Cuộc trò chuyện với mấy ông bạn già trong xóm cũng xoay quanh việc so sánh đường cũ - đường mới rồi cười khà khà, thích thú khi thôn ấp giờ có thêm cơ hội để phát triển, chuyện đi lại dễ dàng hơn rất nhiều. Tỉnh lộ 7 (đoạn qua xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) giờ đã là một con đường hoa nở đúng nghĩa để đón mùa xuân mới.
Chăm sóc cây sao nhái làm đẹp cho tỉnh lộ 7. |
Đường mới từ đất nhà mình
Ngày ấp Gò Nổi (xã An Nhơn, huyện Củ Chi) có chủ trương vận động người dân hiến đất làm đường, gia đình ông Mạnh đồng ý ngay. Nghĩ tới cảnh có con đường khang trang cho trẻ con đến trường an toàn, người lớn đi làm thôi chen chúc, chờ đợi, ông thấy việc mình làm thêm ý nghĩa. Hiến gần 20 m đất để thấy con đường thân thuộc trước nhà mang hình hài mới, rộng rãi và đẹp hơn, cả gia đình ông ai cũng vui. Tự nguyện hiến đất bản thân xong, ông Mạnh còn ghé nhà bà con, chòm xóm thuyết phục mọi người cùng đồng lòng. Nhờ dân đồng thuận mà việc giải phóng mặt bằng phục vụ cho dự án sửa chữa, nâng cấp Tỉnh lộ 7, đoạn qua xã An Nhơn Tây hoàn thành sớm hơn kế hoạch đề ra.
Lúc chưa sửa chữa, nâng cấp, Tỉnh lộ 7 rất hẹp, toàn ổ gà, nước ngập đủ chỗ, té xe, tai nạn giao thông liên tục xảy ra. Ngày đó, đường rộng vỏn vẹn 6 m, đa phần là lề đất. Mùa nắng thì bụi mịt mù, trời mưa lớn hay triều cường dâng thì nước ngập lênh láng do thiếu hệ thống thoát nước trên mặt đường. Sinh ra và lớn lên ở An Nhơn Tây, anh Nguyễn Văn Nù thuộc nằm lòng từng đoạn đường xuống cấp, chỗ xuất hiện ổ gà hay ngập nước trên Tỉnh lộ 7 này. Nhà sát lộ, nhiều đêm đang ngồi hóng gió, nghe cái rầm, anh biết đã có xe va chạm vào nhau do không quen đường, chạy nhanh, chen lấn. Anh Nù kể, đường hẹp lại xuống cấp nên đàn bà con gái tay lái yếu ra Tỉnh lộ 7 cứ nơm nớp, sợ té. Anh khỏe mạnh, quen đường mà nhiều tối trời mưa, nước ngập còn vài lần xém ngã.
Giờ tỉnh lộ được mở rộng đến 11m với hai làn đường, xe chạy bon bon không còn nơm nớp lo sợ va chạm vì chen chúc nhau. Mưa lớn cũng không còn cảnh người dân bì bõm dắt xe do ngập. Hàng hóa vận chuyển dễ dàng, việc kinh doanh của nhiều gia đình cũng khá khẩm hơn. Anh Nù hồ hởi: “Có đường mới, tôi với bà con trong xã ai cũng mừng. Chuyện kinh doanh của gia đình tôi nhờ đường mới mà thuận lợi hơn. Giờ xe hàng người ta chạy đậu ngay trước cửa, không còn cập rập chạy ngược xuôi tự chở hàng như trước. Mong sao mấy con đường xuống cấp trong huyện sẽ sớm được sửa chữa, mở rộng như Tỉnh lộ 7”.
Khi con đường cơ bản hoàn tất về hạ tầng, chính quyền kêu gọi bà con trồng và chăm sóc hoa kiểng phía trước nhà mình, tạo nên những mảng xanh đẹp mắt. Cầm vòi nước tưới đám sao nhái trước nhà, ông Trần Văn Mạnh hớn hở khoe khi thấy khách ghé thăm: “Trong nhà, đám hướng dương gieo hôm bữa nay lên cây non khỏe rồi. Gần Tết nguyên đán là đoạn đường trước nhà tôi vàng rực cho coi. Hết là nỗi ám ảnh, Tỉnh lộ 7 giờ được người dân gọi là đường hoa, nơi nào cũng sạch đẹp. Ngồi trước nhà nhìn ra đường là thấy lòng sung sướng”.
“Hồi đồng ý hiến đất làm đường, tôi chẳng nghĩ gì xa xôi, chỉ mong Tỉnh lộ 7 sớm thay áo mới, đẹp và rộng hơn, thuận tiện cho bà con đi lại, làm ăn, trong đó có cả gia đình tôi. Năm nay, xã đón cái Tết đặc biệt với rất nhiều hoa trên con đường mới, phấn khởi là phải”, vẫn là ông Mạnh vui vẻ kể.
Từ khi công trình chưa hoàn thành, nhiều hộ dân đã trồng thêm hoa cảnh dọc hai bên Tỉnh lộ 7 tạo cảnh quan đẹp mắt. |
Dự án “thi công ngược”
Tỉnh lộ 7 nằm trên địa bàn 5 xã, gồm: Trung Lập Hạ, Trung Lập Thượng, Phước Thạnh, Thái Mỹ và An Nhơn Tây của huyện Củ Chi. Đây là tuyến đường huyết mạch kết nối khu vực phía bắc Củ Chi với trung tâm huyện, thuận lợi cho việc đi về trung tâm TP Hồ Chí Minh lẫn di chuyển sang các tỉnh Long An, Tây Ninh… Đường xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển của người dân, ai cũng mong ngày thấy con đường mới. Năm 2019, chưa kịp vui mừng vì dự án sửa chữa, nâng cấp Tỉnh lộ 7 được Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh phê duyệt thì người dân nơi đây lại thở dài vì công trình không có vốn để triển khai. Đến đầu năm 2022, mọi thứ mới bắt đầu. Sau hơn một năm trông ngóng, người dân sống dọc Tỉnh lộ 7 vỡ òa niềm vui khi công trình đã hoàn thành và đẹp đẽ, khang trang hơn nhiều so với kỳ vọng ban đầu.
Chở khách trên xe máy chạy dọc Tỉnh lộ 7 vừa hoàn thành, cán bộ xã An Nhơn Tây hớn hở khoe từng điểm mới. Từ phần cống thoát nước trên lộ đến làn đường bổ sung, những mảng hoa khoe sắc trước nhà dân, chi tiết nào cũng đáng để kể thành một câu chuyện. Thế nhưng, điều khiến chính quyền xã An Nhơn Tây tâm đắc nhất chính là sự đồng lòng, tin tưởng của người dân khi địa phương triển khai chính sách “song song hai bước” cho dự án này. Dự án sửa chữa, nâng cấp Tỉnh lộ 7 có vướng bồi thường giải phóng mặt bằng. Theo nguyên tắc, địa phương phải thực hiện xong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư thì mới được phép triển khai thi công dự án. Tuy nhiên, vì muốn đẩy nhanh tiến độ để người dân thụ hưởng công trình theo đúng kế hoạch, xã An Nhơn Tây đã thành lập các đoàn xuống tận nơi vận động từng hộ dân bị ảnh hưởng và kêu gọi đồng thuận bàn giao mặt bằng thi công dự án rồi sau đó xã mới trình thủ tục để thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Trong dự án này, xã An Nhơn Tây có khoảng 80 hộ dân bị ảnh hưởng. Áp lực ban đầu là làm thế nào để người dân tin tưởng giao mặt bằng trước khi nhận bồi thường. Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND xã An Nhơn Tây cho biết, đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã nhận thức được tầm quan trọng của tuyến Tỉnh lộ 7 trong việc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt bảo đảm cơ sở hạ tầng an toàn giao thông nên đã chủ động triển khai. Khi người dân đồng thuận ký vào biên bản đồng ý bàn giao mặt bằng thi công trước, nhận bồi thường sau, dự án tiết kiệm được rất nhiều thời gian “chờ”. Xã tuyên truyền, người dân toàn quyền quyết định. May mắn là đa phần các hộ dân đều hiểu chủ trương và đồng thuận bàn giao mặt bằng.
Vài trường hợp ban đầu không đồng thuận nhưng sau nhiều lần vận động đã đồng ý bàn giao mặt bằng. Đến khi thấy con đường mới thành hình, nghe các hộ chậm bàn giao trước kia nói “Biết vậy giao sớm hơn cho làm rồi”, cán bộ xã cười thật tươi. Họ biết rồi đây cuộc sống của bà con sẽ tốt lên nhờ sự thay đổi của tuyến đường quan trọng này. Có dân đồng lòng, mọi thứ được triển khai đúng kế hoạch. Trong số 5 xã có Tỉnh lộ 7 đi qua, An Nhơn Tây là địa phương bàn giao mặt bằng sớm nhất để chủ đầu tư thực hiện dự án. “Thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư là nhiệm vụ của Ban bồi thường tham mưu cho UBND huyện. Còn vận động người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng, nhận tiền bồi thường là trách nhiệm của địa phương. Địa phương không trông chờ vào việc bồi thường rồi mới đi vận động mà ngay khi dự án triển khai là xã đi vận động ngay lập tức. Hiện nay, Ban bồi thường đã tham mưu cho UBND huyện ban hành các phương án bồi thường. Người dân cũng rất đồng lòng trong phương án nhận tiền bồi thường”, ông Dương cho biết thêm.
Tổng số vốn huyện Củ Chi được TP Hồ Chí Minh giao giải ngân trong năm 2023 là: 3.338,159 tỷ đồng với 214 dự án, trong đó có 208 dự án do huyện làm chủ đầu tư. Nhận thấy khó khăn nhất của công tác giải ngân vốn đầu tư công là bồi thường giải phóng mặt bằng, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ, siết chặt các quy trình, huyện Củ Chi còn thành lập Ban Chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra công tác giải ngân vốn đầu tư công và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn cùng hai tổ công tác phụ trách hai lĩnh vực này để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh.