(GLO)- Từ nhiều năm nay, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập MTTQ Việt Nam 18-11 đã trở thành nét đẹp truyền thống, đưa công tác Mặt trận về với cộng đồng dân cư, hướng đến từng gia đình và mỗi người dân.
Ngày hội là dịp để xây dựng, củng cố và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận trong thời kỳ mới. Kết quả của ngày hội mang lại những giá trị tinh thần, làm giàu thêm ý chí cách mạng, tôn vinh sức mạnh cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội từ mỗi thôn, làng, tổ dân phố, cụm dân cư... trong cả nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở thôn 5 (xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Liên tục những ngày qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng nhiều đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương đã về dự Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc tại nhiều địa phương. Từ Thủ đô Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh; từ vùng đất cội nguồn cách mạng Cao Bằng đến thủ đô kháng chiến ATK Thái Nguyên, từ đồng bằng miền Trung đến Tây Nguyên, miền Tây Nam Bộ… đâu đâu cũng sôi nổi các hoạt động tôn vinh tinh thần đoàn kết-một nét đẹp văn hóa được vun bồi từ ngàn đời, làm nên sức mạnh vô biên giúp dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam vững vàng vượt qua bao gian nan, thử thách, giữ vững độc lập, chủ quyền.
Nhìn lại lịch sử để thấy rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đoàn kết vẫn luôn là lẽ sống, cách ứng xử có văn hóa và khôn ngoan nhất của một dân tộc. Đã là người Việt Nam, thì ai cũng hiểu rằng, lịch sử vẻ vang, chói lọi của dân tộc này, đã được viết nên bằng tinh thần đoàn kết toàn dân, bằng xương máu của triệu triệu con người. Từ Hội nghị Diên Hồng, đến Hội thề Lũng Nhai; từ Hịch tướng sĩ đến Bình Ngô đại cáo; từ Chiếu cầu hiền của Hoàng đế Quang Trung đến Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đĩnh đạc tuyên đọc ngày 2-9-1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; dù là khi lịch sử dân tộc ở những đỉnh cao chói lọi đến khi cả dân tộc phải chịu cảnh một cổ hai tròng dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến… người dân và sức mạnh đoàn kết toàn dân vẫn luôn được trân trọng, đề cao lên vị trí hàng đầu trong chiến lược dựng nước và giữ nước của mọi chế độ.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay càng có ý nghĩa đặc biệt hơn khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang chung sức, đồng lòng vừa phòng-chống dịch Covid-19, vừa tích cực, khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp.
Một lần nữa, tinh thần đoàn kết toàn dân được phát huy cao độ trong công cuộc phòng-chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân. Dịch bệnh từng bước được kiểm soát, thành tích lớn nhất ấy đã thuộc về tinh thần đoàn kết toàn dân.
Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, từng bước phục hồi phát triển kinh tế-xã hội được xem là bước ngoặt trong tư duy, cách thức mới về phòng-chống dịch bảo vệ sức khỏe người dân. Trong bối cảnh dịch bệnh ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng vẫn còn diễn biến phức tạp, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân năm nay là dịp để tăng cường sự thống nhất, đồng sức, đồng lòng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận đoàn thể và đồng bào các dân tộc trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng-chống dịch, thích ứng, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, từng bước khôi phục và ổn định sản xuất kinh doanh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.
ĐÌNH CƯƠNG