Đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng trong giai đoạn hiện nay

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- 1. Cách đây 78 năm, Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền trong hành trình hiện thực hóa “Đường Cách mạng” do Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh chỉ lối. Qua mỗi chặng đường, căn cứ vào nhiệm vụ chính trị cụ thể, Đảng ta luôn chủ động đổi mới phương thức lãnh đạo đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn để khẳng định vai trò “nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.

Đặc biệt, từ khi khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới (1986), Đảng đã nhận thức và ngày càng có nhiều quyết sách hợp lý trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Bước tiến quan trọng là Đảng ta đã nhận thức ngày càng toàn diện, rõ ràng, sâu sắc hơn và ngày càng trưởng thành hơn không chỉ trong hoạch định nội dung lãnh đạo, phạm vi lãnh đạo mà còn linh hoạt, sáng tạo, đa dạng và hiệu quả hơn trong thực thi phương thức lãnh đạo đối với Nhà nước nói riêng và toàn bộ Hệ thống chính trị nói chung.

Các cơ quan lãnh đạo của Đảng đã nêu cao vai trò lãnh đạo, quyết định những vấn đề trọng yếu của đất nước, bảo đảm sự lãnh đạo tập trung thống nhất, khắc phục dần tình trạng ôm đồm, bao biện, hoặc buông lỏng, phiến diện. Từng bước nâng cao chất lượng các quyết sách, đổi mới quy trình ra Nghị quyết, cải tiến lề lối làm việc, phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm cá nhân, củng cố và phát huy các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng; từng bước hoàn thiện mô hình tổ chức Nhà nước-phân công, phối hợp giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, coi trọng kiểm soát quyền lực nhà nước; giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, quan hệ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân… Nhờ đó thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của Nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Ảnh nguồn internet

Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Ảnh nguồn internet

Trong thời kỳ mới, sự phong phú về quy mô, tốc độ và chiều sâu của công cuộc phát triển đất nước đòi hỏi Đảng ta “phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Trong đó, “tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”, bảo đảm vừa nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, vừa phát huy tính chủ động, tinh thần trách nhiệm của Nhà nước, Mặt trận, các đoàn thể nhân dân và người đứng đầu các cấp; khắc phục khuynh hướng buông lỏng lãnh đạo hoặc bao biện làm thay; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thắt chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

2. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững đất nước, có thể phân tích từ nhiều chiều cạnh, bao hàm nhiều nội dung; Từ góc độ xây dựng và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền, phải chăng cần tập trung vào các giải pháp sau:

Thứ nhất, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức của toàn Đảng về hệ các quan điểm đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải xuất phát từ chủ trương "đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới" mà Nghị quyết Đại hội các kỳ của Đảng đã đề ra. Nội dung cơ bản là xác định đúng, phân định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ và mối quan hệ giữa Đảng với các tổ chức quyền lực khác trong hệ thống chính trị, đặc biệt là với Nhà nước trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Gắn việc xây dựng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với việc tinh gọn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng phải gắn liền với với việc nâng cao trình độ trí tuệ của đội ngũ cán bộ, đảng viên; thực hành dân chủ trong Đảng và dân chủ hóa trong đời sống xã hội. Hệ thống tổ chức bộ máy đảng, bản lĩnh, trình độ và phong cách lãnh đạo của người đứng đầu cấp ủy có ảnh hưởng quan trọng đến phương pháp lãnh đạo, lề lối và phong cách làm việc của cấp ủy và tổ chức đảng.

Vì thế, cùng với việc bảo đảm tuyển chọn được những thủ lĩnh chính trị đúng tầm, có tâm cần kịp thời cụ thể hóa, thể chế hóa quan điểm, chủ trương đổi mới phương thức lãnh đạo thành quy chế, quy trình công tác cho mọi vị trí công việc, loại hình hoạt động trong bộ máy. Đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng phải đặt trong mối liên hệ của sự phát triển khoa học lãnh đạo, quản lý và điều kiện, phương tiện kỹ thuật phục vụ sự lãnh đạo. Lấy hiệu quả của việc tổ chức thực hiện đường lối chính trị, sự trưởng thành toàn diện của Đảng, của hệ thống chính trị, trình độ phát triển dân chủ của xã hội, mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân làm thước đo quyết định sự thành công của việc đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng. Các cấp ủy, các tổ chức đảng từ Trung ương tới Chi bộ, mỗi đảng viên phải lấy đó làm tiêu chí để tự soát xét, đánh giá mình, từ đó chủ động điều chỉnh kịp thời phương pháp, hình thức công tác phù hợp với công việc, tình huống cụ thể.

Thứ hai, thực hành đồng bộ nguyên tắc Đảng cầm quyền với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, không ngừng hoàn thiện cơ chế vận hành của hệ thống chính trị, bảo đảm quyền lực thuộc về Nhân dân. Đảng lãnh đạo toàn diện đất nước và chịu trách nhiệm về mọi thành công, thiếu sót trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự lãnh đạo của Đảng là để đảm bảo quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước là điều kiện bảo đảm cho Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân. Đảng không buông lỏng sự lãnh đạo, nhưng cũng không đứng trên Nhà nước, không độc đoán mà phải thực thi chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo của mình thật sự dân chủ, theo khuôn khổ pháp luật. Đảng lãnh đạo các lĩnh vực của đời sống xã hội chủ yếu thông qua vai trò và sự phát huy hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy hiệu lực quản lý của Nhà nước và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân là thống nhất. Theo đó, mấu chốt là phải phân định rõ chức năng của Đảng và của Nhà nước, của các tổ chức đoàn thể; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, biện pháp phát huy dân chủ, ngăn ngừa, khắc phục sai lầm, hết sức chăm lo thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, phát huy mạnh mẽ trí tuệ, nghị lực và năng lực sáng tạo to lớn của Nhân dân. Một trong những vấn đề cốt yếu trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là xây dựng phương pháp, cách thức quản lý nhà nước bằng pháp luật, tuân thủ luật pháp, nêu cao vai trò của pháp chế, yêu cầu mọi tổ chức, mọi công dân đều tôn trọng và tuân thủ pháp luật, phục vụ và bảo vệ tốt nhất lợi ích của Nhân dân, của đất nước. Cần đặc biệt lưu ý rằng, ngày nay, dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học-công nghệ lần thứ tư, nền kinh tế thế giới đã có sự đổi căn bản ở tầng sâu sản xuất vật chất, kéo theo sự thay đổi kết cấu kinh tế, cơ cấu xã hội; cùng với đó kinh tế thị trường càng phát triển gắn với toàn cầu hóa, sự xuất hiện đa chủ thể và đề cao sự hợp tác giữa các chủ thể, cả công và tư, cả trong nước và quốc tế tham gia giải quyết các vấn đề của cộng đồng, tập thể.

Vì thế mô hình, phương thức quản lý xã hội theo kiểu truyền thống-nhà nước duy nhất quyết định và làm mọi việc, phải đổi thay theo hướng là một thành tố đóng vai trò cụ thể hóa tầm nhìn, định hướng phát triển, kiến tạo thể chế cho sự phát triển; là tạo ra luật chơi, sân chơi và cả người chơi phù hợp trong hành trình phát triển quốc gia; chia sẻ, tham gia giải quyết các vấn đề an ninh, giữ gìn hòa bình thế giới. Dĩ nhiên, ở Việt Nam, Nhà nước pháp quyền XHCN phải tạo lập và từng bước hoàn thiện thể chế, cơ chế để người dân có thể giám sát chính quyền thông qua việc tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; thực hiện phân cấp, phân quyền trong quản trị quốc gia, quản trị địa phương, bảo đảm vừa thống nhất, vừa phát huy tính chủ động, linh hoạt; cải thiện khả năng chống chịu, sức đề kháng trước những “thất bại của thị trường”; là bộ máy tinh gọn-Chính phủ số, hiện đại, cạnh tranh hiệu quả; bảo đảm hiệu lực quản lý công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Thứ ba, tập trung giải quyết mối quan hệ giữa phát triển xã hội với việc mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho mỗi người dân. Chủ nghĩa xã hội là một chế độ xã hội trong đó tạo lập những điều kiện cần thiết để nhận thức và giải quyết hài hòa mối quan hệ cá nhân-xã hội; là sự thể hiện cách ứng xử có lý, có tình trong các mối quan hệ giữa con người với con người ở nhiều cấp độ. Trong xã hội ấy số lượng và chất lượng lao động của từng người là thước đo mức độ thỏa mãn nhu cầu của họ, đồng thời cơ chế phân bổ giá trị-cái cơ chế mà nhà nước và xã hội đồng thuận tạo lập, thực thi, đến lượt nó sẽ góp phần giải quyết nhu cầu lợi ích của cá nhân và xã hội-cái có thể góp phần tạo lập động lực hoặc triệt tiêu động lực của mọi cấp độ chủ thể.

Một thể chế thúc đẩy sự phát triển cùng cơ chế phân bổ giá trị hợp lý sẽ góp phần giải quyết hài hòa nhu cầu, lợi ích cá nhân và nhu cầu, lợi ích cộng đồng. Mỗi một cá nhân hoàn thiện, từ góc độ này phải là những con người nhận thức và tự điều tiết để bảo đảm hài hòa các mối quan hệ cơ bản đó. Và, khi đạt đến điều đó cũng có nghĩa là con người đã đạt tới đạo đức mới-nhân văn, nhân bản. Ngược lại, chỉ chăm lo và tuyệt đối hóa nhu cầu lợi ích của mình mà không quan tâm đến nhu cầu lợi ích của người khác và của cộng đồng là cội nguồn sâu xa của chủ nghĩa cá nhân. Đương nhiên, xã hội công bằng, văn minh là kết quả của những phong trào hiện thực, kết quả của những hoạt động thực tiễn của các cộng đồng người-giai cấp, dân tộc, quốc gia với những thể chế, thiết chế và những con người cụ thể đang “nhận thức cái tất yếu và hành động theo cái tất yếu đã được nhận thức”.

Có thể bạn quan tâm

Phát biểu của Tổng Bí thư tại Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại TW

Phát biểu của Tổng Bí thư tại Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Ban Đối ngoại TW

(GLO)- Sáng 28-10, tại Hà Nội, Ban Đối ngoại Trung ương tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống (1/11/1949-1/11/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm. Báo Gia Lai điện tử trân trọng giới thiệu nội dung phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh: Giữ vững truyền thống kiên trung, bất khuất

Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai: Giữ vững truyền thống kiên trung, bất khuất

(GLO)- Với phẩm chất kiên trung, bất khuất, các cựu tù chính trị yêu nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai luôn là tấm gương sáng để truyền lửa cách mạng cho thế hệ trẻ. Và, Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh là nơi gắn kết nghĩa tình, tích cực chăm lo đời sống hội viên.

Ngành Tổ chức xây dựng Đảng quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Ngành Tổ chức xây dựng Đảng quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

(GLO)- Với vai trò là cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên và bảo vệ chính trị nội bộ, những năm qua, ngành Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Gia Lai: Không để lọt vào cấp ủy các cấp những cán bộ có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực

Gia Lai: Không để lọt vào cấp ủy các cấp những cán bộ có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực

(GLO)- 

Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng-chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại Hội nghị giao ban công tác phòng-chống tham nhũng, tiêu cực 9 tháng, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm. 

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai

(GLO)-

Sáng 26-9, Đoàn Kiểm tra 1355-QĐNS/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng do Thượng tướng Trịnh Văn Quyết-Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai.

Đak Đoa chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ

Đak Đoa chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ

(GLO)- Công tác cán bộ là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Vì vậy, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Đảng bộ huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Trẻ hóa cấp ủy chi bộ khu dân cư: “Làn gió mới” trong các phong trào ở cơ sở

Trẻ hóa cấp ủy chi bộ khu dân cư: “Làn gió mới” trong các phong trào ở cơ sở

(GLO)- Thời gian qua, Đảng bộ huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng trẻ hóa đội ngũ cấp ủy chi bộ khu dân cư. Với sự nhiệt tình, trách nhiệm, ham học hỏi và chủ động ứng dụng công nghệ số trong giải quyết công việc, đội ngũ này đã tạo ra “làn gió mới” trong các phong trào ở cơ sở.