Đóng cửa Trường ĐH Đông Đô được chưa, thưa Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước tiêu cực quá tồi tệ của Trường ĐH Đông Đô, chắc chắn Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) không thể vô can.
Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án "Giả mạo trong công tác", chuyển hồ sơ vụ án đến VKSND Tối cao đề nghị truy tố bị can Dương Văn Hòa (SN 1983), nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô, và nhiều bị can nguyên là cán bộ ở trường này.
Ông Trần Khắc Hùng, nguyên chủ tịch HĐQT kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục của trường, đang bị cơ quan công an truy nã.
Ông Trần Khắc Hùng, nguyên chủ tịch HĐQT kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục của trường, đang bị cơ quan công an truy nã.
Theo kết luận điều tra, Trường ĐH Đông Đô chưa được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2 nhưng từ năm 2015, dù trường này không đăng ký đào tạo văn bằng 2, Bộ GD-ĐT vẫn cho đăng đề án tuyển sinh của ĐH Đông Đô lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ, có cả chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 chính quy.
Các năm kế tiếp, 2016, 2017, 2018, Trường ĐH Đông Đô vẫn chưa được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2 nhưng lại đăng ký đào tạo văn bằng 2 và Bộ GD-ĐT cũng lại cho đăng lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ này.
Trường ĐH Đông Đô đã ký hợp đồng tuyển sinh, đào tạo với 15 cơ sở đào tạo, trong đó có 12 cơ sở đã tuyển sinh được hơn 3.500 học viên, thu về số tiền hơn 24 tỉ đồng. 
Đáng chú ý, ban giám hiệu Trường ĐH Đông Đô chỉ đạo cấp dưới không tổ chức thi đầu vào, không cần học, phát đề thi và đáp án cho học viên chép lại, nộp bài! Thậm chí có trường hợp không cần hợp thức hóa bài thi vẫn có bằng!
Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an xác định đến thời điểm này, Trường ĐH Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh văn bằng 2 cho 626 trường hợp, nhưng chỉ xác định và làm việc được với 217 trường hợp (1 người đã chết). 
Trong số trên, 193 người được cấp bằng không qua tuyển sinh, không đào tạo hoặc không đủ điều kiện cấp bằng. Chỉ có 23 người tham gia học tập nhưng bằng vô giá trị vì Trường ĐH Đông Đô không được phép đào tạo văn bằng 2. Hiện 409 cá nhân đã có văn bằng cử nhân Tiếng Anh do Trường ĐH Đông Đô cấp không có giá trị, nhưng chưa xác định được danh tính. Đáng chú ý có 55 trường hợp sử dụng bằng không có giá trị này để xét tuyển nghiên cứu sinh, làm luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, thi nâng ngạch công chức!
Hành vi phạm tội của lãnh đạo ĐH Đông Đô là rất nghiêm trọng, làm mất uy tín giáo dục ĐH vốn đang gặp nhiều điều tiếng, đặc biệt để lại hậu quả rất lớn cho xã hội.
Dư luận rất bức xúc, đề nghị cơ quan điều tra công bố danh sách tất cả những người dùng bằng giả của Trường ĐH Đông Đô. Kể cả những người lấy văn bằng 2 cử nhân Tiếng Anh dỏm để làm luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ thì càng phải công khai, chứ không chỉ kiến nghị cho cơ quan chủ quản các cá nhân đó xử lý như đề nghị của cơ quan điều tra.
Về trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, rõ ràng nếu không có sự tiếp tay, buông lỏng quản lý của Vụ Kế hoạch - tài chính và Vụ Giáo dục đại học thì hành vi phạm tội của lãnh đạo Trường ĐH Đông Đô không thể thực hiện được. Cơ quan an ninh điều tra sẽ xác định các cá nhân liên quan để xử lý. Nhưng còn trách nhiệm của lãnh đạo Bộ GD-ĐT thì sao? Không thể vô can khi lãnh đạo để các Vụ liên quan cho phép Trường ĐH Đông Đô tuyển sinh "lậu", không khác gì mua bán văn bằng giả.
Một vấn đề khác đặt ra nhân vụ mua bán bằng cử nhân Tiếng Anh dỏm này là chuẩn đầu vào tiếng Anh để làm luận án tiến sĩ cần được xác định thực chất. Thực tế rất nhiều vị tiến sĩ hiện nay rất sợ những buổi hội thảo có yếu tố nước ngoài vì không nghe, nói được tiếng Anh.
Hiện nay, chuẩn tiếng Anh để một nghiên cứu sinh được làm luận án tiến sĩ là phải có chứng chỉ B2 hoặc bằng cử nhân tiếng Anh nhưng thực tế các nghiên cứu sinh vẫn tìm cách "lách" qua được. Nên chăng, ngoài các văn bằng theo quy định, các nghiên cứu sinh cần được kiểm tra thực tế chất lượng ngoại ngữ. Điều này cũng không khó và nếu tổ chức tốt, hạn chế được những tiêu cực như đã xảy ra.
Với Trường ĐH Đông Đô, đến nay có 3 người trong ban giám hiệu, trong đó có nguyên hiệu trưởng Dương Văn Hòa và hai hiệu phó đã bị bắt giam, khởi tố về hành vi hết sức đang xấu hổ là mua bán văn bằng giả. Trong đó, ông Trần Khắc Hùng, nguyên chủ tịch HĐQT kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục của trường, bỏ trốn, đang bị cơ quan công an truy nã.
Một trường ĐH mà tổ chức mua bán bằng giả, bằng dỏm, có nên tồn tại để tiếp tục đào tạo ĐH? Và liệu nếu cho tồn tại, có ai muốn học ở trường này, khi mà yếu tố quan trọng nhất của đào tạo ĐH là tính trung thực đã bị đánh cắp vì đồng tiền?
Bộ GD-ĐT mong muốn xây dựng một nền giáo dục ĐH trung thực và chất lượng, vậy có nên cho tồn tại một trường gian dối trong đào tạo như Trường ĐH Đông Đô?
Tại hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH được tổ chức vào ngày 17-7-2019, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã phát biểu: "Các trường ĐH phải minh bạch điều kiện đảm bảo chất lượng, để những trường nào chất lượng sau một thời gian không cải thiện được thì phải đóng cửa...".
Trường hợp với ĐH Đông Đô, trong đào tạo đã vi phạm pháp luật, đã đủ điều kiện để Bộ GD-ĐT tham mưu, đề xuất đóng cửa chưa, thưa bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ?
Lưu Nhi Dũ (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

(GLO)- Ngày 3-12, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 281-KH/TU ngày 11-10-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5-1-2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2025-2030.

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Thay thi bằng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên với những quy định mới; hướng dẫn phương pháp tính giá dịch vụ GD-ĐT là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 12 năm nay.

Phát động dự án “Đến trường an toàn” năm học 2024-2025

Phát động dự án “Đến trường an toàn” năm học 2024-2025

(GLO)- Sáng 25-11, Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai phối hợp với tổ chức AIP Foundation, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam phát động dự án “Đến trường an toàn”, năm học 2024-2025 tại các Trường Tiểu học: Phan Chu Trinh, Lê Lợi và Nguyễn Trãi (huyện Phú Thiện).