023 vẫn chưa được khắc phục xong.
Tốc độ internet trên máy tính chiều ngày 30.1.2022, ngày xảy ra đứt cáp. Ảnh: Anh Vũ |
Hiện tại, có tổng số bảy tuyến cáp quang đang kết nối đường truyền từ Việt Nam đi quốc tế, bao gồm SMW3, AAG, IA, APG, AAE-1, SJC2, ADC. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, SJC2 và ADC vẫn chưa đi vào vận hành chính thức. SMW3, tuyến cáp duy nhất còn đang hoạt động lại là tuyến cáp cũ và chuẩn bị được thanh lý.
Từ khi sự cố xảy ra, đường truyền internet của Việt Nam đã bị ảnh hưởng. Chị Thu Hương ở Đống Đa, Hà Nội cho biết, internet đã bắt đầu chậm từ ngày 29.1, khiến những việc đơn giản như vào Facebook hay xem Youtube cũng trở nên khó khăn.
Tốc độ internet trên điện thoại di động, được đo vào chiều ngày 30.1.2022. Ảnh: Anh Vũ |
Internet chậm còn làm ảnh hưởng tới các hộ kinh doanh online, khi internet là yếu tố quan trọng cho hoạt động kinh doanh của họ.
Hiện tại, các nhà cung cấp dịch vụ mạng tại Việt Nam đang làm việc với các đơn vị quản lý cáp quang biển quốc tế để nhanh chóng xử lý sự cố, đồng thời thực hiện một số biện pháp ứng cứu để tối ưu lưu lượng theo các hướng cáp, bổ sung tài nguyên cáp trên đất liền.