Dưới vòm cây xanh ngắt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đây đúng là Sa của ngày đầu tiên Văn gặp cách đây mười năm. Dịu dàng, những ngón tay đan vào nhau bình thản. Nhìn vào mắt Sa chỉ thấy những đám mây mùa hạ trôi ngang và vòm cây xanh ngắt.

Nhưng Văn thừa biết không phải sự bình thản nào cũng giống nhau. Mười năm trước đó là vẻ bình thản tự nhiên vốn có. Nhưng mười năm sau lại là vẻ bình thản của một người đàn bà đi qua bao biến cố. Cuộc sống cuốn Văn miên miết tháng ngày. Thỉnh thoảng tin về Sa như vô tình lọt vào tai Văn. Sa lấy chồng rồi ly hôn sau hai lần sảy thai. Mẹ Sa mất, một năm sau bố cũng đi theo. Lần nào nghe tin về Sa, Văn cũng thấy nhói đau nhưng chỉ trong chốc lát rồi quên. Mà không quên sao được khi vợ gọi điện giục đón con. Hai đứa con học hai trường ngược đường. Vào giữa giờ cao điểm phải luồn lách thế nào để đón được cả hai luôn là một bài toán đau đầu. Rồi sếp giục việc, bạn bè giục vài cái hẹn, chủ nhà trọ giục tiền, mấy cái hóa đơn giục trả. Đời sống tủn mủn và ngột ngạt thế làm gì có thời gian để mà đau, mà nhớ nhung một mối tình xưa cũ.

 

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

- Anh nghe nói em đã ly hôn…
- Em nghe nói anh cũng từng đôi lần ly thân với vợ?
- Tại sao vậy? Chẳng phải em từng nói đó là người đàn ông em muốn chung sống suốt đời?
- Thế còn anh? Chẳng lẽ người anh lấy làm vợ lại không phải là người anh từng nghĩ có thể suốt đời chung sống?

Sa vẫn thế, thích trả treo với Văn như vậy. Dù Sa thừa biết nếu cô không quyết định chọn người đàn ông khác thì đời Văn cũng đã chẳng rẽ sang ngã khác. Tình yêu rốt cuộc là gì chắc hẳn Sa đã có câu trả lời. Sa là người nặng tình, hẳn cũng đã nhiều lần nắm níu hôn nhân trước khi quyết định buông tay. Văn lạ gì hôn nhân. Lúc còn yêu chúng ta thường tưởng tượng đến những buổi sáng thức dậy cùng nhau. Người này kể cho người kia nghe về giấc mơ đêm qua rồi bình yên nghe chim hót ngoài cửa sổ. Nhưng những buổi sáng khi đã bước vào đời sống hôn nhân sẽ khác rất nhiều. Đàn bà tỉnh dậy bởi mùi khai khú của đứa lớn, mùi nôn trớ của đứa nhỏ. Chăn chiếu cần giặt, nhà cần dọn dẹp, cần chuẩn bị bữa sáng cho con… Đàn ông bịt gối ngủ nướng trong tiếng quấy khóc của con, tiếng quát tháo của vợ. Ánh mắt nhìn nhau đầu tiên buổi sáng không lấp lánh yêu thương mà có khi ngấm ngầm hằn học. Cũng ít lắm những buổi chiều hai người cùng vào bếp với nhau. Đàn bà mệt mỏi trở về nhà sau một ngày làm việc, chỉ kịp nấu vài món qua loa. Vì áp lực đồng tiền đàn ông phải làm việc nhiều hơn. Có nhiều hôm Văn về nhà mà không nuốt nổi cơm, chỉ muốn đổ gục xuống giường ngủ một giấc đến sáng hôm sau. Đã có lúc Văn tự hỏi, nếu vợ mình là Sa thì hôn nhân có khác gì không?

- Chắc là không đâu. Anh biết đấy, tính em bướng bỉnh, hay càu nhàu và không dễ thứ tha. Mà anh thì… quá nhiều tội lỗi.
- Vậy không lấy được em có khi lại là may mắn. Để tình yêu còn nguyên vẹn trong nhau.
- Vợ chồng anh quay cuồng về những đứa trẻ và cho rằng chúng làm xáo trộn những mộng tưởng ban đầu. Còn cuộc hôn nhân của em nó vô vị và ngột ngạt lại chỉ vì nhà thiếu tiếng trẻ con. Sau hai lần sảy thai thì em không thể có con được nữa.
- Có phải vì thế mà em chủ động ly hôn?
- Em không chịu đựng nổi ánh mắt đau đáu của mẹ chồng trong mỗi chiều ngóng trẻ con chơi ngoài đầu ngõ. Em như cây độc không thể đơm hoa kết trái thì cũng nên biết phận của mình.
- Chồng em thì sao?
- Em tưởng như đã có thể nghe thấy tiếng thở phào của anh ấy. Tội nghiệp.
- Tội nghiệp ai?
- Thì tất cả chúng ta.

Sa ngẩng nhìn trời, trong mắt ngập ngừng mây. Nếu không dang dở thì chắc gì Văn đã thấy được khoảnh khắc này. Có khi Sa trong mắt Văn cũng nhàu nhĩ hệt như mụ vợ. Vợ Văn đã qua cái thời càu nhàu từ những việc nhỏ nhất. Bây giờ cô ấy thường không nói gì, có thể im lặng từ ngày này qua ngày khác. Văn không đoán được cảm xúc trên khuôn mặt lạnh tanh của vợ. Mười ngày như một, hệt như món trứng ốp la đều đặn vào mỗi sớm. Văn chán vợ như chán món trứng ốp la. Cô ấy hẳn cũng ngán ngẩm chồng như ngán đống quần áo bẩn, đống bát đũa dính đầy dầu mỡ. Văn chắc chắn mình không quá tệ. Chỉ đơn giản là khi vợ chồng đã chán nhau thì mọi nỗ lực chỉ giải quyết vấn đề ấm êm tạm bợ.

- Em từng nghĩ đến chuyện tự tử, lúc cái thai thứ hai bị sảy. Anh là đàn ông chắc không thể hiểu nổi cảm giác bỗng một ngày nào đó sờ tay vào bụng mình mà không thấy con đâu. Em giày vò bản thân mỗi ngày cho đến khi kiệt sức.

Văn không dám nhìn vào mắt Sa như ba năm trước không dám nhìn vào mắt vợ lúc cô ấy từ phòng nạo thai đi ra. Văn thấy gáy mình nóng rát bị găm chặt bởi ánh nhìn oán trách của vợ mình. Chính Văn đã ép vợ phá thai khi siêu âm biết cái thai trong bụng là con gái. Dù việc phá bỏ khi cái thai đã lớn thật sự rất khó khăn và ảnh hưởng đến tính mạng người phụ nữ. Văn là con một trong gia đình nên bố mẹ muốn anh có con trai nối dõi dòng giống. Hai đứa con đầu là gái đã khiến bố mẹ ăn không ngon ngủ không yên. Bị bố mẹ gây áp lực Văn chỉ biết đổ lên đầu vợ. Vợ Văn mổ đẻ nên không muốn sinh đứa thứ ba vì sợ nguy hiểm. Bản thân Văn cũng thấy nuôi thêm một đứa trẻ là chồng chất khó khăn mệt mỏi. Nhưng các cụ ở quê vẫn còn trọng nam khinh nữ. “Không đẻ được đứa con trai thì bố mẹ chết không nhắm mắt”. Vợ Văn thở dài “ừ thì đẻ”. Nhưng khổ thay đâu phải cứ cố là được. Người tính không bằng trời tính. Từ hôm đi nạo thai về, vợ Văn như người mất hồn. Nửa đêm tỉnh dậy anh thấy cô ấy ngồi trong bóng tối khóc một mình. Văn đã nghĩ đơn giản rằng đó chỉ là một bào thai còn chưa rõ hình hài. Đẻ nó ra có khi lại làm khổ nó. Có gì mà bù lu bù loa. Người ta cũng bỏ đầy đấy thôi, làm gì thấy ai bị báo oán như lời vợ Văn vẫn nói.

Giờ ngồi trước mặt Sa nghe về nỗi đau đớn của những người đàn bà mất con, Văn thấy mình tội lỗi. Nếu ngày xưa Sa không bỏ Văn để đến với người đàn ông khác thì cũng đã chắc gì tránh được bi kịch mất con. Lấy một người chồng đớn hèn như Văn thì còn gánh trên vai thêm biết bao bi kịch nữa. Vậy mà đã mấy khi Văn thôi ơ hờ, thôi vội vã, thôi ích kỷ để quay lại nhìn thật kỹ nỗi đau của vợ. Nếu vợ Văn đủ mạnh mẽ như Sa thì có lẽ cô ấy cũng chấm dứt cuộc hôn nhân này từ lâu để giải thoát cho mình. Nhưng cô ấy đã không làm thế có phải vì những đứa con? Sa dễ buông tay có phải vì Sa chỉ có một mình? Đến bao giờ vợ Văn mới có được ánh nhìn bình thản giống như Sa? Có thể là không bao giờ cả.

Mà tại sao buổi gặp gỡ hôm nay lại trở nên ngột ngạt thế này. Chẳng lẽ thời gian đã khiến con người ta nhàu nhĩ đến thế sao? Văn trút tiếng thở dài ngoảnh sang Sa đề nghị:
- Mình nói chuyện gì vui vui đi em…

Bùi Quang Dũng

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.