Đồng loạt bỏ làng vì ám ảnh 'cái chết xấu'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhiều cái chết liên tiếp vì già cả, đau ốm, dân làng Ca Dong đều tin rằng đó là điềm báo cho những điều không hay sắp xảy ra. Mỗi lần như vậy, họ lại bàn nhau bỏ đi nơi khác sống, để lại những ngôi làng  hiu quạnh giữa đại ngàn.
Lũ lượt bỏ làng ra đi
Trong một chuyến công tác lên huyện miền núi Bắc Trà My, chúng tôi vô cùng ngỡ ngàng khi chứng kiến hình ảnh nhiều căn nhà trong một vùng bị đập bỏ chỉ còn trơ lại phần nền và móng.
 
Nóc ông Nang giờ chỉ còn lại những nền nhà bằng xi măng còn sót lại sau cuộc di dân vì cái chết xấu.
Thoạt đầu ai cũng nghĩ nơi này được giải tỏa để nhường đất cho một công trình hay dự án nào đó. Người dân bảo rằng, vì lo sợ về “cái chết xấu” nên họ chấp nhận đập bỏ tất cả để dời đi nơi khác sinh sống. Đó là những gì đã xảy ra ở Nóc ông Nang (thôn 4, xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My).
Già Hồ Văn Xết (90 tuổi) cố gắng lục lại trong trí nhớ thời điểm cả làng dời đi cách đây vài năm rồi chậm rãi kể lại. Chuyện xảy ra cũng chưa lâu lắm, chỉ khoảng tầm 4 năm về trước, Nóc ông Nang khi ấy có hơn 20 nóc nhà sinh sống quây quần bên nhau. Rồi đến một ngày đầu năm 2015, già làng Hồ Văn Nang – người được cả dân làng kính nể và lấy tên đặt cho ngôi làng này bất ngờ đổ bệnh rồi qua đời. Không lâu sau đó, con trai của già Nang cũng mất khiến cho dân làng bắt đầu cảm thấy hoang mang.
Chưa dừng lại ở đó, liên tiếp thời gian sau trong làng có một số người già cả khác cũng chết đi khiến cho nỗi lo lắng của người dân nơi đây lên đỉnh điểm. Họ cho rằng, tất cả những gì xảy ra vừa qua chính là những “cái chết xấu”. Rồi, già Xét đã tổ chức một cuộc họp dân cùng nhau thống nhất đi đến quyết định sẽ dời làng đến một nơi khác. “Đó là cái chết xấu, nơi đây không thể ở được nữa, phải tìm một nơi khác để sống yên ổn hơn”, già Xết khẳng định lại một lần nữa.
Không chút chần chừ, qua vài ngày sau, cả gia đình già Xết tháo dỡ ngôi nhà sàn của mình để chuyển lên ngọn đồi cách làng cũ khoảng 1km. Ngôi nhà nằm cheo leo trên đỉnh núi của già Xết nhanh chóng được dựng lên đã báo hiệu cho một cuộc di dân chưa từng có của dân làng Nóc ông Nang. Người dân chấp nhận bỏ làng, đập đi những ngôi nhà xây kiên cố mà trước đó bỏ ra và chục thậm chí vài trăm triệu để dựng chỉ vì muốn thoát khỏi nỗi ám ảnh về những “cái chết xấu”.
Từng người, từng nhà lần lượt rời làng cũ bỏ đi đến vùng đất mới mà già Xết đã lựa chọn. Một ngôi làng mới mọc lên và được lấy tên là Nóc ông Xết - người tiên phong đến lập làng với mong muốn sẽ có một cuộc sống mới, quên đi quá khứ với những ám ảnh, lo lắng trước đây họ đã trải qua và không muốn quay đầu nhìn lại.
“Khi ông Xết chuyển đi, vợ chồng với 2 đứa con của tôi cũng tháo dỡ nhà cửa để đi theo. Dân làng không một ai dám ở cả. Đáng tiếc nhất, nhiều ngôi xây khang trang hàng trăm triệu cũng bị đập bỏ, dời đi”, chị Hồ Thị Mai Thiếm (27 tuổi) kể.
 
Ngôi làng mới mà người dân chuyển đến nằm trên đỉnh đồi với những tảng đá nổi lởm chởm.
Còn phía chân đồi kia, Nóc ông Nang trước đây đã một thời gian dài gắn bó với dân làng chỉ còn là sự cô quạnh. Xung quanh các móng nhà cũ cây cối đã mọc lên um tùm, hoang vu. Ở đây còn có vài ngôi mộ người làng chết mà dân làng cho đó là “cái chết xấu” được chôn, không một ai dám bén mảng tới vì họ sợ xui xẻo đến với mình.
“Làng cũ giờ y như ngôi làng ma, không ai dám tới đâu, sợ lắm. Chúng tôi chỉ ở làng mới thôi”, bà Nguyễn Thị So (70 tuổi) vẫn chưa hết ám ảnh khi nhớ về Nóc ông Nang.
Cạn kiệt
Từ ngôi làng cũ đến làng mới chỉ cách nhau 1km nhưng để đến được đây, chúng tôi phải vượt qua một con đường ngoằn ngoèo, dốc cao dựng đứng. Nơi đây địa hình gồ ghề với nhiều tảng đá lớn nổi lên lởm chởm nên để tìm được một nơi dựng nhà cũng không phải là dễ dàng. Già Xết kể rằng, so với Nóc ông Nang trước đây thì làng mới này điều kiện sinh hoạt cũng như sản xuất gặp khó khăn hơn rất nhiều lần.
“Trước kia ở làng cũ địa hình bằng phẳng nên còn có thể trồng được cái cây, nuôi được con bò, con lợn chớ lên đây đất cằn đá sỏi không làm được gì cả. Có đi làm ruộng thì dân làng phải vào trong núi sâu, đi bộ vài giờ đồng hồ vất vả lắm. Ngoài ra, việc làng mới nằm cheo leo trên đỉnh núi, cứ mỗi mùa mưa bão đến người dân lại thấp thỏm nỗi lo bị sạt lở đe dọa đến tài sản và tính mạng. Nhưng vì cái chết xấu phải đi thôi chứ biết làm sao được nữa”, già Xết tâm sự.
Đó là chưa kể đến vào thời điểm này khi nắng nóng kéo dài, người dân Nóc ông Xết đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng. Vừa xách can nước vượt qua con dốc cao đem về nhà sử dụng, chị Đinh Thị Giớt (28 tuổi), cho biết, mùa khô này, cả làng chỉ nhờ vào được ống dẫn nước từ suối sâu về, nước không đủ dùng. Sông suối cạn kiệt, nguồn nước sạch để uống dẫn từ suối cũng thiếu hẳn. Dân làng phải xách can thay phiên nhau hứng nước để sử dụng.
Chỉ vì tâm niệm sợ hãi những “cái chết xấu” mà người dân nơi đây chấp nhận bỏ nhà cửa để ra đi đến một vùng đất khó khăn hơn gấp bội phần. Không chỉ có Nóc ông Xết, mà quan niệm này đã in sâu vào tâm thức của đại đa số đồng bào Ca Dong ở huyện miền núi Quảng Nam. Dù chính quyền đã tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức nhưng rất khó để thay đổi được nếp nghĩ, phong tục có từ bao đời nay của họ.
 
Một gia đình chuyển đến nơi ở mới.
Nhắc đến câu chuyện này, ông Nguyễn Dương Thi, Phó chủ tịch UBND xã Trà Bui cho biết, người dân ở Nóc ông Nang bỏ làng ra đi vào thời điểm từ năm 2016 - 2017 khi nhận thấy một năm trong làng có từ 2-3 người chết liên tiếp vì bệnh tật, trẻ em đau liên miên rồi cảm thấy lo sợ mà chuyển đến nơi khác sinh sống. Chính quyền, các ngành chức năng đã tuyên truyền rất nhiều lần rằng nguyên nhân những người chết là do già yếu, bệnh tật chứ không phải là cái chết xấu gì  nhưng người Ca Dong ở đây vẫn không nghe.
“Không chỉ có Nóc ông Nang mà địa bàn xã cũng có một làng khác có hiện tượng người dân bỏ đi vì “cái chết xấu”. Chính quyền xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, giải thích cho bà con đồng bào dân tộc Ca Dong để không phải còn cảnh dân làng lũ lượt đập bỏ, tháo dỡ nhà cửa chuyển đi nơi khác vì quan niệm này nữa”, ông Thi nói.
Lê Khánh (Nông nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp xanh khi đầu đã bạc

Khởi nghiệp xanh khi đầu đã bạc

Từ vùng đất hoang hoá, kém màu mỡ, vợ chồng cụ bà 73 tuổi đã phủ màu xanh cho đất, và thu tiền tỷ từ việc khai thác tiềm năng loài tre bốn mùa. Diện tích tre bốn mùa của gia đình bà trở thành đặc sản “độc nhất vô nhị” ở tỉnh Đắk Nông.

Làng Việt Nam: Thi Phổ Nhứt từng được mệnh danh 'tiểu Đồng Nai'

Làng Việt Nam: Thi Phổ Nhứt từng được mệnh danh 'tiểu Đồng Nai'

Làng tôi cũng giống như bao làng khác ở Việt Nam. Ngày xưa, làng có tên Thi Phổ Nhứt, được mệnh danh là 'tiểu Đồng Nai' vì ruộng làng tôi là nhất đẳng điền, lúa cấy xuống vươn lên xanh ngát một màu. Vụ mùa cũng như vụ chiêm, lúa thu hoạch mỗi sào tính bằng nhiều giạ. Không thua gì lúa Đồng Nai.

Những bến đò thương nhớ Sài Gòn - TP.HCM

Những bến đò thương nhớ Sài Gòn - TP.HCM

Không phải chỉ miền Tây Nam bộ mới là vùng sông nước, Sài Gòn - TP.HCM là thành phố dọc ngang kênh rạch, là nơi từng dày đặc những bến đò. Cùng với sự hình thành và phát triển đô thị, những chuyến đò ngang, đò dọc đã trở thành phần không thể tách rời với tầng lớp thị dân.

Khởi sắc vùng căn cứ cách mạng

Khởi sắc vùng căn cứ cách mạng

(GLO)- Sau ngày giải phóng, tỉnh Gia Lai nói chung và các vùng căn cứ cách mạng nói riêng gặp không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với truyền thống anh hùng cùng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống kinh tế, bộ mặt nông thôn các xã vùng căn cứ cách mạng đã có bước khởi sắc đáng ghi nhận.

Nỗi ám ảnh khôn nguôi ở Làng Nủ

Nỗi ám ảnh khôn nguôi ở Làng Nủ

Cuối tuần, các em học sinh học nội trú lại trở về thôn Làng Nủ và nỗi nhớ bạn càng thêm quay quắt. Cậu học sinh Ma Trường Quyền vẫn mơ thấy người bạn thân, nhưng khi tỉnh dậy lại buồn vì bạn đã mất rồi.
Tìm lại tên cho đồng đội

Tìm lại tên cho đồng đội

Dưới cái nắng oi bức cuối mùa hạ, 3 người cựu chiến binh Sư đoàn 308 vẫn miệt mài đi từng hàng mộ chí tít tắp ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 (NTLS Đường 9) để tìm kiếm thông tin về liệt sĩ. Thỉnh thoảng họ dừng lại ở một phần mộ nào đó và trò chuyện với nhau rất lâu.
Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ 1: Đổi thay cùng LRAMP

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ 1: Đổi thay cùng LRAMP

(GLO)- Từ năm 2018 đến nay, 87 chiếc cầu, cống thuộc Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư đã đem đến sự đổi thay to lớn ở các buôn làng vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai.
Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

(GLO)- Ngày 12-5-1970, du kích người Jrai Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cùng đồng đội bắn rơi chiếc máy bay trực thăng khiến hàng chục binh sĩ cấp cao của quân đội Mỹ thiệt mạng. Vậy, xác chiếc trực thăng ấy bây giờ ở đâu?
Còn lại gì sau bão Yagi?

Còn lại gì sau bão Yagi?

Khi cơn bão Yagi quét qua, nhà cửa, đường sá, cầu cống - những gì tưởng chừng kiên cố nhất cũng bị gió bão, mưa lũ cuốn phăng. Xót xa hơn, sự sống - thứ đáng quý nhất cũng bị đánh cắp trong phút chốc.
Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Chuyện du kích Jrai hạ trực thăng Mỹ

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Du kích Jrai hạ trực thăng chở 2 tướng Mỹ

(GLO)- Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng câu chuyện về du kích Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cùng đồng đội bắn rơi máy bay quân sự Mỹ ngay tại quê hương mình vẫn được nhiều người cao tuổi trong vùng nhắc nhớ và được nhiều tài liệu lịch sử chính thống ghi nhận.

Bãi giữa sông Hồng lao đao sau bão lũ

Bãi giữa sông Hồng lao đao sau bão lũ

Đã hơn mười ngày trôi qua kể từ lúc người dân xóm Phao ở bãi giữa sông Hồng chạy trốn cơn lũ dồn đuổi, họ vẫn chưa thể về nhà. Bãi giữa bị nước nuốt chửng, nuốt tất cả những gì gọi là của cải của dân xóm Phao. Cuộc sống thường nhật của họ nơi bãi sông đã khốn khó, nay lại càng thêm bế tắc...