Độc đáo lễ cúng kết nghĩa của người Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hiện nay, cộng đồng người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) vẫn giữ được nhiều nghi lễ độc đáo. Trong đó, lễ cúng kết nghĩa buôn làng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Cuối tháng 7 vừa qua, Phòng Kinh tế, Hạt Kiểm lâm, Điện lực và Agribank Chi nhánh thị xã Ayun Pa Gia Lai tiến hành kết nghĩa với buôn Hiao, xã Chư Băh. Ngay sau khi thực hiện xong các bước theo thủ tục hành chính, lễ cúng theo phong tục của đồng bào Jrai diễn ra trước sự chứng kiến của các bên liên quan và đông đảo bà con trong buôn. Thầy cúng Nay Kai đại diện dân làng thực hiện nghi lễ.

Thầy cúng Nay Kai thực hiện nghi thức cúng kết nghĩa. Ảnh: Vũ Chi

Thầy cúng Nay Kai thực hiện nghi thức cúng kết nghĩa. Ảnh: Vũ Chi

Theo ông Kai, từ xa xưa, người Jrai đã có tập tục này nhưng thường là kết nghĩa giữa 2 người, 2 gia đình. Đây là lần thứ 2 lễ cúng kết nghĩa giữa các cơ quan của thị xã Ayun Pa với buôn làng được tổ chức. Dù quy mô có khác nhau song việc kết nghĩa đều phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, không bên nào ép buộc bên nào với mục đích giúp cho những người xa lạ trở thành bạn bè thân thiết, coi nhau như anh em một nhà, có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu, khi có việc khó khăn thì sẵn sàng giúp đỡ nhau, không tính toán thiệt hơn.

Với truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, người dân buôn Hiao coi lễ kết nghĩa là việc chung nên ai nấy đều có mặt tại nhà sinh hoạt cộng đồng từ rất sớm để cùng nhau chuẩn bị lễ vật. Lễ vật có thể nhiều hoặc ít nhưng bắt buộc phải có 1 con gà trống và 2 ghè rượu. Con gà trống không được cắt tiết, không nhổ lông bằng nước sôi mà phải thui và nướng trên bếp lửa. Khi mọi việc đã chuẩn bị xong, trước sự chứng kiến của đông đủ dân làng, các bên kết nghĩa cùng ngồi quây quần bên mâm lễ vật, thầy cúng Nay Kai bắt đầu tiến hành nghi lễ.

Mở đầu là nghi thức cúng Yàng. Giọng thầy cúng vang lên: Ơi Yàng trời, Yàng đất, Yàng núi, Yàng sông… hãy về đây nhận lễ vật và chứng giám cho lễ kết nghĩa anh em giữa Phòng Kinh tế, Hạt Kiểm lâm, Điện lực, Agribank Chi nhánh thị xã Ayun Pa Gia Lai và buôn Hiao. Hai bên đã thực sự tốt cái bụng với nhau nên hôm nay làm lễ báo với các Yàng. Kể từ nay, 2 bên là anh em một nhà, sướng khổ cùng nhau, giúp nhau xây dựng buôn làng ấm no, giàu đẹp, ơi Yàng!

Sau bài cúng là nghi thức trao vòng đồng cho các bên tham gia kết nghĩa. Người Jrai quan niệm vòng đồng như một tín vật biểu tượng cho sự thủy chung. Khi đã trao vòng cho nhau rồi thì 2 bên sẽ luôn hướng về nhau, giúp đỡ, che chở cho nhau và không thể tách rời.

Nếu sau này, 4 cơ quan tại thị xã dừng việc kết nghĩa với buôn để hỗ trợ địa phương khác thì buôn sẽ tổ chức lễ chia tay. Khi chiếc vòng đồng được tháo ra có nghĩa các bên không còn ràng buộc với nhau nữa. Kết thúc nghi lễ, thầy cúng mời các bên kết nghĩa và bà con dân làng cùng nhau uống rượu ghè, thưởng thức các món ăn.

Thầy cúng Nay Kai lần lượt đeo vòng đồng cho các bên tham gia kết nghĩa. Ảnh: V.C

Thầy cúng Nay Kai lần lượt đeo vòng đồng cho các bên tham gia kết nghĩa. Ảnh: V.C

Cảm động trước tình cảm chân thành của bà con buôn Hiao, ông Nguyễn Thanh Quang-Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ayun Pa-cho biết: Lễ cúng kết nghĩa được tổ chức trang trọng, thể hiện tâm tư, nguyện vọng, lối sống hòa đồng của bà con trong buôn. Qua đó, các đơn vị ý thức hơn vai trò, trách nhiệm của mình.

Theo kế hoạch, năm 2024, buôn Hiao phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, buôn mới hoàn thành 17 tiêu chí, còn 2 tiêu chí chưa đạt gồm bảo hiểm y tế và tổ chức sản xuất. Buôn còn 5 hộ nghèo và 11 hộ cận nghèo.

Vì vậy, trên cơ sở giao ước kết nghĩa đã ký kết, trước mắt, 4 cơ quan tặng 5 suất quà (500 ngàn đồng/suất) cho trẻ em mồ côi và 355 thẻ bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Thời gian tới, 4 cơ quan sẽ giữ mối liên hệ chặt chẽ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của người dân, qua đó phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; huy động nguồn lực giúp đỡ cây-con giống, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, từng bước giúp người dân thoát nghèo.

Theo bà Đặng Thị Thanh Vân-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã Ayun Pa, trong xu thế phát triển của xã hội hiện nay, những sinh hoạt văn hóa truyền thống của cộng đồng người Jrai có thể xem là báu vật. Việc lưu giữ và bảo tồn báu vật ấy sẽ giúp thế hệ mai sau hiểu hơn, tự hào hơn về văn hóa của dân tộc mình.

Đối với người Jrai tại Ayun Pa, cuộc sống của họ mang tính cộng đồng, tập thể cao. Lễ kết nghĩa là phong tục lâu đời, không thể thiếu trong đời sống tâm linh của bà con. Đây là nghi lễ có ý nghĩa nhân văn, mang tính giáo dục cộng đồng; qua đó góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để cùng nhau phát triển theo đúng tinh thần Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 5-12-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Có thể bạn quan tâm

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

(GLO)- Cứ mỗi buổi sinh hoạt, khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Âm thanh quen thuộc ấy đến từ đôi tay nhỏ bé của các em học sinh thuộc Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của trường.

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

(GLO)- Không chỉ dệt thổ cẩm giỏi, chị Rah Lan H’Nghí (SN 1988, buôn Toát, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) còn nhiệt tình chỉ dạy cho chị em trong buôn để góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Là gốm nhưng không phải... gốm

Là gốm nhưng không phải... gốm

Sau thời gian dài thực nghiệm, nghệ nhân Đỗ Hữu Triết (51 tuổi, ngụ 66 Chi Lăng, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) sáng tạo thành công chất liệu mới có tên Việt kim diêu có thể đáp ứng nhu cầu sáng tạo nghệ thuật với nhiều đặc tính ưu việt.