Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tiếp xúc cử tri ngành Giáo dục, Y tế huyện Ia Grai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trước thềm kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 10-5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đã có buổi tiếp xúc với cử tri ngành Giáo dục và Y tế của huyện Ia Grai.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Châu Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Đ.T
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Châu Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Đ.T

Tham dự hội nghị về phía Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có các ông, bà: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Hoàng Anh-Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội; Đinh Ngọc Quý-Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Rơ Châm H’Phik-Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Păh.

Cùng tham dự có Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch; Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đinh Ngọc Hải; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành và huyện Ia Grai.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đinh Ngọc Quý thông báo đến cử tri dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Đ.T

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đinh Ngọc Quý thông báo đến cử tri dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Đ.T

Thông báo đến cử tri dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đinh Ngọc Quý cho hay, kỳ họp được tiến hành theo 2 đợt (đợt 1 từ ngày 20-5 đến 8-6, đợt 2 từ ngày 17 đến 28-6); dự kiến khai mạc vào ngày 20-5 và bế mạc ngày 28-6-2024 tại Hà Nội. Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Tại hội nghị, cử tri ngành Giáo dục và Y tế huyện Ia Grai đã nêu lên gần 20 ý kiến, kiến nghị với khoảng 33 nội dung chi tiết liên quan đến những khó khăn, bất cập đang gặp phải.

Trong đó, cử tri ngành Giáo dục chủ yếu tập trung vào một số vấn đề như: việc tạm dừng một số khoản thu theo Nghị quyết số 47/2022/NQ-HĐND ngày 9-12-2022 của HĐND tỉnh Gia Lai quy định chi tiết danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu-chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động GD-ĐT đối với các cơ sở công lập trên địa bàn tỉnh gây khó khăn cho hoạt động giáo dục bán trú, dạy 2 buổi/ngày; xem xét giảm giờ làm việc, tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non, đưa giáo viên mầm non vào danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại; cần có phụ cấp thu hút giáo viên ở vùng biên giới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch làm rõ thêm một số nội dung thuộc thẩm quyền. Ảnh: Đ.T
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Thị Thanh Lịch làm rõ thêm một số nội dung thuộc thẩm quyền. Ảnh: Đ.T

Ngoài ra, những bất cập trong quy định cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học; thiếu giáo viên, nhân viên trường học (nhất là nhân viên y tế học đường và kế toán); đưa y tế học đường sang nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung; luân chuyển giáo viên… cũng được nhiều cử tri ngành Giáo dục đề cập.

Cử tri ngành Y tế phán ánh những bất cập hoặc quy định không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay liên quan đến chế độ, chính sách về tiền lương; phụ cấp đặc thù (trực, phẫu thuật, thủ thuật…); phụ cấp ưu đãi nghề và thu hút nhân lực; vị trí việc làm; biên chế; hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng sau đại học cho đội ngũ y-bác sĩ…

Cử tri tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Đ.T
Cử tri tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Đ.T

Sau khi lắng nghe phần trả lời, giải trình của địa phương và các sở, ngành liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế tổng hợp đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri kèm viện dẫn để gửi cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh xem xét; đồng thời, hoàn thiện nội dung trả lời bằng văn bản cho địa phương, đơn vị đối với những nội dung thuộc thẩm quyền quản lý để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Thay mặt các đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đinh Ngọc Quý cũng làm rõ hơn một số kiến nghị của cử tri và địa phương liên quan đến cơ chế, chính sách về Giáo dục và Y tế.

Quang cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề tại huyện Ia Grai. Ảnh: Đ.T
Quang cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề tại huyện Ia Grai. Ảnh: Đ.T

Đánh giá các ý kiến, kiến nghị của cử tri ngành Giáo dục và Y tế của huyện Ia Grai là rất xác đáng, thiết thực, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo các sở, ngành liên quan và địa phương tiếp tục “gỡ khó” đối với những nội dung thuộc thẩm quyền. Đối với các kiến nghị thuộc về cơ chế, chính sách của Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ ghi nhận, thẩm định và phản ánh đầy đủ, chất lượng đến các bộ, ngành trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm

Ông Nguyễn Mạnh Tuân (bìa phải)-Bí thư Chi bộ làng Khôn trao đổi về công tác chuẩn bị đại hội chi bộ với lãnh đạo Đảng ủy xã Ia Mơ. Ảnh: P.D

Làng Khôn gặp khó về công tác cán bộ

(GLO)- Theo kế hoạch, đầu năm 2025, làng Khôn (xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) sẽ tiến hành bầu trưởng thôn và tổ chức Đại hội Chi bộ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2027. Tuy nhiên, làng Khôn vẫn còn khó khăn trong công tác cán bộ và phát triển đảng viên.

Bí thư Chi bộ thôn 6 Lê Viết Bích Huệ (bìa trái) trao đổi công tác tổ chức đại hội chi bộ điểm với Bí thư Đảng ủy xã Ia Blang Hà Đình Thủy. Ảnh: P.D

Đảng bộ xã Ia Blang tích cực chuẩn bị đại hội điểm

(GLO)- Đảng bộ xã Ia Blang được Ban Thường vụ Huyện ủy Chư Sê (tỉnh Gia Lai) chọn tổ chức đại hội điểm nhiệm kỳ 2025-2030 để rút kinh nghiệm trước khi chỉ đạo chung ra diện rộng. Ý thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ này, Đảng ủy xã đã khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội.