“Đôi bạn cùng tiến” xuất thân từ nghèo khó

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tương đồng về hoàn cảnh, sở thích và cả tính cách không khuất phục trước thử thách, Đặng Quốc Cường và Lê Văn Trường (lớp 12C8) nhanh chóng trở thành “đôi bạn cùng tiến”. Các em đã chung tay viết nên câu chuyện đẹp về tinh thần vượt khó học giỏi ở Trường THPT chuyên Hùng Vương.

Quyết tâm vào trường chuyên

Sinh ra trong gia đình nghèo khó ở xã Hà Ra (huyện Mang Yang), từ nhỏ, Lê Văn Trường đã cố gắng học tập với mục tiêu là đạt được sự thành công trong tương lai, mang đến cuộc sống sung túc hơn cho cha mẹ. Suốt những năm tiểu học và THCS, Trường luôn là một trong những học sinh xuất sắc tiêu biểu của trường; thành tích học tập và tham gia phong trào thi đua đứng đầu toàn khối.

“Tuy nhiên, đến năm lớp 9, gia đình em gặp biến cố lớn. Tất cả tiền của tích góp được đều dồn vào trả nợ. Hai người chị khi ấy, một người là sinh viên năm thứ 3, một sắp bước vào đại học đều phải dừng đến trường, nhường cơ hội học tập lại cho em. Mẹ em sau đó bệnh tim trở nặng, mọi gánh nặng đổ dồn lên đôi vai của ba với số tiền bốc vác thuê ít ỏi ở Bình Phước. Vậy nên, có những lúc, em tưởng chừng mình cũng phải dừng chuyện học”-Trường bộc bạch.

Em Lê Văn Trường và Đặng Quốc Cường (thứ 1, 2 từ trái sang) nhận giấy khen của Giám đốc Sở GD-ĐT tại buổi tuyên dương các đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022-2023. Ảnh: Mộc Trà

Em Lê Văn Trường và Đặng Quốc Cường (thứ 1, 2 từ trái sang) nhận giấy khen của Giám đốc Sở GD-ĐT tại buổi tuyên dương các đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022-2023. Ảnh: Mộc Trà

Được sự giúp đỡ, cưu mang của một Mạnh Thường Quân trong xã, Trường an tâm tiếp tục đến lớp. Năm đó, em là học sinh duy nhất mang về thành tích cho huyện Mang Yang ở bộ môn Toán tại kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp tỉnh với giải khuyến khích. Và cũng trong chính thời gian lên TP. Pleiku “tranh tài”, cậu học sinh ở xã nghèo biết đến ngôi trường mang tên THPT chuyên Hùng Vương, rồi ấp ủ quyết tâm vào đây học tập.

Trường chia sẻ, ban đầu, khi biết ý định thi vào trường chuyên của em, gia đình không đồng ý. Bởi lẽ, cha mẹ lo lắng khi em phải học xa nhà và còn bởi nhiều khoản chi phí đắt đỏ nơi thành phố phải lo toan. Thế nhưng, em vẫn nuôi quyết tâm bước ra khỏi “ao làng”.

Trường nhớ lại: Trong một lần lên mạng tìm hiểu thông tin hỗ trợ tuyển sinh của Trường THPT chuyên Hùng Vương, em tình cờ thấy số điện thoại cá nhân của cô Lê Thị Thu-Hiệu trưởng nhà trường. Em mạnh dạn nhắn tin cho cô trình bày gia cảnh và nêu nguyện vọng của bản thân. Sau khi trả lời tin nhắn, cô trò còn gọi điện thoại trao đổi với nhau.

Không chỉ lắng nghe, thấu hiểu mà cô Thu còn phân tích, định hướng cho em. Cô cũng hứa sẽ tìm kiếm nguồn lực để hỗ trợ nếu em thi đỗ vào trường. Hôm sau cũng là ngày cuối cùng hết thời hạn nộp hồ sơ, mẹ chở em vượt gần 60 km từ nhà lên trường đăng ký. Rồi chỉ trong khoảng thời gian 7 ngày, em đã cố gắng ôn luyện và thi đỗ vào trường.

Tương tự, em Đặng Quốc Cường cũng xuất thân từ một gia đình cận nghèo ở xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh. Sau nhiều năm cây hồ tiêu chết hàng loạt rồi rớt giá, gia đình Cường cũng rơi vào cảnh lao đao, túng quẫn. Có thời điểm, ba mẹ Cường đã tính đến chuyện đưa cả nhà trở về Hoài Nhơn (Bình Định) để tìm kế sinh nhai.

Cũng giống như Trường, Cường sớm ý thức được rằng chỉ có chăm chỉ học tập mới mang lại cho mình cơ hội thoát khỏi nghèo khó. Vì thế, Cường luôn làm gương cho 2 em gái và chưa bao giờ để ba mẹ phải phiền lòng về chuyện học hành. Với Cường, thi đỗ vào trường chuyên để học tiếp THPT là mục tiêu được em đặt ra từ khá sớm.

“Năm lớp 9, nhờ sự giúp đỡ của thầy Lê Viết Độ-giáo viên Trường THCS Hà Huy Tập nơi em theo học, em đã tích cực ôn tập để có thể thi tuyển vào trường chuyên. Ban đầu, theo dự định của ba mẹ, em nộp hồ sơ thi vào Trường THPT chuyên Chu Văn An ở thị xã Hoài Nhơn cho gần gia đình. Thế nhưng sau đó, em đã quyết định ở lại Gia Lai và chuyển hướng sang Trường THPT chuyên Hùng Vương. Lúc bấy giờ, ba mẹ đều tôn trọng quyết định của em nhưng em cảm nhận được họ đang rất lo lắng về những ngày tháng sắp tới khi phải đối diện với những khoản chi phí học tập, sinh hoạt khá lớn của các con”-Cường tâm sự.

Cùng yêu Toán, rẽ sang Tin và thu “quả ngọt”

Vì đam mê với những con số nên cả Trường và Cường đều quyết định đăng ký thi nguyện vọng 1 vào lớp chuyên Toán. Thế nhưng, cả 2 lại trượt nguyện vọng 1 và cùng đậu nguyện vọng 2 vào lớp chuyên Tin học. “Lúc đó, em có chút buồn nhưng không sao, miễn là trúng tuyển vào trường là em đã rất hạnh phúc”-Trường phấn khởi nói.

“Đôi bạn cùng tiến” Đặng Quốc Cường (bìa phải) và Lê Văn Trường luôn chia sẻ, giúp đỡ nhau trong học tập. Ảnh: M.T

“Đôi bạn cùng tiến” Đặng Quốc Cường (bìa phải) và Lê Văn Trường luôn chia sẻ, giúp đỡ nhau trong học tập. Ảnh: M.T

Cô Lê Thị Thu-Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương: Nắm bắt được hoàn cảnh của Trường và Cường, Ban Giám hiệu nhà trường và các giáo viên đã tìm cách hỗ trợ để 2 em yên tâm học tập. Theo đó, chúng tôi đã kết nối với chị Nguyễn Thị Mỹ Hiệp-Giám đốc Văn phòng Tổng Đại lý Prudential Gia Lai. Với tư cách cá nhân, chị Hiệp đã hỗ trợ mỗi em 1 triệu đồng/tháng, tặng laptop cũ; đồng thời, chi trả chi phí ăn, ở tại khu trọ gần trường cho 2 em trong 3 năm. Nhà trường cũng thường xuyên động viên, tạo điều kiện tốt nhất để các em phát huy tinh thần vượt khó hiếu học và có được tương lai tươi sáng hơn.

Được sắp xếp vào cùng lớp, lại tương đồng về hoàn cảnh, sở thích lẫn tính cách, 2 em đã nhanh chóng trở thành đôi bạn thân, luôn chia sẻ và giúp đỡ nhau trong học tập cũng như cuộc sống. Tình bạn càng khăng khít hơn khi vài tháng sau, Cường chuyển về cùng trọ học với Trường tại Tu viện Dòng Mến Thánh Giá (44 Hùng Vương, TP. Pleiku) với sự hỗ trợ 100% chi phí ăn ở từ một Mạnh Thường Quân do nhà trường kết nối.

“Năm lớp 10, được thầy Lê Văn Trường-Tổ trưởng Tổ Tin học-tin tưởng đề xuất tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi môn Tin học của trường, cả 2 chúng em đều cảm thấy do dự bởi còn yêu Toán, không biết mình có đủ năng lực để theo đuổi “đỉnh cao” kiến thức của Tin học hay không. Hơn nữa, khi còn học THCS, chúng em không có nhiều cơ hội tiếp cận với môn học này, kể cả máy vi tính; mọi thứ dường như là một con số 0 tròn trĩnh. Nhưng rồi, sau khi suy nghĩ kỹ và được thầy động viên, cả em và Trường đều đồng ý thử thách bản thân”-Cường chia sẻ.

Thế rồi, Cường khởi động hành trình chinh phục môn Tin học bằng những dòng code đầu tiên trên chiếc laptop cũ của người anh họ. Còn Trường, dù chưa có phương tiện nhưng vẫn tích cực tập lập trình trên điện thoại di động hay ngồi hàng giờ trên máy tính ở phòng thực hành của trường. Không những thế, cả 2 còn tích cực trau dồi thêm khả năng tiếng Anh để có thể dễ dàng nghiên cứu tài liệu và học tập bộ môn Tin học.

Thử thách đầu tiên mà 2 em cùng nhau chinh phục là cuộc thi Olympic truyền thống 30-4 tại TP. Hồ Chí Minh. Với quyết tâm cao, Trường mang về huy chương đồng, riêng Cường chưa được ghi nhận thành tích. Gạt nỗi buồn sang một bên, Trường động viên bạn rồi cùng Cường tiếp tục nỗ lực trên hành trình chinh phục kiến thức và rèn luyện kỹ năng.

Năm lớp 11 và lớp 12, “đôi bạn cùng tiến” tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, Cường đạt được 2 giải ba, 1 giải khuyến khích; còn Trường đạt 1 giải nhất, 1 giải ba và 1 giải khuyến khích. Đáng chú ý, cả 2 cùng được chọn vào đội tuyển bồi dưỡng để dự thi học sinh giỏi cấp quốc gia môn Tin học. Sau nhiều cố gắng và nỗ lực, Trường và Cường đã thu được những “trái ngọt”.

“Tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022-2023 vừa qua, em may mắn đạt giải ba. Thành tích này có thể là chưa cao, song với em nó là một dấu mốc quan trọng, là tiền đề để em tiếp tục vững tin vào lựa chọn của chính mình”-Cường trải lòng.

Hai em Đặng Quốc Cường (ngồi phía trong) và Lê Văn Trường tham gia bồi dưỡng kiến thức lập trình Tin học cùng giáo viên. Ảnh: Mộc Trà

Hai em Đặng Quốc Cường (ngồi phía trong) và Lê Văn Trường tham gia bồi dưỡng kiến thức lập trình Tin học cùng giáo viên. Ảnh: Mộc Trà

Nghe bạn chia sẻ với ánh mắt lấp lánh vui, Trường cho hay: Dù em chưa có giải tại cuộc thi cấp quốc gia nhưng em rất mừng với thành tích mà Cường đạt được vì bạn đã cố gắng và tiến bộ rất nhiều. Riêng em, ngoài theo đội tuyển học sinh giỏi, em còn thử sức với cuộc thi khoa học kỹ thuật, STEM và đạt được 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải tư; đồng thời, tham gia nhiều giải thi đấu thể thao do ngành và thành phố tổ chức. Đặc biệt, em rất vui khi trong năm học vừa qua, em với Cường đã cùng nhau chinh phục ngôi vị cao nhất tại cuộc thi Tin học trẻ cấp tỉnh và giành được tấm vé tham dự cuộc thi cấp quốc gia tại Đà Nẵng. Rồi tại kỳ thi lập trình do UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phát động (Hue-ICT), em và bạn ấy cùng giành được giải ba…

Suốt 3 năm qua, cả 2 đã cùng nhau vượt khó học tập, đạt được những thành tích nhất định và cùng nhau trưởng thành. Có được kết quả này, ngoài sự nỗ lực của bản thân, em và Cường rất biết ơn nhà trường, thầy cô và các Mạnh Thường Quân đã luôn đồng hành, “chắp cánh” ước mơ cho chúng em.

Tuy Cường đã giành được 1 tấm vé tuyển thẳng vào đại học nhưng em vẫn cùng Trường đặt ra mục tiêu đạt kết quả cao tại kỳ thi tốt nghiệp THPT; tiếp tục chinh phục đam mê với ngành Công nghệ thông tin tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh). “Nguyện vọng là thế nhưng em vẫn đắn đo về các khoản học phí, chi phí sinh hoạt khi vào đại học. Vậy nên có thể, em sẽ chọn một trường sư phạm để theo học cùng chuyên ngành”-Cường thủ thỉ. Còn Trường thì chia sẻ: “Em đang viết bài luận để săn học bổng toàn phần của Trường Đại học FPT. Nếu thành công, đây sẽ là cơ hội tốt để em viết tiếp ước mơ của mình”.

Có thể bạn quan tâm

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.