Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.

Dự án đã xuất sắc đạt giải ba tại Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học năm học 2023-2024.

Em Võ Siu Hoài An sinh ra và lớn lên ở làng Bồ-ngôi làng Jrai duy nhất ở xã Ia Yok. Tuy nhiên, điều làm cô học trò trăn trở là làng của mình lâu rồi không tổ chức nghi lễ cúng lúa mới. Từ đó, nhiều người dân trong làng, nhất là thế hệ trẻ không còn biết đến nghi lễ này. “Nhận thấy việc giữ gìn bản sắc văn hóa, tập quán, truyền thống tốt đẹp qua lễ mừng lúa mới có ý nghĩa vô cùng to lớn trong đời sống tinh thần, tâm linh nhằm tạo sợi dây gắn kết cộng đồng Jrai, em cùng bạn Lê Quốc Huy (lớp 10C1) đã triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”-An chia sẻ.

Em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng) cùng cô giáo hướng dẫn. Ảnh: M.K

Em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng) cùng cô giáo hướng dẫn. Ảnh: M.K

Tháng 8-2023, 2 bạn trẻ bắt đầu lên ý tưởng, đồng thời gặp gỡ già làng và người dân trò chuyện, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con. Qua khảo sát, điều bất ngờ là nhiều người dân làng Bồ không còn nhớ rõ về nghi lễ truyền thống này. Các nghi thức và ý nghĩa của lễ mừng lúa mới chỉ còn trong tâm tưởng của những người già. Điều này càng thôi thúc 2 em tìm hiểu và nỗ lực kết nối để có thể tổ chức lễ mừng lúa mới của làng.

An cho biết: “Chúng em đã ghi chép cụ thể, chi tiết các nghi thức trong lễ mừng lúa mới theo lời kể của những người lớn tuổi trong làng. Sau đó, chúng em nhờ sự hỗ trợ từ Ban Giám hiệu nhà trường, UBND xã Ia Yok và một số phụ huynh để chuẩn bị tốt cho nghi lễ. Tháng 11-2023, khi ngọn lúa trên những cánh đồng ngả màu vàng óng, bắt đầu cho thu hoạch thì cũng là lúc người Jrai ở làng Bồ quay lại với nghi lễ mừng lúa mới mà họ đã bỏ quên sau nhiều năm. Lúc đó, chúng em rất xúc động và tự hào”.

Theo phong tục, phần lễ sẽ cúng ở rẫy lúa, chòi rẫy và nhà chủ lúa. Ông Rơ Châm Klêl là người được chọn thực hiện nghi lễ cúng. Ngay từ sáng sớm, các già làng, chủ rẫy chuẩn bị dụng cụ, lễ vật cúng gồm: 1 cây nêu có hoa văn gắn những bông lúa trĩu hạt, 4 cây nêu bông có gắn than củi, 2 chiếc gùi, 1 ghè rượu cần, 1 con gà sống, lá chuối, 1 nắm lá ngal. Cây nêu có hoa văn được cắm vào vị trí cố định, xung quanh được đặt gùi và ghè rượu. Sau khi chuẩn bị xong, già làng bắt đầu thực hiện nghi thức cúng.

Trước hết, thầy cúng, già làng, vợ chủ rẫy đi xung quanh ruộng, mang theo lễ vật cúng là con gà và 4 cây nêu có buộc than củi để cắm vào 4 góc ruộng. Thầy cúng chạm 7 lần vào ché rượu cần để dâng lễ vật và đọc lời khấn cảm tạ các vị thần linh đã mang đến cho dân làng cây lúa tốt tươi, chín vàng, thơm ngon, mang lại sự ấm no cho dân làng. Kết thúc phần cúng là phần mời rượu. Người Jrai theo chế độ mẫu hệ nên lúc mời rượu, vợ chủ lúa là người đầu tiên được mời “thăm ghè”. Tiếp theo là các thành viên trong gia đình và bà con dân làng. Ông Klêl chia sẻ: “Mình là chủ ruộng. Được chọn tổ chức phục dựng nghi lễ này, mình rất vui và tự hào. Đây là nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc Jrai mà lâu nay dân làng mình lãng quên”.

Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ Mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok” tạo ra sức lan tỏa lớn. Ảnh: Mai Ka

Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ Mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok” tạo ra sức lan tỏa lớn. Ảnh: Mai Ka

Ông Rơ Châm Pố-Bí thư Chi bộ làng Bồ-cho biết: “Lễ mừng lúa mới nhằm tạ ơn thần linh đã phù hộ cho dân làng được mùa lúa mới và cầu mong cho vụ tiếp theo mưa thuận, gió hòa, cây lúa tốt tươi, mùa màng bội thu. Ở làng Bồ, nhiều năm qua, nghi lễ này dần bị mai một, lãng quên. Điều này khiến những người già như chúng tôi rất buồn. Khi được các bạn trẻ chọn làng Bồ để phục dựng nghi lễ này, tôi rất mừng và hy vọng từ đây sẽ lan tỏa được tinh thần gìn giữ và bảo tồn văn hóa dân tộc trong dân làng”.

Sau thành công của lễ mừng lúa mới, nhóm thực hiện đề tài đã quay lại lấy ý kiến cũng như lắng nghe tâm tư của bà con. Kết quả, hơn 90% người dân trong làng đã thay đổi quan điểm, cách nhìn về văn hóa truyền thống sau khi tham gia nghi lễ. Họ cho rằng, qua mỗi lần tổ chức lễ hội, bà con thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết, góp phần giáo dục con cháu bảo tồn nét đẹp văn hóa mà cha ông để lại.

Cô Nhâm Thị Thu Hà-Giáo viên Ngữ văn, người hướng dẫn nhóm thực hiện đề tài-khẳng định: Dự án triển khai thành công và tạo được sức lan tỏa sâu rộng. Việc khôi phục các lễ hội truyền thống tiêu biểu cần có chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng, bảo tồn lâu dài, đồng bộ. Đặc biệt, chú trọng nhiều đến vai trò, vị trí của các già làng bởi họ “truyền lửa” đam mê và giữ gìn di sản văn hóa quý báu của dân tộc cho các thế hệ mai sau.

Việc phục dựng các lễ hội, sản phẩm văn hóa truyền thống nhằm “đánh thức” các giá trị văn hóa đặc sắc đang dần bị mai một. Để góp phần bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống nói chung và lễ mừng lúa mới nói riêng, trước hết, chúng ta phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục. Mỗi người dân là một cán bộ dân vận, mỗi học sinh là một tuyên truyền viên để khơi nguồn và lan tỏa văn hóa của dân tộc mình.

Có thể bạn quan tâm

Thợ rèn trong xã hội Tây Nguyên

Thợ rèn trong xã hội Tây Nguyên

(GLO)- Việc tìm thấy kim loại sắt đã giúp loài người tiến một bước dài trong lịch sử. Cũng vì thế mà người chế tác sắt-thợ rèn được nhiều tộc người trên thế giới tôn vinh. Riêng với người Tây Nguyên, thợ rèn được coi là người sáng thế, người tạo ra con người.
Chuyện về hậu hiền họ Nguyễn ở Phú Cần

Chuyện về hậu hiền họ Nguyễn ở Phú Cần

(GLO)- Hàng năm, cứ đến ngày 28-5 âm lịch, dân làng Phú Cần xưa (nay thuộc thôn Thắng Lợi, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) lại tập trung về ngôi đền thờ tiền hiền của làng để tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền hiền, hậu hiền đã có công xây dựng, phát triển làng xã.
Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc: Sức sống của nghệ thuật dân gian

Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc: Sức sống của nghệ thuật dân gian

(GLO)- Khởi đi từ đời sống, nghệ thuật dân gian chạm vào đời sống và có sức sống bền lâu. Điều đó thêm một lần thể hiện tại Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc tỉnh Gia Lai năm 2024 qua phần trình diễn của các nghệ sĩ “chân đất”.
Nghệ nhân ưu tú trao truyền di sản văn hóa

Nghệ nhân ưu tú trao truyền di sản văn hóa

(GLO)- Các nghệ nhân ưu tú trong cộng đồng Bahnar, Jrai đã cùng gặp nhau tại phố núi Pleiku (tỉnh Gia Lai) để truyền dạy văn hóa phi vật thể cho thế hệ kế cận. Thay đổi không gian thực hành quen thuộc nhưng các nghệ nhân và truyền nhân vẫn đầy đam mê, luôn giữ lửa tình yêu với văn hóa dân tộc.
Lễ cúng bến nước Hồ Lắk

Lễ cúng bến nước Hồ Lắk

Lễ cúng bến nước hay còn gọi là lễ cúng bến hồ là một trong những lễ hội truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và dân tộc M’nông huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Hoa tai bạc của người Bahnar

Hoa tai bạc của người Bahnar

(GLO)- Hoa tai bạc hay ngà voi là trang sức đặc trưng của phụ nữ Bahnar ở huyện Kông Chro. Nếu hoa tai ngà voi gần như biến mất cùng với tục căng tai thì hoa tai bạc vẫn tồn tại trong đời sống của người Bahnar như một tiêu chí của cái đẹp, của truyền thống văn hóa.
Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê

Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê

Trước ngày tổ chức lễ cúng sức khỏe, người dân trong buôn cùng nhau góp một ít gạo cho chủ nhà nấu rượu phục vụ lễ cúng. Qua đó, thể hiện sự gắn kết, sẻ chia trong cuộc sống, tình đoàn kết cộng đồng dân tộc.