Đứa con của ma rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Truyện viết dựa trên câu chuyện có thật của cô gái Y Byen nhận nuôi 2 đứa trẻ suýt phải chôn theo mẹ theo hủ tục của người Ba Na “dọ tơm amí”. Khi người mẹ sinh con chẳng may qua đời, đứa trẻ phải chôn theo mẹ, nếu không hồn người mẹ không được siêu thoát sẽ biến thành ma rừng quấy phá dân làng.

Đắk Đoa mấy tháng rồi không có mưa. Con suối ăm ắp nước gần nhà tôi bây giờ trơ ra những phiến đá bỏng rát nằm dưới nắng. Những mảng cỏ chết cháy đỏ quạch y như mồi rơm đợi lửa. Những cơn gió nóng hầm hập thổi qua buôn làm lớp đất đỏ bazan đặc quánh, bám đầy trên phiến lá ở những cái cây ven đường. Tôi không thích mùa khô ở Tây nguyên chút nào. Nương rẫy khô hạn không trỉa được bắp, không trồng được cây. Ông bà ngoại thở dài. Mẹ Y Byen phải vắng nhà thường xuyên để đi hát kiếm tiền nuôi tôi và em Y Sơn.

Tôi còn nhớ, hồi mới cao bằng nửa cây bắp đã bị mọi người trong buôn gọi mình là đứa con của ma rừng. Người trong buôn gặp tôi thường lấy nón che mặt, có người già còn hốt hoảng chạy ngược lại hướng tôi đang đi. Không có bạn, tôi thường theo chân ông mỗi lần lên rẫy hay ngồi bậc thềm nhìn bà dệt vải. Bàn tay bà chai sần vậy mà những thớ vải sặc sỡ y như những cánh bướm bay lên. Những tấm vải thổ cẩm dệt xong, bà ngoắc lên chiếc sào tre, y như một đàn bướm đang rập rờn.


 

 


Người trong buôn cũng ít nói chuyện, qua lại với nhà ông bà ngoại vì sợ cái xui bám lấy. Họ sợ đứa con của ma rừng sẽ khiến heo bò chết, khiến hạt bắp trỉa xuống không mọc được cây, khiến người ta bệnh mà chết. Ông ngoại thường ngồi buồn nhìn về ánh lửa bập bùng, tiếng chiêng rộn ràng của buôn làng cúng mừng lúa mới.

Mỗi lần theo ông ngoại lên rừng, tôi thường đứng lặng im nhìn đại ngàn xanh thẳm. Gió thổi vi vút, lá rừng xào xạc. Tôi rúm người lại khi nghĩ đến cảnh suýt chút nữa mình trở thành một hồn ma bơ vơ lạc lõng giữa rừng. Mỗi bận vô tình nghe ai đó nhắc đến từ “dọ - tơm - amí” hay chôn theo mẹ là đêm ấy tôi lại gặp ác mộng. Những ánh mắt vô cảm, ái ngại nhìn đứa trẻ con khóc nghèn nghẹt bên cạnh xác mẹ. Tôi khóc khản cổ, lạc giọng nhưng không ai nghe thấy, chỉ có rừng già âm u, huyễn hoặc và đầy bóng tối đang muốn nuốt chửng tôi. Trán tôi toát mồ hôi, hoảng loạn. Lúc giật mình giữa cơn ác mộng, tôi an lòng khi thấy mẹ Y Byen nằm bên cạnh. Thấy bóng ông trầm tư ngồi bên bếp lửa đỏ rực.

Nghe nhiều người nói, khi bế tôi về nhà lúc đó mẹ Y Byen mới 15 tuổi, còn nhỏ hơn tuổi tôi bây giờ. Căn nhà lá của ông cũ kỹ, mỗi khi mùa mưa kéo tới là dột tứ bề. Cơm cũng chẳng mấy khi đủ no. Tôi nhớ hồi mình còn nhỏ, đứng chơi trong sân thấy mẹ cõng về những gùi măng, gùi củi nặng trĩu. Tôi biết mẹ phải làm nhiều thứ. Khi thì cạo mủ cao su, chăn bò, khi thì hái cà phê để lấy tiền nuôi tôi. Tây nguyên mùa nắng khô khốc, mùa mưa thối đất, mùa nào mẹ cũng chật vật với miếng cơm manh áo. Ngoại kể, có lần địu tôi trước ngực đi cấy lúa thuê, mẹ cột thêm chiếc ô che nắng, gió thổi mạnh hất hai mẹ con xuống ruộng. Nhà ngoại chỉ có con bò là gia tài, cũng bán đi để lấy tiền mua sữa.

Khi tôi hơn mười tuổi, mẹ bế về một đứa bé đỏ hỏn còn dây rốn đang khóc nghèn nghẹt. Mắt mẹ đỏ hoe, mẹ nói với bà:

- Nó nằm ngoài nghĩa địa, người ta định chôn sống theo mẹ. Mình nuôi nó được không?

Bà ngoại đưa tay đón lấy em, rưng rưng gật đầu. Mẹ đặt tên cho em là Y Sơn. Nhìn em bé nhỏ xíu nằm trong cái áo cũ của mẹ mà tôi như thấy chính mình. Tôi cũng nằm khóc bên xác mẹ như Y Sơn. Vô tình mẹ Y Byen đi ngang, mẹ cởi áo quấn lấy tôi và mang tôi về nhà. Mẹ thường chỉ tay về phía xa ấy và bảo nhà cha tôi và anh em ruột của tôi ở đấy. Chỉ chừng 100 cây số nhưng nghe thăm thẳm như đường lên trời. Mẹ bảo ai cũng có nguồn cội, mai mốt con lớn nếu muốn hãy quay trở về với họ.

Y Sơn ốm yếu, bệnh suốt ngày. Mẹ Y Byen ròng rã ôm em đi viện. Những ngày tháng đó, đêm đêm bóng mẹ in thành hình dài trên vách tường, dường như cả đêm mẹ không ngủ. Y Sơn cứ khóc nghèn nghẹt. Mẹ dỗ em bằng tiếng hát khe khẽ. Trong giấc ngủ thỉnh thoảng tôi giật mình tỉnh giấc, thấy mẹ lặng lẽ ngồi bế em giữa màn đêm thinh lặng.

Tôi nhớ miếng cơm mừng lúa mới nóng hôi hổi mẹ đút vào miệng mình và miệng Y Sơn. Nhớ vị thơm lừng của con cá niêng ông ngoại bắt ngoài suối. Vị ngọt của con tôm bỏ trong ống lồ ô nấu với rau dớn bà ngoại gắp vào chén mình. Mắt họ long lanh khi nhìn chúng tôi ăn ngon lành. Lúc nào cũng vậy, miếng ngon trong nhà đều dành nuôi lớn tôi và Y Sơn. Ông ngoại kể, có lần nhà chỉ còn chén cơm duy nhất, mẹ để dành đút cho tôi vậy mà tôi vô tình tè trúng. Mẹ Y Byen phải rửa cơm bằng nước lạnh rồi ăn.

Mẹ Y Byen xinh đẹp như đóa hoa rừng, lúc nào mẹ cũng cười. Tôi hay theo mẹ ra suối, vừa giặt đồ mẹ vừa hát. Tiếng mẹ trong chen lẫn tiếng suối róc rách. Thỉnh thoảng tôi cũng ngồi dưới sân khấu xem mẹ biểu diễn, váy thổ cẩm rực rỡ, mẹ hát hay như con chim Kơtia của đại ngàn. Mọi người say mê xem mẹ hát. Chẳng ai biết cuộc đời mẹ đã nhọc nhằn, khổ cực vì những đứa con chẳng máu mủ ruột rà.

 

*

*      *


Tôi thường cầm bàn tay mẹ so với tay mình. Mẹ hơn ba mươi mà bàn tay đầy vết chai sần, da mẹ sạm đi vì phơi nắng. Mùa nóng khô khốc, cỏ cây héo rũ mà mẹ còn bận đi làm thuê, cạo mủ cao su. Những cây cao su sừng sững, giơ những nhánh lên trời, bóng mẹ thì nhỏ bé. Mẹ cũng hay vắng nhà để đi hát. Ngoài hát trong đoàn, mẹ còn đi hát đám cưới. Hễ có người gọi dẫu xa xôi mẹ cũng chẳng nề hà. Tiền kiếm được, mẹ để mua thức ăn phụ ông bà, đóng tiền học cho tôi và Y Sơn.

Mùa khô đã kéo dài đến tháng thứ sáu. Ông ngoại tóc bạc ngồi buồn thiu dưới bậc thang bảo nay muốn đi hái rau rừng, ra suối bắt con cá niêng cũng khó. Đâu đó đã có cảnh cháy rừng. Mùa này rừng khác gì mồi lửa, chỉ cần ai đó sơ sểnh vứt một mẩu thuốc hút dở cũng biến thành mồi lửa thiêu rừng. Buổi tối, gió thổi vào nhà vẫn cứ như vừa đi ngang một đám cháy vậy. Mẹ Y Byen thì vắng nhà suốt. Ông ngoại bảo đợt này mẹ phải làm thêm việc trên thị trấn.

Cả buôn mong mưa. Mưa xuống để tra hạt bắp, để trồng cái cây, để con bò con dê có cái mà uống. Những người đàn bà địu con ngồi trước cửa buồn rười rượi. Những người đàn ông không vui khi ngồi bên ché rượu cần sóng sánh men say. Tôi mong mẹ Y Byen như cả buôn này mong mưa vậy.

Đêm ấy, tôi nghe gió rừng thổi mạnh. Chiếc sào tre ngoại phơi vải đập vào vách lá. Gió thổi u u nghe như giọng của kẻ nào thiểu não. Và rồi, mái nhà lắc rắc. Một hạt, hai hạt và vô số hạt rơi xuống sân. Mùi đất oi nồng xộc vào nhà. Tôi nhổm dậy. Thấy ông bà cũng ngồi dậy nghe ngóng. Và rõ ràng là mưa, mưa thật rồi. Tôi và Y Sơn vui sướng, hò hét. Trong buôn, hình như ai đó gõ chiêng ăn mừng mưa về.

Vì chúng tôi luôn biết, khi cơn mưa đầu tiên rơi xuống, mẹ Y Byen sẽ về nhà!


 

 

Theo Nguyễn Thị Như Hiền (TP.HCM/TNO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

“Mùa xuân của mẹ”

“Mùa xuân của mẹ”

(GLO)- Đầu năm nay, tác giả Lê Thị Kim Sơn-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai ra mắt tập truyện dành cho thiếu nhi “Cổ tích trưa” (Nhà xuất bản Kim Đồng) và mới đây là tập truyện ngắn “Mùa xuân của mẹ” (Nhà xuất bản Hồng Đức). 

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

“Gia Lai trong tôi”

E-magazine“Gia Lai trong tôi”

(GLO)- Gia Lai trong bạn là những hình dung gì khi nhắc đến? Là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, là nụ cười sơn nữ hay nét bản sắc văn hóa khó lẫn? Những câu trả lời sẽ được tìm thấy tại Triển lãm nhiếp ảnh năm 2024 với chủ đề “Gia Lai trong tôi”.

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

(GLO)- Bài thơ "Với Krông Pa" của Nguyễn Đình Phê mang đến một cái nhìn sâu sắc về mảnh đất và con người nơi đây. Không chỉ đưa người đọc đi qua những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, tác giả còn gợi lên những câu chuyện lịch sử và cả hành trình đổi thay sau chiến tranh của vùng đất này.

Kết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

E-magazineKết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

(GLO)- Sáng 17-10, Thư viện tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình “Kết nối bạn đọc yêu sách” với sự tham gia của hàng trăm học sinh thuộc các đơn vị trường học trên địa bàn TP. Pleiku, những người làm công tác thư viện ở cơ sở và bạn đọc tích cực của thư viện năm 2024.