Định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 12: Đôi điều suy ngẫm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Lựa chọn nghề nghiệp luôn là một trong những vấn đề khiến cả phụ huynh và học sinh đau đầu. Có một thực tế là nhiều học sinh lớp 12 vẫn còn rất bỡ ngỡ, không biết nên lựa chọn ngành nghề gì cho tương lai.
Em Nguyễn Lê Tường Uyên là học sinh giỏi lớp 12A1, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai). Kỳ thi tốt nghiệp năm học 2019-2020, em đạt số điểm cao và trúng tuyển vào ngành Quản lý hoạt động bay của Khoa Không lưu (Học viện Hàng không). Đây là một ngôi trường danh giá và đáng mơ ước với bất kỳ sĩ tử nào. Nhưng sau 1 năm học tập, em đã quyết định nghỉ học, về ôn tập lại để thi vào trường khác trong kỳ thi năm học 2020-2021. Khi được hỏi lý do khiến em lựa chọn như vậy, Uyên tâm sự: “Em đã rất mơ hồ, không ý thức hết được điều kiện tài chính của gia đình cũng như xác định mong muốn, sở thích thực sự nên mới quyết định chọn vào Học viện Hàng không. Khi vào học, em nhận ra đây là ngành đặc thù, khả năng xin việc là không dễ. Hơn nữa, tính chất công việc sẽ khá nặng và không thích hợp với phụ nữ. Trong thời gian học tập ở trường, em cũng không có hứng thú với ngành học”.
Uyên là một trong nhiều trường hợp mà tôi đã gặp gỡ, trò chuyện để hiểu rõ hơn về việc định hướng và lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai của học sinh. Em Nguyễn Khắc Triệu-học sinh lớp 12, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng-cho biết: “Hiện nay đang là thời gian chúng em chuẩn bị làm hồ sơ tuyển sinh. Mặc dù được học môn Hướng nghiệp trong chương trình nhưng em vẫn còn thấy rất mơ hồ, không xác định được nên chọn trường nào, ngành gì và căn cứ vào đâu để lựa chọn cho chính xác. Chúng em mong muốn được thầy cô chuyên trách về công tác hướng nghiệp tư vấn thêm về những vấn đề cụ thể khi chọn ngành nghề”.
Các em học sinh được tư vấn, định hướng nghề nghiệp tại Ngày hội Thanh niên với nghề nghiệp, việc làm năm 2020. Ảnh: Phan Lài
Các em học sinh được tư vấn, định hướng nghề nghiệp tại Ngày hội Thanh niên với nghề nghiệp, việc làm năm 2020. Ảnh: Phan Lài
Những năm gần đây, bộ môn Hướng nghiệp đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai trong nhà trường phổ thông, được giảng dạy từ bậc THCS đến THPT. Các trường phổ thông còn có thêm những cách làm sáng tạo nữa để hướng nghiệp, là hàng năm trước các kỳ tuyển sinh, mời các sinh viên đại học, các chuyên gia hướng nghiệp về trường để định hướng và tư vấn thêm cho học sinh. Nhưng có lẽ như vậy vẫn là chưa đủ. Có lần, khi quan sát học sinh lớp 12 điền thông tin vào hồ sơ tuyển sinh, tôi thấy có cả một nhóm học sinh đăng ký thi vào cùng một trường, nguyện vọng giống hệt nhau. Tôi hỏi một em thì nhận được câu trả lời: “Em không biết, thấy mấy bạn cùng nhóm chọn thì em cũng chọn. Nếu đậu thì đi học cùng nhau cho vui”.
Tôi cho rằng, sở dĩ có sự mơ hồ trong việc chọn lựa nghề nghiệp là vì những nguyên nhân như: học sinh phổ thông thiếu trải nghiệm thực tế, không có hiểu biết cụ thể rõ ràng về các lĩnh vực, ngành nghề trong xã hội nên thiếu định hướng chọn nghề. Nhiều em còn thụ động trong việc tìm kiếm thông tin hoặc không biết cách thu thập thông tin về nghề nghiệp. Bên cạnh đó, một số học sinh lại chưa hiểu được rằng, công tác hướng nghiệp chỉ là một phần quan trọng, yếu tố quyết định chính là ở các em, không ai có thể lựa chọn nghề thay các em được. Và nói như em Nguyễn Lê Tường Uyên thì: “Em nghĩ việc định hướng nghề nghiệp rất quan trọng. Đó là quá trình mình tiếp thu ý kiến từ người đi trước để rồi có thông tin cho mình. Nhưng quyết định là ở mình, mình phải tiếp cận với xã hội ở nhiều khía cạnh hơn để tìm ra sở thích thật sự, chứ không chăm chăm nghe ý kiến từ người khác. Quá trình hướng nghiệp chỉ là để bổ trợ”.
HOÀNG NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm