Độc đáo lễ mừng lúa mới của người Jrai làng Ó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San phối hợp với Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Chư Prông vừa tổ chức phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở làng Ó (xã Ia Vê). Với định hướng dựa vào văn hóa để phát triển du lịch, lễ mừng lúa mới nhằm bảo tồn, quảng bá sản phẩm văn hóa độc đáo thu hút du khách.
Tạ ơn mẹ Lúa
Lễ mừng lúa mới được phục dựng trên tinh thần tôn trọng những nghi thức truyền thống của người Jrai, do hội đồng già làng hành lễ. Được mời làm chủ lễ, già làng Rơ Lan Tôm (làng Ó) cho biết, đây là lễ hội gắn bó với đời sống văn hóa tinh thần của cư dân nông nghiệp, được duy trì hàng năm sau khi lúa thóc về đầy kho, đánh dấu một mùa nương rẫy kết thúc. Khi cửa kho đã cài chặt, người Jrai sẽ làm lễ mừng lúa mới, tạ ơn thần linh đã ban cho dân làng mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no. Đây cũng là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Jrai, thường được tổ chức vào những tháng cuối năm.
Tái hiện lễ mừng lúa mới trong khuôn khổ gia đình, trước những lễ vật tạ ơn mẹ Lúa, già làng Rơ Lan Tôm cất giọng khấn Yàng một cách trang trọng bằng tiếng mẹ đẻ. Một phần nội dung khấn Yàng được dịch nghĩa như sau: “Hôm nay, tôi cúng Yàng nơi núi rừng và nơi tôi đang sống, cầu xin sức khỏe cho gia đình cũng như dân làng, xin cho thóc lúa luôn đầy kho, cuộc sống ấm no, hòa thuận, hạnh phúc. Tôi gọi các Yàng từ núi Chư Tung, Chư Răng, cổng trời (Mang Yang)… trong buổi cúng Yàng hôm nay, các Yàng sẽ gặp lại nhau đoàn viên đầy đủ ở nơi này. Tôi gọi các Yàng từ khắp núi rừng, từ những dòng sông, dòng suối, ruộng đồng… về đây ăn lúa mới và uống rượu, phù hộ cho dân làng thóc lúa đầy kho, đầy bắp ngô và vật nuôi đầy nhà, có nhiều của cải chăm lo cho gia đình, cuộc sống luôn tốt đẹp, chăn nuôi con vật sinh sôi phát triển, kinh tế gia đình ngày càng đi lên”. Sau nghi lễ của hội đồng già làng, người dân làng Ó hòa mình vào vòng xoang và nhịp chiêng trong ngày hội. Mọi người quây quần bên ghè rượu cùng chia sẻ niềm vui được mùa, hưởng thành quả lao động sau một mùa vụ gieo trồng.
Các nghệ nhân trình diễn cồng chiêng trong lễ mừng lúa mới ở làng Ó (xã Ia Vê, huyện Chư Prông). Ảnh: Hoàng Ngọc
Các nghệ nhân trình diễn cồng chiêng trong lễ mừng lúa mới ở làng Ó (xã Ia Vê, huyện Chư Prông). Ảnh: Hoàng Ngọc
Tại lễ mừng lúa mới ở làng Ó, đội cồng chiêng làng O Ngol đã đến giao lưu bài chiêng “Pơ thi”, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng. Lễ pơ thi và mừng lúa mới là 2 lễ hội lớn nhất trong năm vẫn được cư dân bản địa duy trì hàng năm. Đây là những lễ hội hội tụ đầy đủ giá trị văn hóa độc đáo của cư dân nông nghiệp, gắn bó mật thiết với quá trình lao động, sản xuất và ứng xử đầy nhân văn giữa con người với con người.
Dựa vào văn hóa để phát triển du lịch
Khi hai ngôi làng cạnh nhau trình diễn những bài nhạc chiêng truyền thống tiêu biểu, mọi người đã nhìn thấy thực tế sống động của mạch nguồn văn hóa được gìn giữ và phát huy qua trang phục truyền thống, qua những bộ cồng chiêng được gìn giữ cẩn thận, và di sản âm nhạc cồng chiêng được thế hệ trẻ tiếp nối, trình diễn một cách đầy tự hào. Những sắc màu ấy đã dệt gấm thêu hoa cho bức tranh văn hóa ở mỗi cộng đồng, và chủ nhân ngày hội luôn ý thức mạnh mẽ vai trò cá nhân đối với sức sống trường tồn của di sản văn hóa. Em Kpuih Long-đội xoang làng O Ngol chia sẻ: “Làng em sang đây giao lưu một bài trong lễ pơ thi nhưng phải chuẩn bị từ nhiều ngày trước. Đàn ông trong làng mang bộ chiêng quý ra tập luyện, chỉnh chiêng cho đúng. Phụ nữ thì kiểm tra lại toàn bộ trang phục truyền thống cho cả nam và nữ. Sáng nay, cả đội dậy sớm để mặc váy áo và trang điểm thật đẹp. Em rất háo hức mỗi dịp đi giao lưu với các làng như thế này và luôn tự hào vì người Jrai có những lễ hội văn hóa đặc sắc. Những giá trị văn hóa của mình mà mình không tự giữ lấy thì chẳng ai giữ cho mình cả”.
Cuộc giao lưu giữa 2 làng đang ở hồi cao trào thì già làng Rơ Lan Tôm hào hứng hát dân ca. Giọng hát chắc khỏe, ấm áp của già làng Tôm vang lên giữa thanh âm của cồng chiêng, của những vòng xoang nhịp nhàng. Già làng Ó tự hào: “Người Jrai dù tổ chức lễ hội trong phạm vi gia đình luôn có sự chung vui của cả cộng đồng. Vì vậy, dân tộc Jrai từ xa xưa vẫn là một cộng đồng đoàn kết”.
Thế hệ trẻ làng Ó hiểu hơn các giá trị văn hóa truyền thống qua lễ mừng lúa mới. Ảnh: Hoàng Ngọc
Thế hệ trẻ làng Ó (xã Ia Vê, huyện Chư Prông) hiểu hơn các giá trị văn hóa truyền thống qua lễ mừng lúa mới. Ảnh: Hoàng Ngọc
Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San Nguyễn Ngọc Long cho biết: “Phục dựng “lễ mừng lúa mới” là dịp để chúng ta nhìn lại một phần thực tế phong phú, đa dạng các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của người Jrai, qua đó bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa truyền thống một cách đúng hướng. Hoạt động này giúp những chủ nhân văn hóa có ý thức gìn giữ trong quá trình kế thừa và phát huy giá trị di sản cha ông để lại. Với tinh thần dựa vào văn hóa để phát triển du lịch, phục dựng các lễ hội truyền thống của các dân tộc còn góp phần quảng bá các giá trị đặc biệt của “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” để thu hút du khách”.
Phục dựng nghi thức, nghi lễ của đồng bào dân tộc thiểu số là hoạt động hàng năm của Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.