Dự án Nhà máy Điện gió Ia Le 1: Doanh nghiệp và người dân chưa tìm được tiếng nói chung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Dự án Nhà máy Điện gió Ia Le 1 thuộc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1 đã xảy ra khiếu kiện kéo dài liên quan đến công tác thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ trong hành lang an toàn cột tháp gió.

Mặc dù chính quyền địa phương đã vào cuộc nhưng doanh nghiệp và người dân trong vùng dự án vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Đỉnh điểm là vào ngày 13-7, khi xe vận chuyển cánh quạt điện gió vào khu vực Nhà máy Điện gió Ia Le 1 để khắc phục sự cố tại trụ tua bin gió số WT04 bị gãy vào ngày 28-4, nhiều người dân đứng trước đầu xe để ngăn cản.

Sau đó, chính quyền địa phương và lực lượng Công an đã đến hiện trường giải tỏa và thống nhất phương án đưa xe chở cánh quạt đến vị trí khác để không làm ảnh hưởng đến giao thông trên quốc lộ 14.

Theo một số người dân, việc chặn đầu xe là do bức xúc khi chủ đầu tư dự án chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng cho người dân có đất sản xuất và tài sản trên đất trong phạm vi hành lang an toàn cột tháp gió.

Vì quá bức xúc, một số người dân bị ảnh hưởng trong vùng dự án đã lấy đá chặn không cho xe chở cánh quạt điện gió di chuyển vào khu vực Nhà máy Điện gió Ia Le 1. Ảnh: V.T (chụp ngày 30-7)

Vì quá bức xúc, một số người dân bị ảnh hưởng trong vùng dự án đã lấy đá chặn không cho xe chở cánh quạt điện gió di chuyển vào khu vực Nhà máy Điện gió Ia Le 1. Ảnh: V.T (chụp ngày 30-7)

Để giải quyết vấn đề này, UBND huyện Chư Pưh đã tổ chức đối thoại giữa các hộ dân bị ảnh hưởng và chủ đầu tư. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa đồng thuận với các phương án chủ đầu tư đưa ra nên không ai ký vào biên bản làm việc.

Sau đó, tổ công tác của địa phương tiếp tục đến từng nhà tuyên truyền, phân tích để người dân hiểu các quy định về việc bồi thường, hỗ trợ trong phạm vi khu vực thuộc hành lang an toàn cột tháp gió, không gây cản trở xe chở thiết bị nhưng không mang lại kết quả.

Trong khi các bên chưa tìm được tiếng nói chung thì khoảng 4 giờ sáng ngày 1-8, xe chở thiết bị được hỗ trợ để di chuyển đến chân công trình. Bức xúc trước việc này, một số người đã quay video, chụp ảnh, livestream trên mạng xã hội vì cho rằng việc làm này không đúng nguyện vọng của dân.

Theo báo cáo kết quả khắc phục sự cố của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1, vào lúc 4 giờ sáng 1-8, đơn vị vận chuyển đã tiến hành đưa thiết bị từ khu vực tập kết vào khu vực kỹ thuật để lắp đặt và tổ chức nghiệm thu. Đến 14 giờ ngày 2-8 đã hoàn tất công việc lắp đặt thiết bị.

Hiện nay, các nhà thầu đang tiến hành hoàn trả mặt bằng, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường tại khu kỹ thuật. Dự kiến sẽ tiến hành bàn giao, đưa vào sử dụng và vận hành thương mại đối với trụ tua bin WT04 trong thời gian sớm nhất.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-cho biết: “Việc vận chuyển thiết bị do một công ty độc lập thực hiện, được Cục Quản lý đường bộ III cấp phép và có các văn bản liên quan về hỗ trợ các hồ sơ pháp lý, quá trình di chuyển của xe chở thiết bị. Nếu chính quyền ngăn cản việc vận chuyển này là sai. Mặt khác, đây là thiết bị siêu trường siêu trọng nên để giảm áp lực giao thông trên quốc lộ thì phải vận chuyển vào thời điểm ít người, hạn chế ảnh hưởng đến giao thông”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh cũng cho rằng: Thời gian qua, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động, trong đó phân tích rõ về các quy định trong việc bồi thường, hỗ trợ trong phạm vi khu vực hành lang an toàn cột tháp gió, đồng thời tổ chức nhiều cuộc đối thoại với người dân. Theo đó, đa số bà con đã hiểu và chỉ còn một số người khiếu kiện. Tuy nhiên, khi có vấn đề xảy ra, họ vẫn cứ tập trung đông người để nghe ngóng tình hình.

Dự án Nhà máy Điện gió Ia Le 1 có công suất 100 MW với 28 trụ tua bin gió. Cuối năm 2021, Nhà máy vận hành thương mại một phần với công suất 47,2 MW. Đến tháng 12-2023, Nhà máy được vận hành thương mại phần công suất còn lại.

Qua tìm hiểu, trên cơ sở kiến nghị của các hộ dân, chủ đầu tư đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức rà soát, kiểm tra và xác định có 64 hộ có nhà rẫy, hoa màu, vật kiến trúc khác nằm trong phạm vi hành lang an toàn cột tháp gió.

Trong đó, 7 hộ có nhà ở duy nhất trên địa bàn tỉnh, hiện đang sinh sống, canh tác và chăn nuôi tại chỗ; 3 hộ có nhà rẫy thường xuyên ở để canh tác và chăn nuôi tại chỗ (có nhà ở khác trên địa bàn tỉnh); 47 hộ có nhà rẫy nhưng tại thời điểm kiểm tra và hiện trạng thể hiện không ở, không chăn nuôi hoặc không ở thường xuyên; 7 hộ chỉ có vật kiến trúc khác.

Đến nay, chủ đầu tư đã xây dựng phương án giải quyết kiến nghị của các hộ dân trong vùng dự án. Tuy nhiên, vẫn còn 3 hộ liên quan đến khiếu kiện về việc hỗ trợ, bồi thường trong phạm vi khu vực thuộc hành lang an toàn cột tháp gió và 1 hộ đã khởi kiện ra tòa.

Ông Nguyễn Văn Phương (làng Kênh Mek, xã Ia Le) cho rằng: Nếu trước lúc thi công, chủ đầu tư có sự thỏa thuận với dân thì không đến nỗi người dân phải chịu thiệt thòi và khiếu kiện như thế này.

“Gia đình tôi có 3 thế hệ gồm 7 người cùng sinh sống chung, trong khi từ chân trụ điện gió vào đến nhà chỉ có 140 m, riêng phần sân nhà đã bị phần cánh quạt vươn tới. Ở thì nơm nớp lo sợ, nhưng giờ bán nhà, bán đất cũng chẳng ai mua. Nếu với 2,5 ha cây trồng (gồm cà phê, hồ tiêu, cao su) cùng với diện tích nhà ở và khu vực kinh doanh khoảng 2.000 m2 nữa thì mức bồi thường, hỗ trợ mà công ty đưa ra là quá thấp, chưa tương xứng với tài sản của gia đình tôi”-ông Phương nói.

Gia đình ông Trần Ngọc Minh (thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) vô cùng lo lắng khi sinh sống và canh tác dưới phạm vi hành lang an toàn cột tháp gió. Ảnh: V.T

Gia đình ông Trần Ngọc Minh (thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) vô cùng lo lắng khi sinh sống và canh tác dưới phạm vi hành lang an toàn cột tháp gió. Ảnh: V.T

Còn ông Trần Ngọc Minh (thôn Phú Bình, xã Ia Le) thì cho biết: Hơn 3 năm qua, người dân đi khiếu kiện khắp nơi nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. “Gia đình tôi sống gần cánh quạt, hàng ngày phải chịu ảnh hưởng bởi tiếng ồn, rồi nơm nớp lo sợ mỗi khi trời mưa to, gió lớn. Như hồi tháng 4 vừa qua, cánh quạt có chiều dài hơn 70 m bị gãy, mảnh vỡ văng xa cả trăm mét thì thử hỏi người dân sống trong vùng dự án như chúng tôi sao không lo lắng cho được”-ông Minh chia sẻ.

Từ khi dự án điện gió triển khai xây dựng và phát sinh những khiếu nại, kiến nghị của các hộ dân, lãnh đạo UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, đối thoại, giải thích các quy định pháp luật để người dân hiểu và tạo sự đồng thuận. Đồng thời, tổ chức làm việc với nhà đầu tư để tăng cường trách nhiệm, có phương án cụ thể trong hỗ trợ, bồi thường cho người dân.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định cụ thể về nội dung bồi thường, hỗ trợ đối với đất, tài sản trên đất trong khu vực thuộc hành lang an toàn cột tháp gió, hỗ trợ di dời nhà ra khỏi hành lang an toàn, tiếng ồn, văng nước mưa… nên vẫn chưa tìm ra phương án giải quyết.

Có thể bạn quan tâm

Thông qua 40 nghị quyết quan trọng

Thông qua 40 nghị quyết quan trọng

(GLO)- Sáng 11-12, kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) bước vào ngày làm việc cuối cùng với phần chất vấn và trả lời chất vấn; đồng thời, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 40 nghị quyết quan trọng.

Lực lượng nổi dậy Myanmar chiếm căn cứ quân sự, bắt giữ một chuẩn tướng

Lực lượng nổi dậy Myanmar chiếm căn cứ quân sự, bắt giữ một chuẩn tướng

(GLO)- Khuya 9/12, người phát ngôn lực lượng nổi dậy Quân đội Arakan (Myanmar) Khaing Thukha, tuyên bố tổ chức này đã chiếm được căn cứ quân sự lớn ở thị trấn Maungdaw (bang Rakhine), theo trang tin Mint. Chuẩn tướng quân đội Thurein Tun, chỉ huy căn cứ đã bị bắt khi đang tìm cách chạy thoát.

Tổng thống Hàn Quốc lâm vào đường cùng

Tổng thống Hàn Quốc lâm vào đường cùng

(GLO)- Trong bối cảnh sức ép gia tăng sau nỗ lực ban bố thiết quân luật bất thành trong tuần này, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ngày 6/12 cam kết lắng nghe và xem xét kỹ lưỡng những lo ngại của lãnh đạo đảng Quyền lực quốc dân (PPP) cầm quyền.

Ban Dân tộc tỉnh: Dấu ấn 20 năm

Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai: Dấu ấn 20 năm

(GLO)- Trong hành trình 20 năm xây dựng và phát triển, Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai đã để lại dấu ấn trong việc tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và lan tỏa tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Chư Pưh: 17 nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ liên kết, hợp tác với tổng vốn hơn 10.800 tỷ đồng

Chư Pưh: 17 nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ liên kết, hợp tác với tổng vốn hơn 10.800 tỷ đồng

(GLO)- Sáng 6-12, UBND huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đã tổ chức Hội nghị Liên kết, kêu gọi đầu tư và kết nối tiêu thụ sản phẩm năm 2024. Dự hội nghị có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện Chư Pưh cùng đông đảo các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.