Dư âm tiếng trống hội làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong quan niệm của đồng bào Jrai, Bahnar, chiếc trống là nơi sinh ra thủy tổ của loài người. Trống được coi là vật thiêng, là thông điệp nối con người với trời, đất. Cho nên, gần như không một lễ hội nào của người Tây Nguyên có cồng chiêng mà lại không có trống.
Jacques Dournes-nhà dân tộc học Pháp đã ghi lại truyền thuyết này trong tác phẩm “Tọa độ”-một công trình nghiên cứu về cấu trúc gia đình người Jrai: Thuở xa xưa, người và muôn loài đang sống yên vui thì một hôm trời bỗng gieo nạn đại hồng thủy. Nước dâng lên tận trời khiến mọi vật đều chết đuối, chỉ có một người đàn bà và con chó nhanh chân chui vào chiếc trống lớn nên thoát chết. Khi nước rút, người đàn bà khoét trống chui ra. Giữa thế giới trơ trọi, người và vật nương tựa vào nhau rồi sinh được một đứa con trai. Khi đứa con trai đã lớn, họ chia nhau đi kiếm cái ăn và chẳng may lạc nhau. Một thời gian sau gặp lại thì không còn nhận ra nhau nữa. Sau đó, họ trở nên vợ chồng và sinh ra được rất nhiều con. Khi các con đã lớn, Trời xuống chia thành các gia đình và đặt tên cho họ. Có 8 gia đình được đặt tên: Rơ mah, Ksor, Nay, Rơ Ô, Ra Lan, Kpa, Rơ com, Siu… Cùng với đó, Trời ra lệnh cấm những người trong gia đình không được lấy nhau; truyền rằng, ai phạm phải là làm ô uế trời đất và sẽ bị trừng phạt nặng…
Với ý nghĩa từ truyền thuyết, trống được coi là vật thiêng, là thông điệp nối con người với trời, đất. Cho nên, gần như không một lễ hội nào có cồng chiêng mà lại không có trống. Cồng chiêng và trống gắn với nhau như hình với bóng… Cho đến nay, chưa thấy tài liệu nào cho biết trống xuất hiện trong đời sống của đồng bào từ bao giờ, nhưng có một điều chắc chắn rằng, nó là một loại nhạc cụ vào hàng cổ nhất của con người, có thể trước cả cồng chiêng. Và cũng chưa thấy tài liệu nào cho biết, người Jrai, Bahnar phát minh hay tiếp thu từ dân tộc nào. Tuy nhiên, các nghệ nhân cao tuổi vẫn khẳng định rằng cả hai dân tộc đều biết chế tác trống từ xa xưa.
Trống hội làng. Ảnh: Ngọc Tấn
Trống hội làng. Ảnh: Ngọc Tấn
Theo đó, căn cứ vào kích thước và mục đích sử dụng, trống được chia thành 3 loại: Trống nhỏ, người Jrai gọi là Go pă, thường được dùng trong các lễ hội như đâm trâu, mừng chiến thắng… Trống vừa (Go dẻ), thường dùng cho các lễ hội pơ thi, đám tang... Loại trống lớn (Go prông), như tên gọi của nó, đường kính mặt trống phải từ khoảng 1 m trở lên, thường được đặt cố định tại gia đình gia chủ hay tại nhà rông, phục vụ cho các lễ hội quan trọng như cúng thần nhà, cúng làng, cúng nhà rông… Nói thêm là loại trống này ít thấy đồng bào tự chế tác, chủ yếu là mua từ Đak Lak mang về.
Chế tác trống là một công việc cầu kỳ, công phu. Nếu người Kinh chế tác tang trống bằng cách nêm các thanh gỗ nhỏ vào nhau cho chặt khít thì đồng bào lại dùng khúc gỗ nguyên rồi khoét thành lỗ. Loại thường được dùng là gỗ cây man hay K’tung. Đây là loại gỗ nhẹ, không nứt, vọng âm tốt. Để hoàn thành 1 chiếc tang trống, chỉ với cây rìu và cây dao trong tay, người thợ có khi mất cả tháng trời. Da để bịt trống xưa thường dùng là da các loài vật như voi, min (bò tót) hoặc bò rừng. Theo các nghệ nhân, để có âm thanh hay, trống cũng phải hội đủ yếu tố “đực” và “cái”-nói theo người Kinh là đủ cả 2 yếu tố âm-dương: Mặt phải của trống là da con đực, mặt trái là da con cái. Những chiếc trống như vậy khi gióng lên, tiếng nghe vừa thanh lại đủ cung bậc trầm bổng mà người sành thoạt nghe đã nhận ra ngay.
Cũng như cồng chiêng, trống-đặc biệt là loại Go prông, đồng bào vẫn coi là “vật thiêng”. Được thừa kế 1 chiếc Go prông từ đời cụ cố Ama Tí để lại, già làng Rơ Ô Nang ở buôn Phu Ma Miêng (xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa) kể rằng, chiếc trống này Ama Tí mua về từ Đak Lak với giá 5 con trâu, lúc đã hơn 60 tuổi (quan niệm của đồng bào xưa, tuổi dưới 50 “vía” yếu, không giữ được vật quý) và sau khi đã mua đủ bộ chiêng Tnar (có chiêng quý phải kèm trống quý). Người ta đưa nó từ Đak Lak về bằng cách thay nhau khiêng. Mỗi khi qua sông hay suối, người khiêng phải gióng lên một hồi dài cáo với thần suối, thần rừng… Tới nhà, Ama Tí phải lễ 1 con heo to và 3 ghè rượu cho Yàng…
Từ lúc kế thừa chiếc trống gia bảo, già làng Rơ Ô Nang vẫn tuân thủ các nghi thức nghiêm ngặt của ông bà, đặc biệt là với chiếc Go prông: Trống đặt trong nhà, mặt phải luôn quay về hướng mặt trời mọc, mặt trái hướng về phía mặt trời lặn. Trống chỉ được mang ra phục vụ các lễ hội của cộng đồng và gia đình với điều kiện lễ đó tối thiểu phải cúng heo từ 50 kg và 5 ghè rượu trở lên; chỉ khai trống sau 21 giờ, không được đánh liên tục quá 1 tiếng đồng hồ và tuyệt đối không ai được đánh trống vô cớ giữa ngày thường.
NGỌC TẤN

 

Có thể bạn quan tâm

Những người giữ hồn dân ca Jrai

Những người giữ hồn dân ca Jrai

(GLO)- Nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Jrai, nhiều nghệ nhân ở xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) từng ngày âm thầm lưu giữ những làn điệu dân ca như một cách thể hiện tình yêu với cội nguồn.

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

(GLO)- Hiện nay, nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ở Gia Lai vẫn giữ nghề ủ rượu cần truyền thống từ men lá tự nhiên. Theo thời gian, họ đã cùng nhau lưu giữ “men say” của đại ngàn, giúp cho thức uống mang đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên được chắp cánh bay xa.

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

(GLO)- Năm 1993, Sở Văn hóa-Thông tin (VH-TT) và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã ký kết chương trình phối hợp hành động với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có mô hình “Điểm sáng văn hóa vùng biên”.