Đội phản ứng nhanh IT: "Gỡ khó" công nghệ thông tin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhu cầu làm việc, học tập, giao dịch online của người dân trên địa bàn tăng cao. Cũng từ đây, nhiều rắc rối về công nghệ thông tin phát sinh khiến không ít người lúng túng. Nắm bắt thực trạng này, một nhóm kỹ thuật viên công nghệ đã ra mắt “Đội phản ứng nhanh IT” để hỗ trợ từ xa, miễn phí đối với các trường hợp máy tính bị lỗi.   
Cách đây hơn 1 tuần, anh Nguyễn Văn Quý-chủ cửa hàng Bách Khoa (228 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku), có nick Facebook là Quý BK đã đăng tải dòng trạng thái nhận được nhiều sự ủng hộ của bạn bè: “Mình đang cùng các anh em IT lập “Đội phản ứng nhanh IT” để hỗ trợ tất cả các trường hợp lỗi máy tính có thể xử lý qua phần mềm Teamviewer hoặc Ultraviewer. Các anh chị nào cần xử lý sự cố thì nhắn messenger hoặc khu vực phía dưới với cú pháp: Phần mềm đang hỗ trợ+ID+pass: nội dung xử lý (tất cả đều miễn phí). Ví dụ: cần xử lý font chữ mà máy tính đang dùng Teamviewer thì ghi như sau: Teamviewer+ID+pass: hỗ trợ font chữ. Cũng qua đây kính mong các anh em IT ra tay góp sức để cùng xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn”.
Trò chuyện về lý do thành lập “Đội phản ứng nhanh IT”, anh Quý cho hay: Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống. Nhiều Mạnh Thường Quân khắp cả nước đã chung tay góp sức, không bằng cách này thì cách khác để hỗ trợ cộng đồng trên tinh thần tương thân tương ái. “Anh em ngành IT nói chung cũng khá khó khăn nhưng tính ra còn may mắn hơn nhiều người. Vì vậy, mình mong muốn lập “Đội phản ứng nhanh IT” để hỗ trợ các trường hợp lỗi máy tính có thể xử lý qua phần mềm Teamviewer hoặc Ultraviewer. Tất cả đều miễn phí”-anh Quý bày tỏ. Theo đó, Teamviewer hoặc Ultraviewer là các phần mềm truy cập và hỗ trợ từ xa qua internet, được dùng rất nhiều trong trường hợp hỗ trợ khách hàng, đồng nghiệp, bạn bè mà không cần phải có mặt trực tiếp để xử lý vấn đề trên máy tính, giúp công việc trở nên đơn giản, thuận lợi hơn.
Anh Nguyễn Văn Quý luôn nhiệt tình hỗ trợ từ xa, miễn phí đối với những trường hợp gặp khó khi làm việc, học tập online. Ảnh: Lam Nguyên
Anh Nguyễn Văn Quý luôn nhiệt tình hỗ trợ từ xa, miễn phí đối với những trường hợp gặp khó khi làm việc, học tập online. Ảnh: Lam Nguyên
Đến nay, “Đội phản ứng nhanh IT” đã huy động được 10 kỹ thuật viên công nghệ thông tin ở các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, thậm chí có cả một số thành viên ở Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế. Sau 1 tuần ra mắt, đội đã hỗ trợ được khoảng 20 trường hợp gặp các lỗi Window do xung đột phần mềm. Hầu như chưa có ca nào làm khó được đội ngũ này. Chỉ cần ngồi trước màn hình, các kỹ thuật viên có thể kết nối với máy tính hoặc laptop của người cần hỗ trợ khắp các nơi với hiệu quả xử lý đạt khoảng 96%. “Tuy nhiên, nếu là lỗi phần cứng thì chịu thua, vì lỗi này chỉ có thể xử lý trực tiếp trên máy chứ không thể làm từ xa”. 
Một trong những thành viên tích cực của đội là anh Hoàng Ngọc Khánh-Trưởng phòng Công nghệ thông tin Bệnh viện Đại học Y dược-Hoàng Anh Gia Lai. Anh Khánh chia sẻ: “Thời gian qua, tuy khá vất vả với công việc nhưng thấy Quý có ý định thành lập “Đội phản ứng nhanh IT” thì tôi rất ủng hộ, đồng thời kêu gọi thêm một số thành viên trong phòng tham gia. Mùa dịch, ai cũng khó khăn, nhiều người cả tháng chưa được về nhà, sự hỗ trợ của mình chỉ là một phần nhỏ”. Đối tượng được anh “tiếp sức” nhiều nhất là phụ huynh, học sinh gặp khó khi học online với các lỗi thường gặp như: gõ tiếng Việt không được, lỗi font chữ, không biết cách vào các phần mềm học online trên các nền tảng trực tuyến như Google Meet, Zoom, eMeeting hoặc một số phần mềm làm bài tập, chấm điểm online… “Con mình cần hỗ trợ gì khi học online đều có mình, trong khi đó một số phụ huynh không sử dụng máy tính nên rất lúng túng trong việc cùng con học online. Tuy nhiều việc nhưng quan trọng là mình biết cách sắp xếp thời gian để hỗ trợ cho cộng đồng, nhất là giúp các cháu học tốt hơn”-anh Khánh nói. 
Vừa được anh Khánh hỗ trợ xử lý trục trặc về camera trên laptop khiến con gặp khó khi học online, anh Trần Đức Thắng (thôn 3, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) hài lòng cho biết: “Chỉ khoảng 5-10 phút là anh Khánh đã giúp camera hoạt động trở lại. Đây là mô hình rất hay, mong rằng sẽ được duy trì và nhân rộng để giúp được nhiều người hơn trong mùa dịch này”. 
Đó chính là động lực khiến những thành viên của “Đội phản ứng nhanh IT” tiếp tục nhiệt tình hỗ trợ những trường hợp cần sự giúp đỡ. “Vì nhiều người cần mình nên Đội vẫn sẽ cố gắng duy trì hoạt động ngay cả khi gỡ bỏ thực hiện Chỉ thị số 16”-anh Quý khẳng định. 
LAM NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

(GLO)- Chiều 14-11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh.