Đối thoại để khơi thông “điểm nghẽn” cho ngành Giáo dục

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhiều ý kiến, kiến nghị của cán bộ lãnh đạo, quản lý và viên chức ngành Giáo dục đã được Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai cùng đại diện các sở, ngành ghi nhận, giải đáp tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại diễn ra vào ngày 21-5.

Hội nghị được tổ chức tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku) và kết nối trực tuyến đến 17 điểm cầu huyện, thị xã, thành phố.

Chủ trì hội nghị có các ông, bà: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Hơn 1.400 đại biểu đại diện cho 20.500 cán bộ lãnh đạo, quản lý và viên chức ngành Giáo dục tỉnh tham dự hội nghị ở 18 điểm cầu.

Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Văn Long cho hay: Tính đến tháng 4-2024, toàn tỉnh có 265 trường mầm non, 206 trường tiểu học, 234 trường THCS và 51 trường THPT với trên 418.600 học sinh; 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên với 1.628 học viên.

Từ tháng 6-2021 đến nay, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch để triển khai thực hiện trong toàn ngành. Theo đó, ngành Giáo dục tỉnh đã triển khai có hiệu quả các dự án, huy động tối đa các nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang-thiết bị… đảm bảo các điều kiện tối thiểu thực hiện mục tiêu chương trình giáo dục mầm non. Các cơ sở giáo dục tiểu học và giáo dục trung học triển khai song song 2 chương trình giáo dục phổ thông 2018 và 2006 đạt kết quả khả quan. Chất lượng giáo dục tiểu học từng bước được nâng lên, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình đạt 98%.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại với cán bộ quản lý, viên chức ngành Giáo dục. Ảnh: Đức Thụy

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại với cán bộ quản lý, viên chức ngành Giáo dục. Ảnh: Đức Thụy

“Giai đoạn 2021-2023, Sở GD-ĐT và UBND các địa phương đã đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang-thiết bị cho các cơ sở giáo dục với tổng kinh phí trên 946,5 tỷ đồng. 100% cán bộ quản lý, giáo viên được cử tham gia khóa bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm đáp ứng đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi bổ nhiệm theo quy định”-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Giáo dục tỉnh vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo đó, các phòng học mầm non ở các điểm trường lẻ hầu hết là bán kiên cố, diện tích hẹp, hiện còn 61 phòng học nhờ/tạm; thiết bị, đồ dùng tối thiểu dành cho giáo dục mầm non chưa đáp ứng đầy đủ theo quy định; thiếu giáo viên để huy động trẻ ra lớp, dạy 2 buổi/ngày. Thêm vào đó, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên như: phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc, giảm tiết cho giáo viên làm công tác chủ nhiệm, chính sách cho giáo viên tổng phụ trách đội… còn nhiều bất cập.

Nhiều kiến nghị về cơ chế, chính sách

Về chính sách dành cho học sinh dân tộc nội trú, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Võ Thành Nguyên cho hay: Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29-5-2009 không còn phù hợp với thực tiễn và khó thực hiện. Cụ thể, quy định về việc trang cấp hiện vật 1 lần cho học sinh khi nhập trường là không phù hợp bởi các em không thể sử dụng đồng phục để mặc trong cả cấp học. Mặt khác, Thông tư quy định về việc học sinh được cấp tiền tàu xe theo giá vé thông thường của phương tiện vận tải công cộng, mỗi năm 1 lần (cả lượt đi và lượt về) để thăm gia đình vào dịp Tết hoặc dịp nghỉ hè. Tuy nhiên, các tuyến xe nội tỉnh không phát hành vé xe nên không có chứng từ để làm thủ tục thanh toán tiền tàu xe cho học sinh.

Về vấn đề thiếu giáo viên, nhân viên trường học, cô Hoàng Thị Bảy-Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Sơn Ca (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) nêu thực trạng: “Hiện nay, tất cả trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn huyện đều thực hiện nuôi dưỡng trẻ bán trú. Tuy nhiên, các trường chưa có nhân viên y tế trường học, nhân viên cấp dưỡng thì phải thực hiện xã hội hóa, trong khi điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn. Tôi rất mong các cấp có thẩm quyền xem xét bố trí nhân viên y tế và cấp dưỡng để chúng tôi làm tốt nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ”.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nói chuyện với cán bộ giáo viên đang công tác trong ngành giáo dục. Ảnh: Đ.T

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nói chuyện với cán bộ giáo viên đang công tác trong ngành giáo dục. Ảnh: Đ.T

Thầy Nguyễn Văn Thuấn-Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Krong (huyện Kbang) phản ánh: Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ đã tác động đến đời sống của nhiều cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đang công tác ở vùng sâu, vùng xa. Do đó, ngoài các chế độ được hưởng, tỉnh nên có chính sách đặc thù, hỗ trợ thêm kinh phí để họ yên tâm công tác; đồng thời, xem xét điều chuyển công tác từ vùng khó khăn về vùng thuận lợi hơn đối với những giáo viên trên 50 tuổi.

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Hai-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đak Đoa kiến nghị HĐND tỉnh cần có nghị quyết quy định mức chi cho tuyển dụng công chức, viên chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp hoặc thi nâng ngạch vì hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể về vấn đề này. Đồng thời, đề nghị tỉnh “gỡ khó” cho các địa phương trong thực hiện Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND ngày 9-12-2022 của HĐND tỉnh sau khi tạm dừng một số khoản thu đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động GD-ĐT.

Khơi thông “điểm nghẽn”

Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cán bộ quản lý và viên chức ngành Giáo dục, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan đã trả lời, giải đáp thỏa đáng đối với những nội dung thuộc thẩm quyền.

Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên:Đề nghị đại biểu HĐND, Thường trực HĐND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục trả lời bằng văn bản đối với các nội dung kiến nghị để ngành Giáo dục nói chung và các trường nói riêng triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp, đúng quy định. Các ban HĐND tỉnh giám sát đối với việc trả lời ý kiến tại hội nghị của các cơ quan chức năng liên quan để nâng cao hơn nữa hiệu quả giải quyết.

Đối với Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT, Phó Giám đốc Sở Tài chính Trương Thanh Tùng thừa nhận: Thông tư này ban hành cách đây khá lâu nên đã bộc lộ nhiều bất cập. Tiếp thu ý kiến của các địa phương, hiện nay, Bộ GD-ĐT đã triển khai xây dựng thông tư mới để thay thế và đang tiến hành lấy ý kiến lần 2. Vì vậy, đề nghị các đơn vị trường học, địa phương cùng tham gia ý kiến để đảm bảo sát thực tiễn và đúng quy định.

Giải đáp ý kiến về thiếu giáo viên và nhân viên trường học, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định thông tin: Thời gian qua, Bộ Chính trị đã cấp cho tỉnh tổng cộng 3.149 chỉ tiêu biên chế. Với 1.244 biên chế của đợt 1, Sở Nội vụ đã phân bổ để Sở GD-ĐT và các địa phương tổ chức tuyển dụng. Mới đây, HĐND tỉnh cũng đã thông qua biên chế đợt 2 với 1.905 chỉ tiêu, bao gồm cả giáo viên và nhân viên. Tin rằng, với số lượng này, ngành Giáo dục tỉnh sẽ phần nào giải quyết được bài toán thiếu biên chế.

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định trả lời một số ý kiến, kiến nghị của cán bộ quản lý, viên chức ngành Giáo dục. Ảnh: Đức Thụy

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định trả lời một số ý kiến, kiến nghị của cán bộ quản lý, viên chức ngành Giáo dục. Ảnh: Đức Thụy

Đối với ý kiến về việc luân chuyển giáo viên, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đình Tiến cho hay: Khó khăn hiện nay là không có quy định đối với việc giải quyết chuyển công tác cho cán bộ quản lý, viên chức ngành Giáo dục theo nhu cầu. Theo quy định của tỉnh, thẩm quyền luân chuyển thuộc về Sở GD-ĐT và UBND cấp huyện. Khi chuyển công tác đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục cần phải có nơi chuyển đến và hội đủ các điều kiện do địa phương nơi chuyển đến quy định.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch mong muốn đội ngũ cán bộ quản lý, viên chức ngành Giáo dục chia sẻ với những khó khăn của tỉnh; đồng thời đề nghị toàn ngành cần nhìn thẳng vào sự thật với tinh thần cầu thị để tiếp thu, điều chỉnh; cố gắng khắc phục khó khăn, tránh bệnh thành tích mà đi vào thực chất hơn. “Tôi sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến tại hội nghị để nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về các chính sách, chiến lược lâu dài đối với ngành Giáo dục”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên khẳng định sự đóng góp to lớn của ngành Giáo dục vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian qua. Về mục tiêu mà giáo dục hướng đến là nâng cao dân trí ở vùng khó, nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng thuận lợi, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: “Đây là trách nhiệm không chỉ của ngành Giáo dục mà là của cả hệ thống chính trị”.

Liên quan kiến nghị về chế độ, chính sách còn bất cập hoặc đã lỗi thời từ các quy định của Trung ương, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các sở liên quan, UBND tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục có văn bản đề nghị cơ quan cấp trên xem xét, sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn. Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của tỉnh hoặc cấp huyện cần phân loại để giải quyết.

Theo đó, Sở GD-ĐT và Sở Nội vụ phối hợp thực hiện tổng rà soát về biên chế của ngành Giáo dục để nắm bắt tình hình thừa-thiếu giáo viên, nhân viên. Những nơi thật sự thiếu, cần phải sớm có kế hoạch tuyển dụng ngay và phải tiến hành trong dịp hè để đảm bảo điều kiện đội ngũ chuẩn bị cho năm học mới. Việc luân chuyển giáo viên từ vùng khó khăn đến vùng thuận lợi trong nội bộ 1 huyện do UBND huyện quyết định. Vì vậy, Phòng Giáo dục và Đào tạo cần chủ động tham mưu UBND huyện nội dung này để động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho giáo viên an tâm công tác.

Về việc tạm dừng một số khoản thu theo Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên đề nghị các sở, ngành liên quan tiếp tục tham mưu UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh xem xét ban hành nghị quyết sửa đổi hoặc thay thế tại kỳ họp giữa năm để kịp triển khai tổ chức thực hiện trong năm học 2024-2025.

Có thể bạn quan tâm

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

Chuyện về “đại sứ văn hóa đọc” Bùi Phạm Thùy Linh

(GLO)- Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức lễ tổng kết và trao giải Đại sứ văn hóa đọc năm 2024. em Bùi Phạm Thùy Linh-Học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Kim Đồng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) đã đạt giải nhì toàn quốc và giải “Truyện ngắn khuyến đọc hay nhất”.