Độc đáo ché Gò Sành ở Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ché (ghè) là vật dụng làm bằng đất sét nung ở nhiệt độ cao, thường được người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên dùng để ủ/đựng rượu cần. Ché chủ yếu được trao đổi, mua bán, đưa từ các nơi khác đến, trong đó, nổi bật có ché Gò Sành.
Với đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, ché là vật dụng có giá trị về vật chất cũng như tinh thần, là vật linh thiêng. Gia đình nào có nhiều chiêng, ché được xem là nhà giàu, có địa vị, uy quyền và luôn có sức khỏe dồi dào, gặp nhiều may mắn.
Ché ở Tây Nguyên có xuất xứ từ nhiều nước như: Indonesia, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam. Tuy nhiên, độc đáo nhất là ché thuộc các dòng gốm của Việt Nam như: Gò Sành (Bình Định), Quảng Đức (Phú Yên), Châu Ổ (Quảng Ngãi), Lái Thiêu (Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai), Cây Mai (Sài Gòn)... Mỗi dòng ché có những đặc điểm, giá trị khác nhau. 
Gò Sành là một loại gốm được sản xuất ở vùng đất có tên gọi là Gò Sành (xóm Sành) thuộc thôn Phụ Quang, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngay từ thập niên 70 của thế kỷ XX, trong quá trình cải tạo đất canh tác, người dân ở Gò Sành đã phát hiện hàng loạt sản phẩm, đồ vật gốm với nhiều chủng loại khác nhau. Sau đó, giới sưu tầm cổ vật và các chuyên gia trong và ngoài nước đến đây để tìm hiểu, nghiên cứu. Đến nay, trải qua nhiều đợt điều tra, khảo sát, khai quật, những bí ẩn về dòng gốm này dần dần được làm sáng tỏ. Nhiều nhà nghiên cứu đã đồng quan điểm rằng: Dòng gốm Gò Sành có khung niên đại từ thế kỷ XIII-XVI; chủ nhân của dòng gốm Gò Sành là cư dân Champa; có sự phong phú và đa dạng về chủng loại: chén, đĩa, chậu, ché tráng men, ngói không tráng men, vật trang trí kiến trúc. Sản phẩm gốm gò sành được nung ở nhiệt độ cao, ổn định, có xương gốm màu xám mực, sử dụng kỹ thuật con kê, ve lòng, men tráng gần sát đáy. Men gốm phần lớn màu nâu, men dày và không ổn định. Hoa văn trang trí chủ yếu sử dụng kỹ thuật đắp nổi, khắc chìm, vẽ que trực tiếp lên phôi gốm. Gốm Gò Sành không chỉ có mặt ở Bình Định mà còn có ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Bình Thuận, Tây Nguyên... và vươn xa hơn nữa là các nước trong khu vực như: Malaysia, Indonesia, Philippines và các nước Trung Cận Đông Á... Điều này chứng tỏ Gò Sành là một trong những trung tâm sản xuất gốm khá quy mô, sầm uất, từng có tiếng và giao lưu rộng khắp trên thị trường trong nước và quốc tế. 
Ché Gò Sành (thế kỷ XIV) đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Ảnh: Xuân Toản
Ché Gò Sành (thế kỷ XIV) đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Ảnh: Xuân Toản
Xét riêng về sản phẩm ché Gò Sành, hiện nay, nhiều bảo tàng, nhà sưu tập tư nhân đang lưu giữ trưng bày loại sản phẩm này. Bảo tàng tỉnh Gia Lai may mắn sở hữu một sưu tập ché Gò Sành với những hiện vật có giá trị, biểu hiện rõ đặc trưng của dòng gốm này giai đoạn thế kỷ XIII-XVI.
Về cơ bản, bộ sưu tập ché Gò Sành tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai là những sản phẩm được nung ở nhiệt độ cao, tráng men (phần gần chân đế không tráng men). Ché được tạo hình cân đối, miệng loe, gờ miệng được vê tròn; cổ hình trụ tròn và thuôn nhỏ dần về hướng miệng; vai xuôi cong dần theo thân; thân nở rộng và thuôn dần về phía đáy; trôn đáy bằng, để lộ cốt gốm thô. Trên vai ché có trang trí các quai cân đối, mỗi quai được tạo hình theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh/mục đích/cảm hứng... của nghệ nhân hoặc theo yêu cầu của bên đặt hàng.
Việc sử dụng màu sắc cũng làm nên sự khác biệt của những sản phẩm trong các dòng gốm ở Nam Trung Bộ. Nếu như các ché gốm Mỹ Thiện với hai màu chủ đạo là xanh lá cây và vàng cỏ, ché Quảng Đức màu sắc biến hóa do quá trình nung thì màu sắc của ché Gò Sành thiên về màu gạch đất nung, màu của các tháp Chăm cổ kính. 
Đồ án hoa văn trên ché Gò Sành hết sức phong phú và đa dạng từ kỹ thuật cho đến nội dung như: khắc vạch, đắp nổi, dập khuôn âm bản… với nội dung trang trí có sự pha trộn văn hóa giữa các cộng đồng Chăm, Việt, Hoa… Trong đó, thường thấy các mô típ hoa văn hình rồng, sư tử/kỳ lân (Simha) là hai linh vật biểu tượng cho sức mạnh của vương quyền, được các nghệ nhân cách điệu cao, mang những ý nghĩa biểu trưng cho dòng dõi quý tộc, mang tính cầu phúc, cầu lộc, biểu trưng cho uy quyền và sức mạnh. Mô típ hoa sen là một trong những biểu tượng có ý nghĩa quan trọng trong văn hóa Champa với sự ảnh hưởng của đạo Balamon, đặc biệt là những hoa văn trang trí trên gốm. Mô típ hoa cúc quỳ, hoa thị và những đồ án hoa văn dây lá quen thuộc luôn được khắc họa nhiều trên các sản phẩm gốm Gò Sành. Đặc biệt, biểu tượng Homkar-một biểu tượng văn hóa độc đáo của người Chăm cũng được khắc họa trên ché Gò Sành.
Trong điều kiện khoa học phát triển như hiện nay, việc tìm hiểu, nghiên cứu và đưa ra các quan điểm về gốm Gò Sành nói chung, ché Gò Sành nói riêng sẽ còn nhiều cách tiếp cận mới. Với sưu tập ché Gò Sành đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai giúp chúng ta cảm nhận được những giá trị tiêu biểu về một dòng gốm phát triển rực rỡ trong lịch sử, gắn liền với sự hưng thịnh của Vương quốc Champa lúc đương thời. Sự tồn tại của ché Gò Sành trên vùng đất Tây Nguyên vừa thể hiện quá trình giao lưu văn hóa của cư dân Champa và cộng đồng các dân tộc bản địa, đồng thời vừa biểu hiện cho đặc trưng văn hóa, phong tục, nghi lễ và những sinh hoạt gắn liền với đời sống xã hội trong truyền thống cũng như hiện tại.
XUÂN TOẢN

Có thể bạn quan tâm

Lễ báo hiếu: Thơm thảo tấm lòng con cái

Lễ báo hiếu, thơm thảo tấm lòng con cái

(GLO)- Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, người Bahnar luôn nhắc nhau: “Phải kính trọng cha mẹ như mặt trăng, kính trọng ông bà như mặt trời”. Khi đã trưởng thành, con cái đều nghĩ đến việc tổ chức lễ báo hiếu cha mẹ (teh nhung ăn kră).

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai ban hành QĐ số 60/2024/QĐ-UBND quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” để hướng dẫn thực hiện, bảo đảm phù hợp với đặc thù văn hóa và tình hình kinh tế-xã hội của địa phương.

Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia vừa họp, bỏ phiếu thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ công nhận Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo là di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Ngọc Minh

Chuyện làm hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, những người làm công tác di sản văn hóa (như cách gọi ngày nay) của tỉnh Gia Lai-Kon Tum bắt tay vào việc thu thập thông tin để làm hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng, trong đó có hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo.

Chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh)

Vọng tiếng chuông ngân

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều ngôi chùa bắt đầu bằng chữ Bửu như chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh), Bửu Thắng, Bửu Nghiêm, Bửu Hải (TP. Pleiku). Riêng cái tên Bửu Tịnh được đặt cho 2 ngôi chùa, 1 ở Ayun Pa, 1 ở Krông Pa. Nhà tôi ở gần chùa Bửu Tịnh (xã Phú Cần, huyện Krông Pa).

Nét đẹp tặng chữ đầu xuân

Nét đẹp tặng chữ đầu xuân

(GLO)- Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân Việt lại náo nức với những phong tục truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Trong đó, nét đẹp tặng chữ đầu xuân đã trở thành một truyền thống hiếu học của dân tộc và mang ý nghĩa cầu chúc may mắn, tài lộc, hạnh phúc cho năm mới.

Một dòng huyền tích

Một dòng huyền tích

Mỗi lần đi qua cầu Đuống, tôi bất giác nhìn về phía hạ lưu, trong đầu ngân lên mấy câu thơ của Hoàng Cầm “Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh, nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”.

Theo dấu sử thi

Theo dấu sử thi

Tôi về xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) vào một dịp ngành văn hóa Đắk Lắk phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lớp truyền dạy hát kể sử thi (khan) cho lớp trẻ.