Một dòng huyền tích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mỗi lần đi qua cầu Đuống, tôi bất giác nhìn về phía hạ lưu, trong đầu ngân lên mấy câu thơ của Hoàng Cầm “Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh, nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”.

Bờ bãi con sông nhỏ lại chứa đựng biết bao huyền tích, vừa hào hùng vừa bi tráng, khiến tôi cứ muốn rong ruổi mãi nơi này…

Cuộn mình trong dòng chảy di sản

Từ biên giới phía Bắc, con sông Hồng đang miệt mài cuộn chảy về phương Nam bất ngờ rẽ một nhánh nhỏ xuôi qua miền Kinh Bắc, thành sông Đuống. Tính từ điểm đầu tiên ở Đông Anh cho đến điểm cuối cùng hợp lưu vào Lục Đầu Giang và chảy vào sông Thái Bình, sông Đuống dài chưa đầy 70km. Thế nhưng, tên chữ “Thiên Đức” lại như định mệnh vận vào dòng sông nhỏ mang theo cả dòng chảy văn hóa - lịch sử, lắng đọng trầm tích từ ngàn năm dựng và giữ nước của người dân nước Việt.

Lễ hội Phù Đổng tưởng nhớ công ơn Thánh Gióng, vị Anh hùng đầu tiên trong lịch sử được tổ chức ngày 8-4 âm lịch hàng năm (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội)
Lễ hội Phù Đổng tưởng nhớ công ơn Thánh Gióng, vị Anh hùng đầu tiên trong lịch sử được tổ chức ngày 8-4 âm lịch hàng năm (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội)

Dấu tích buổi bình minh của lịch sử hiện ra ngôi làng Phù Đổng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) nằm sát bờ đê sông Đuống, gắn với truyền thuyết Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt nhổ tre đánh tan giặc Ân. Cái vươn vai vụt lớn dậy của cậu bé 3 tuổi đã trở thành biểu tượng tinh thần chống giặc ngoại xâm, khát vọng tự chủ của một dân tộc không ngừng vươn lên. Đến đây vào mùng 8 tháng 4, hội Gióng mở tưng bừng rộn rã. Nhiều người mê hội Gióng chỉ vì giữ được nét cổ xưa, trong đó hát Ải Lao được trình diễn để tưởng nhớ công lao của người anh hùng dân tộc.

Đi quá thêm về phía hạ lưu sông là vùng Dâu, thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Thủ phủ của vùng Dâu xưa là thành cổ Luy Lâu, nơi quan thái thú Sỹ Nhiếp đã mở trường dạy chữ Hán và truyền thụ Nho giáo đầu tiên ở nước ta. Đây cũng là nơi đầu tiên Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào Việt Nam với sự hiện diện của những ngôi chùa cổ. Từng là đô thị cổ sầm uất, thời gian biến đổi, thành cổ Luy Lâu chỉ còn lại những ngôi đền trầm mặc nhìn ra sông Đuống chứng kiến hết thảy những thịnh suy vạn biến.

Tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay, một kiệt tác nghệ thuật tạc tượng của người Việt đặt ở chùa Bút Tháp (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh)
Tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay, một kiệt tác nghệ thuật tạc tượng của người Việt đặt ở chùa Bút Tháp (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh)

Mật độ di sản đậm đặc, chỉ loanh quanh trong bán kính vài ba cây số, ngoảnh đâu cũng là di tích, chạm đâu cũng thấy bảo vật quốc gia. Đoạn qua thôn Á Lữ (xã Đại Đồng Thành) là đền thờ Kinh Dương Vương thờ vị thủy tổ của người Bách Việt. Ngay sát đó là đền thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ với câu chuyện trăm trứng nở ra trăm con, khởi nguồn thiêng liêng cho dòng máu Lạc Hồng. Đi thêm chút nữa là chùa Dâu, ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, cũng là chùa cả trong hệ thống chùa thờ Tứ Pháp đang lưu giữ bộ tượng Tứ Pháp cùng với bộ mộc bản triều Nguyễn. Rồi chùa Bút Tháp với bức tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay, một kiệt tác độc nhất vô nhị về nghệ thuật tạc tượng của người Việt xưa. Đến chùa Dạm (xã Nam Sơn, TP Bắc Ninh) sừng sững một cột đá chạm rồng như trấn giữ cả vùng trời và đất, đã ngót ngàn năm “trơ gan cùng tuế nguyệt”, cột đá ấy vẫn giữ trong lòng biết bao bí ẩn…

Mặt sông phản chiếu

Đất là người, số phận của những anh hùng hào kiệt ở vùng đất này cũng như dòng chảy của con sông, có khúc yên ả, khúc lại cuộn trào dữ dội. Những lần đi dọc bờ sông Đuống, tôi nhận ra dải đất này còn có không ít anh tài hảo kiệt chịu số phận bi tráng bởi thời cuộc. Trong lớp sương mờ của huyền sử có Cao Lỗ Vương, người đã giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa, đánh tan quân Triệu Đà bằng cách chế ra nỏ thần. Thế mà, chỉ vì lời can gián vua không nên gả công chúa Mỵ Châu cho Trọng Thủy, ông đã bị đuổi khỏi triều đình. Không biết ông đã đau lòng đến mức nào khi chẳng bao lâu bí mật nỏ thần bị đánh cắp, đất nước từ đó ngàn năm bị Bắc thuộc. Điều an ủi là đền thờ ông ở bãi bồi sông Đuống (thuộc thôn Đại Trung, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), nơi ông được nhìn ra Lục Đầu Giang, nhìn về Côn Sơn, Kiếp Bạc để chứng kiến những chiến công oai hùng của người đời sau.

Chuyện đại thần, chiến tướng bị hàm oan không hiếm nhưng lại hơi nhiều trong một đoạn không dài của bờ đê sông Đuống. Ở đoạn qua làng Đông Cứu có đền thờ Lê Văn Thịnh, Trạng nguyên khai khoa của nhà Lý. Trong một lần đi sứ, bằng lập luận cứng cỏi, ông đã buộc nhà Tống phải trả cho nước Đại Việt 6 huyện và 3 động. Nhưng lịch sử thật trớ trêu khi lại khoác lên ông cái án hóa hổ trên hồ Dâm Đàm dọa vua Lý Nhân Tông nhằm đoạt ngôi báu. Sau tất cả oan khuất tranh quyền đoạt vị, đền thờ ông giờ nằm lặng lẽ nơi này, vẫn là nơi lui tới của dân làng và khách thập phương để tưởng nhớ con người ưu tú, kiên trung.

Ở cuối dòng sông Đuống là vườn vải Lệ Chi Viên thuộc thôn Đại Lai, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, nơi Nguyễn Thị Lộ - người vợ yêu của đại công thần Nguyễn Trãi bị nghi ngờ giết vua khiến ông bị tru di tam tộc… Nếu mở rộng không gian, sẽ còn nhiều nữa những số phận gắn liền với bao khúc quanh bất ngờ của lịch sử dân tộc. Người đời sau rồi cũng có cái nhìn công tâm về họ, những số phận bi tráng trở thành một phần hồn cốt thiêng liêng của vùng đất, của lịch sử.

Những ngày cuối đông, đầu xuân là lúc dòng sông Đuống xanh trong và hiền hòa nhất. Bờ bãi trải dài mướt mát, xa xa là những xóm làng trù phú. Chưa đến mùa hội hè đình đám, những ngôi đền, chùa cổ linh thiêng trầm mặc dưới làn mưa bụi giăng giăng. Trong không gian yên lặng, bên tai vẳng lại những địa danh từng là nỗi nhung nhớ xót xa khi nhớ về “Bên kia sông Đuống”. Những Lang Tài, chợ Sủi, chợ Hồ, những Đồng Tỉnh, Huê Cầu, Trầm Chỉ... và cả cái tên miền Kinh Bắc nữa, dù đã không còn trong địa danh hành chính mới nhưng sẽ mãi nằm trong ký ức về vùng đất này. Trải qua biến thiên, dòng sông Đuống vẫn chảy trôi như thế, khi dữ dội lúc hiền hòa, mặt sông như tấm gương phản chiếu từng khúc quanh của lịch sử để đúc rút cho người sau những bài học sống còn trong xây dựng cơ đồ.

Giữa một vùng “trầm tích” lịch sử huy hoàng, sông Đuống có một khoảng lặng thật êm đềm: tranh Đông Hồ. Chỉ những nét vẽ mộc mạc, hồn hậu, sắc màu tươi tắn của sỏi son, than tre, hoa hòe in trên giấy điệp óng ánh, tranh Đông Hồ là biểu tượng của khát vọng muôn đời: độc lập, tự chủ, hạnh phúc, phồn vinh.

Theo BÍCH QUYÊN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Theo chân ông Voi

Theo chân ông Voi

Dưới những dải rừng tự nhiên dọc đại ngàn Trường Sơn, người dân nơi đây luôn kể cho nhau nghe về sự xuất hiện của những ông voi to lớn mỗi khi chạm mặt.

Ánh sáng về làng Canh Tiến

Ánh sáng về làng Canh Tiến

Suốt nhiều năm chìm trong bóng tối của cách trở và thiếu thốn, làng Canh Tiến (xã Canh Liên, huyện Vân Canh) từng là một trong những "vùng trắng" điện lưới hiếm hoi còn sót lại ở Bình Định.

Ngược dòng Thác Ma

Ngược dòng Thác Ma

Sông Thác Ma, tên gọi dân dã của một nhánh nhỏ hợp lưu với sông Ô Lâu, bắt nguồn từ vùng rừng phía Tây huyện Hải Lăng (Quảng Trị), xuôi qua các làng Khe Mương, Trầm, Tân Điền, Cồn Tàu - xã Hải Sơn, rồi đổ về Hải Chánh, hòa vào sông lớn.

Ra Biển Đông săn những đường bay

Ra Biển Đông săn những đường bay

Giữa mênh mông Biển Đông, đường bay của cá chuồn vút lên thành vũ điệu, cú phóng mình của cá heo tinh nghịch đáng yêu, đàn ó sà xuống chớp nhoáng, thót tim... Mỗi đường bay là chuyển động của sự sống, bản năng sinh tồn nhưng cũng mang vẻ đẹp tuyệt mỹ của tự nhiên.

Chuyện xóa nhà tạm ở vùng cao: Mệnh lệnh từ trái tim

Chuyện xóa nhà tạm ở vùng cao: Mệnh lệnh từ trái tim

Từ mệnh lệnh trái tim, những người lính Biên phòng Sơn La đã “cùng ăn, cùng ở” giúp người dân nghèo biên giới xóa nhà tạm, nhà dột nát. Việc làm của cán bộ, chiến sĩ bộ đội Biên phòng đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng dân, tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới.