Độc đáo chợ nổi lúc mờ sương trên phá Tam Giang, mặt trời lên là... tan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khu chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh trên phá Tam Giang (xã Quảng Lợi, H.Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) được biết đến với các loại thủy sản vùng nước lợ trù phú. Khi trời sáng, ngư dân đã bán sạch thúng, thu xếp ngư lưới cụ trở về nhà...

Tam Giang, hệ đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á, được thiên nhiên ưu ái rất nhiều loài thủy sản tươi ngon, quý hiếm. Chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh nằm trên đầm phá Tam Giang, tồn tại hàng trăm năm nay, là nơi được bày bán đủ các loại thủy sản mà ngư dân đánh bắt được.

Để mua được thủy sản thơm ngon, tươi rói, khách hàng phải đến đây từ rất sớm bởi khu chợ này vội họp và cũng... vội tan.

 

 Chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh bắt đầu từ lúc 4 giờ 30 sáng và kết thúc khi mặt trời mọc. Ảnh: Lê Hoài Nhân
Chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh bắt đầu từ lúc 4 giờ 30 sáng và kết thúc khi mặt trời mọc. Ảnh: Lê Hoài Nhân


Thành quả sau một đêm dài đánh bắt

Tờ mờ sáng, khi màn sương còn phủ trắng trên mặt nước, chúng tôi xuôi mái chèo trên chiếc thuyền nhỏ để đến khu chợ nổi này, xa xa những ánh đèn pin le lói từ ghe thuyền của ngư dân neo đậu.

Trong màn đêm tĩnh mịch, tiếng cười nói giao thương làm rôm rả một vùng đầm phá. Như thường nhật, đây là thời điểm để ngư dân đưa thành phẩm sau một đêm dài đánh bắt đến đây bày bán.

Theo những ngư dân, họ thường đánh bắt trong đêm bởi lúc đó các loài thủy sản vùng nước lợ đi kiếm ăn. Dưới ánh đèn thu hút, ngư dân sẽ đánh bắt được nhiều hơn.

“Đánh bắt vào ban đêm là thời điểm thích hợp nhất, bởi lúc đó thời tiết mát mẻ, không có gió to nên cá sẽ dính nhiều hơn. Độ 4 giờ sáng về đến chợ là vừa kịp cho thương lái ra thu mua”, một ngư dân nói.


 

 Thành quả của ngư dân sau một đêm dài đánh bắt. Ảnh: Lê Hoài Nhân
Thành quả của ngư dân sau một đêm dài đánh bắt. Ảnh: Lê Hoài Nhân
 



Họ thường đánh bắt bằng cách quăng chài, thả lưới, đặt nò sáo để thu các loại thủy sản mà chỉ có tại vùng đầm phá nước lợ như cá dìa, cá tràng, cá ong, tôm rằn, tôm gân...

 

Nhiều loại thủy sản sống ở vùng nước lợ mà chỉ có trên phá Tam Giang mới có
Nhiều loại thủy sản sống ở vùng nước lợ mà chỉ có trên phá Tam Giang mới có.
 
 

 

Đặc biệt nhất ở vùng Phá Tam Giang phải nói đến loài cá dìa, từ lâu được xem là món “hảo hạng” trong các món ẩm thực Huế. Ngư dân cho rằng, cá dìa ngọt và béo là nhờ hệ rong tảo vùng đầm phá Tam Giang phong phú.

Chỉ bán đến khi mặt trời mọc

Nổi tiếng với thủy sản tươi ngon, vì vậy chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh là địa điểm thu hút nhiều thương lái. Nhưng điểm khác biệt ở khu chợ nổi này là sự mộc mạc, nhẹ nhàng và đúng chất Huế.


 

Buổi họp chợ chóng vánh, mộc mạc và nhẹ nhàng. Ảnh: Lê Hoài Nhân
Buổi họp chợ chóng vánh, mộc mạc và nhẹ nhàng. Ảnh: Lê Hoài Nhân



Thương lái đến mua bằng chiếc thuyền nhỏ, rẽ nước dạo quanh các gian hàng để lựa chọn tôm cá. Lời nói, tiếng cười giữa kẻ bán người mua chỉ đủ để cho đối phương nghe. Lựa chọn ưng ý rồi trả tiền, tuyệt nhiên không có trả giá...
 

Người mua kẻ bán như đã quen từ lâu. Ảnh: Lê Hoài Nhân
Người mua kẻ bán như đã quen từ lâu. Ảnh: Lê Hoài Nhân



Suốt 60 năm qua, bà Trần Thị Bê (75 tuổi) vẫn chèo thuyền một mình ra đầm phá để đi chợ. Trừ những ngày mưa gió, sáng nào bà cũng đến đây từ thật sớm, lựa những mẻ cá tươi ngon để kịp đưa ra chợ bán.

“Phải ra thật sớm mới có đồ tươi để đưa đi bán. Chứ mặt trời mọc thì họ mua hết rồi còn đâu? Có hôm gió lớn đi một mình nên cũng sợ nhưng tôi quen rồi”, bà Bê nói.

Theo lời kể của bà Bê, khu chợ nổi này đã tồn tại hàng trăm năm nay. Ở tuổi xế chiều, bà không còn nhớ rõ chợ có từ lúc nào, nhưng đây đã là năm thứ 60 bà làm nghề buôn cá. “Chỉ nhớ trước đó cha ông tôi đã làm rồi, sau này tôi nối nghiệp”, bà Bê kể.


 

 Bà Bê đã làm nghề buôn cá ở khu chợ nổi này suốt 60 năm. Ảnh: Lê Hoài Nhân
Bà Bê đã làm nghề buôn cá ở khu chợ nổi này suốt 60 năm. Ảnh: Lê Hoài Nhân


Say sưa trò chuyện với bà Bê, ánh bình minh cũng ló dần phía xa, lúc này bà cũng đã chọn được những mẻ cá thơm ngon chất lượng. Trên thuyền, những thúng cá tôm của ngư dân đã ngớt dần, họ thu dọn ngư cụ để trở về nhà ngủ một giấc. Bà Bê chào chúng tôi rồi cũng nhanh chóng bơi vào bờ để kịp buổi chợ sáng.

 

Trời hửng nắng, ngư dân thu dọn ngư cụ để trở về nhà. Ảnh: Lê Hoài Nhân
Trời hửng nắng, ngư dân thu dọn ngư cụ để trở về nhà. Ảnh: Lê Hoài Nhân



Đến nay, chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh không chỉ là nơi buôn bán thủy sản mà còn mang nhiều nét văn hóa của người dân làng chài vùng đầm phá. Nhiều du khách hiếu kỳ, thích trải nghiệm, khám phá cũng đã về đây, thuê những chiếc thuyền nhỏ để dạo quanh vùng đầm phá, cảm nhận nét bình yên nơi vùng sông nước Tam Giang.

Theo Lê Hoài Nhân (TNO)
 

 

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.