Đơn giản, thuận tiện là yêu cầu trong công tác tuyển sinh đại học năm 2023

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ những khó khăn, bất cập trong công tác tuyển sinh đại học năm 2022, trong năm 2023, bên cạnh ban hành sớm văn bản quy chế tuyển sinh, các trường cao đẳng, đại học kiến nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu hoàn thiện thêm quy trình kỹ thuật theo hướng đơn giản, gọn nhẹ, thuận lợi hơn và sớm ban hành quy chế tuyển sinh làm căn cứ thực hiện chung.

Thí sinh Lê Thị Bích Tuyền (đứng giữa)-điểm thi Trường THPT Pleiku-trao đổi cùng bạn sau giờ thi. Ảnh: Mộc Trà
Thí sinh Lê Thị Bích Tuyền (đứng giữa)-điểm thi Trường THPT Pleiku-trao đổi cùng bạn sau giờ thi. Ảnh: Mộc Trà

Kết quả công tác tuyển sinh năm 2022 phản ánh mặt tích cực cơ bản là số thí sinh trúng tuyển “ảo” đã giảm nhiều so với những năm trước. Nhưng nhiều vấn đề cần hoàn thiện để công tác tuyển sinh năm tới tốt hơn. Đó là vẫn còn số lượng lớn thí sinh trúng tuyển nhưng không làm thủ tục xác nhận nhập học trên hệ thống. Vì lý do này mà các trường phải xét tuyển bổ sung. Cụ thể sau đợt 1, có đến 150 trường đại học, cao đẳng thông báo xét bổ sung hơn 100 ngàn chỉ tiêu.

Trên thực tế, việc xét tuyển lọc “ảo” chung không liên quan nhiều đến chỉ tiêu tuyển sinh các trường đại học, cao đẳng. Vì vẫn còn tình trạng thí sinh đổ dồn xét tuyển ở một số trường, ngành hoặc theo phương thức xét tuyển khác. Phương thức xét tuyển hiện nay cho phép thí sinh đăng ký ngành, trường theo nguyện vọng và có quyền lựa chọn nhập học hay không nhập học. Đây cũng là lý do quy trình lọc "ảo" cho kết quả chưa sát với thực tế. Quy trình này kéo dài cũng làm ảnh hưởng không ít đến tâm lý thí sinh, kế hoạch đào tạo của các trường.

Các nhà quản lý và chuyên gia giáo dục cho rằng, cần thiết đơn giản hóa quy trình kỹ thuật trong xét tuyển đại học, cao đẳng năm sau. Bộ GD-ĐT sớm ban hành quy chế tuyển sinh để các trường đại học, THPT chủ động tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Bộ chỉ áp dụng quy trình lọc "ảo" cho phương thức xét kết quả tốt nghiệp THPT như mọi năm, còn các phương thức xét tuyển khác thì để các trường đại học chủ động thực hiện, tránh kéo dài thời gian lọc "ảo” như năm nay.

Các chuyên gia cũng phân tích, các trường áp dụng phương thức xét tuyển theo chủ trương tự chủ tuyển sinh. Nhưng nhiều phương thức xét tuyển sẽ tác động mạnh đến phần mềm tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Giải pháp đưa ra là các trường lựa chọn phương thức tuyển sinh đơn giản. Về phía Bộ GD-ĐT thì tiếp tục hoàn thiện phần mềm xét tuyển chung để hệ thống vận hành suôn sẻ.

TS (từ Giaoduc.net, TTXVN online)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

(GLO)- Ngày 3-12, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 281-KH/TU ngày 11-10-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5-1-2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2025-2030.

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Thay thi bằng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên với những quy định mới; hướng dẫn phương pháp tính giá dịch vụ GD-ĐT là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 12 năm nay.