Đô thị cà phê Buôn Ma Thuột: Làm sao thành hiện thực?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bất kỳ ai đến cao nguyên cũng biết đến danh tiếng cà phê Buôn Ma Thuột. Bất kỳ ai đến Buôn Ma Thuột cũng biết nơi này đang xây dựng thương hiệu thủ phủ cà phê thế giới. Nhưng bao nhiêu du khách đến đây biết về quy trình sản xuất cà phê? Để xây dựng một đô thị cà phê, vấn đề không ở bề nổi…

Một chuyên gia tư vấn cà phê tâm sự, những gì ông thấy trên đường phố Buôn Ma Thuột chưa mang lại ấn tượng về một thành phố đang thể hiện khát vọng trở thành thủ phủ cà phê thế giới. Kể cả khi bước chân vào Bảo tàng thế giới cà phê - nơi ông chủ thương hiệu Trung Nguyên dành nhiều tâm huyết xây dựng, cảm giác thấu đạt về triết lý cà phê, bản sắc cà phê và cả cơ hội tận hưởng thực thụ giá trị cà phê vẫn cứ mờ nhạt. Cho nên, hình ảnh một đô thị cà phê Buôn Ma Thuột, nói thì dễ chứ để đạt tới, còn xa lắm!

Cần định vị lại những sản phẩm

Một bạn trẻ người Đắk Lắk làm việc tại TP. Hồ Chí Minh bộc bạch: “Nếu em quay về quê nhà, nhất định em sẽ không mở quán cà phê tại Buôn Ma Thuột”. Câu nói rất trái khoáy bởi ai cũng nghĩ, đến Buôn Ma Thuột mà không uống cà phê thì không ổn. Nhưng lý luận của bạn trẻ rất rõ ràng: Bởi ở thành phố này, chỗ nào cũng mở quán cà phê, nơi nào cũng bán cà phê, nên giá cà phê quá rẻ, giá một ly cà phê ngon ở đây cũng quá rẻ. Người ta bán cà phê nhưng thực tế thu nhập bằng những sản phẩm, dịch vụ khác. Mà đã như thế, cái tiếng “mở quán cà phê ở thủ phủ cà phê” sẽ chỉ là hư danh, không nên. Để thời gian tâm huyết đầu tư vào sản phẩm khác, sẽ tốt hơn.


 

Nhiều quán cà phê tại Buôn Ma Thuột chưa thực sự có những giá trị xứng tầm thủ phủ.
Nhiều quán cà phê tại Buôn Ma Thuột chưa thực sự có những giá trị xứng tầm thủ phủ.


Suy tư của người bạn trẻ, thực chất đang là câu hỏi với những người đang kinh doanh cà phê tại Buôn Ma Thuột. Đơn giản chỉ cần theo dõi và làm một phép tính, người ta sẽ biết mỗi ba tháng, Buôn Ma Thuột có bao nhiêu quán cà phê mới và bao nhiêu quán dẹp tiệm. Quan trọng hơn, giá thành mỗi ly cà phê ở Buôn Ma Thuột, qua thời gian, có thể nâng lên bao nhiêu?

Người viết đã từng sang xứ kim chi để ăn thử kim chi, và tại một làng nhỏ xứ Hàn, giá một hũ kim chi “chân truyền” được rao bán khá cao. Cao nhưng ai đến cũng mua để kỷ niệm thực sự về một chuyến đi đến tận nơi gốc nguồn món ăn lừng danh dân tộc Hàn Quốc. Việc uống một ly vang ở Hy Lạp cũng đồng nghĩa với ấn tượng nơi khởi thủy thức uống này, nên những địa điểm danh tiếng sơ khai sẽ là nơi bán rượu vang đắt tiền… Những điều ấy cho thấy, thực sự để có được ly cà phê tại mảnh đất thủ phủ, người ta lẽ ra có một cảm nhận khác. Nhưng tại sao ở Buôn Ma Thuột, cà phê lại chỉ bán rẻ như vậy?

Chúng ta cần định vị lại những sản phẩm liên quan đến cà phê, ở thủ phủ cà phê này, thì mới có thể nâng tầm giá trị cà phê Buôn Ma Thuột. Định vị lại, không phải là tìm cách nâng giá bán, mà là phân tích, áp dụng cho đúng những giá trị hữu hình và vô hình phía sau hạt cà phê để người ta thưởng thức được nhiều giá trị hơn với ly cà phê, gồm cả văn hóa, lịch sử và chất liệu cuộc sống. Khi đã có các giá trị ấy, tự nhiên ly cà phê sẽ tăng giá bán, rất đắt; và hạt cà phê ở đây cũng có thể nâng giá bán, rất là đắt.

Để “người đến phải biết, người biết phải đến”…

Đô thị Buôn Ma Thuột phải trở thành thủ phủ cà phê, điều ấy đang là khao khát của người Đắk Lắk; mà như thế, đô thị Buôn Ma Thuột, tối thiểu phải là đô thị cà phê. Một đô thị cà phê thực chất là một đô thị nông sản thu hẹp lại. Vậy để có một đô thị nông sản, cần có những đầu tư, chuẩn bị thế nào, thì việc xác lập giá trị riêng biệt cho đô thị cà phê lại càng phải chi tiết và cẩn thận hơn nữa.


 

Nhiều du khách đến Bảo tàng thế giới cà phê chủ yếu chỉ... check-in, chụp ảnh lưu niệm!.
Nhiều du khách đến Bảo tàng thế giới cà phê chủ yếu chỉ... check-in, chụp ảnh lưu niệm!.


Đô thị cà phê Buôn Ma Thuột, bởi thế không chỉ là nơi quần tụ những phố bán cà phê, nhà nhà buôn cà phê, người người uống cà phê. Tổ chức cho được những không gian phát triển cà phê, cả về hình ảnh, thương hiệu, lẫn bản chất giá trị mang lại cho người dùng, dấu ấn văn hóa, dấu ấn lịch sử vùng đất… tại thành phố này, cùng nhiều động thái kết nối, lan tỏa, tương hỗ giá trị đô thị Buôn Ma Thuột với các khu vực phụ cận mới có thể thực sự tạo nên hình ảnh đô thị cà phê nơi đây.

Những người làm du lịch ở Buôn Ma Thuột có lẽ đã nghĩ đơn giản, khi chỉ lấy hình ảnh hạt cà phê làm điểm nhấn giới thiệu cho các tour tuyến, điểm dừng tại thành phố này. Bảo tàng thế giới cà phê của Trung Nguyên có thể nâng cao thêm một mức những hình ảnh đó, khi kết hợp liên hoàn và thể hiện những không gian lưu trữ, đối sánh lịch sử hạt cà phê truyền thống… Song như vậy vẫn chưa đủ! Người ta sẽ chỉ nhìn thấy “một con đường huyền thoại” cà phê rất mờ nhạt, nếu du khách đến với bảo tàng, chỉ để chụp ảnh khoe mạng xã hội, khoe mình đang nâng tách cà phê thế nào.

Để thủ phủ cà phê gắn liền đúng với những giá trị cà phê, để tạo được một đô thị cà phê có sức sống và giá trị đúng nghĩa, để Buôn Ma Thuột hút con người đến theo đúng phương châm “người đến phải biết, người biết phải đến”, câu chuyện đầu tư, đổi mới cách làm cà phê, cách giới thiệu quảng bá, cách hợp tác tại thành phố này, sẽ không hề đơn giản. Không chỉ là những đề án chung chung, tự ca tích cực; không chỉ là những khẩu hiệu phong trào, bề nổi bên ngoài, đô thị cà phê Buôn Ma Thuột đang rất cần những sáng kiến mới, kiểu làm mới, và nhất là, lối tư duy mới về những giá trị cụ thể, mà chân chất của hạt cà phê, từ quy trình sản xuất cho đến những cơ hội chế biến chuyên sâu, là những giá trị “linh hồn”!



https://www.baodaklak.vn/kinh-te/202210/do-thi-ca-phe-buon-ma-thuot-lam-sao-thanh-hien-thuc-9a35349/

Theo Nguyên Đức (baodaklak)

 

Có thể bạn quan tâm

Quy định mới về đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc

Quy định mới về đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc

(GLO)- Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT) tỉnh Gia Lai vừa có công văn gửi các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan, phổ biến Thông tư số 58/2024/TT-BGTVT ngày 15-11-2024 của Bộ GT-VT quy định về đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe và vị trí, quy mô trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc.

Kẹt xe kéo dài gần 20 km tại đèo An Khê. Ảnh: Ngọc Minh

Kẹt xe kéo dài gần 20km trên quốc lộ 19 tại đèo An Khê

(GLO)- Ngày 12-12, tại đèo An Khê nối tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, hàng trăm chiếc ô tô con, xe khách, xe tải, container bị mắc kẹt kéo dài gần 20 km nhiều giờ liền. Nguyên nhân giữa đèo có hố nước sâu khiến các phương tiện không thể lưu thông qua lại.

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (tổ 2, phường Ngô Mây) tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường. Ảnh: M.N

An Khê huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nội thị đến nông thôn. Nhờ đó, mạng lưới giao thông được kết nối, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, đi lại của người dân và giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

An Khê chủ động phòng ngừa cháy nổ tại chợ

Phòng ngừa cháy nổ tại các chợ An Khê

(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có 12 chợ truyền thống. Thời điểm này, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các ban quản lý chợ, chính quyền địa phương, lực lượng Công an chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ.