Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Đoàn học sinh Việt Nam gồm 16 đội với 60 học sinh của Thủ đô Hà Nội đến từ 3 trường Trung học cơ sở thuộc quận Hoàn Kiếm là Trưng Vương, Ngô Sĩ Liên và Nguyễn Du đã xuất sắc đạt thành tích cao tại Cuộc thi Khoa học quốc tế - International Science Competition (ISC 2018) lần thứ nhất năm 2018.
Các em học sinh quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội đại diện cho Việt Nam tham dự Cuộc thi Khoa học quốc tế-ISC lần thứ nhất 2018 đã đạt nhiều thành tích cao. (Ảnh: TTXVN phát) |
Về phần thi cá nhân, 60/60 học sinh của Việt Nam đoạt giải, trong đó có 4 huy chương vàng, 9 huy chương bạc, 24 huy chương đồng, 23 giải khuyến khích.
Bốn huy chương vàng thuộc về các học sinh Đặng Hữu Hoàng Nguyên, Trịnh Diệu Linh (Trường Trung học cơ sở Trưng Vương); Nguyễn Lê Hà Anh, Lê Thảo Linh (Trường Trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên).
Về phần thi đồng đội, 7/16 đội của Việt Nam đoạt giải, trong đó 2 đội giành huy chương vàng (cả 2 huy chương vàng của cuộc thi đều thuộc về các đội của Việt Nam), 2 đội giành huy chương bạc và 3 đội giành huy chương đồng.
Cuộc thi Khoa học quốc tế - International Science Competition lần thứ nhất năm 2018 (ISC 2018) cho học sinh lứa tuổi dưới 13 tuổi và học sinh lứa tuổi dưới 16 tuổi của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự.
Các em học sinh quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội đại diện cho Việt Nam tham dự Cuộc thi Khoa học quốc tế - ISC lần thứ nhất 2018. (Ảnh: TTXVN phát) |
Cuộc thi lần đầu tiên năm 2018 thu hút 105 học sinh đến từ 4 quốc gia gồm Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines. Cuộc thi được tổ chức tại đảo Penang, Malaysia.
Trong phần thi cá nhân, học sinh phải đọc hiểu và làm bài hoàn toàn bằng tiếng Anh. Trong phần thi đồng đội, các học sinh cùng nhau hoàn thành một dự án và thuyết trình các ý tưởng về khoa học công nghệ mới dựa trên nội dung dự án vừa làm.
Kiến thức và phạm vi thi gồm Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, kỹ năng và phương pháp nghiên cứu khoa học; khoa học môi trường và đa dạng sinh học, năng lượng tái tạo; công nghệ mới, giải phẫu cơ thể người hoặc sinh vật...
Đây là cuộc thi mang tính giao lưu nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đa dạng các lĩnh vực của cuộc sống. Lần đầu tiên một cuộc thi với tầm cỡ quốc tế có phần thi đồng đội, qua đó học sinh không những có cơ hội hợp tác, trao đổi ý tưởng với một dự án mà còn có cơ hội để thể hiện, trình bày và diễn thuyết trước Hội đồng giám khảo.
Thành công của việc lần đầu tiên đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi khoa học quốc tế lần này không chỉ thúc đẩy phong trào học tập các môn khoa học của học sinh mà còn là cơ hội tốt để chia sẻ và làm phong phú thêm kiến thức về khoa học, các kiến thức công nghệ mới và văn hóa. Hơn nữa, đây còn là cơ hội để học sinh học hỏi về khoa học công nghệ tiên tiến của các nước trên thế giới.
Nguyễn Cúc (TTXVN/Vietnam+)