Điểm sáng xã hội hóa làm đường giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước đây, người dân thôn 1 (thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) sinh sống ở các phường Diên Hồng, Hoa Lư, Hội Thương (TP. Pleiku). Sau ngày giải phóng miền Nam, thực hiện chủ trương giãn dân, họ tiên phong đến thôn 1 khai hoang, phục hóa đất đai, lập nghiệp, xây dựng quê hương mới. Đến nay, thôn 1 có 265 hộ với hơn 1.000 khẩu. Nhờ chăm lo làm ăn, đời sống người dân nơi đây ngày càng được cải thiện.

Thực hiện chủ trương Nhà nước và Nhân dân cùng làm, người dân thôn 1 đã tự nguyện đóng góp hơn 430 triệu đồng tiền mặt và hàng ngàn ngày công lao động để thu dọn cây cối, tháo gỡ hàng rào, di dời vật kiến trúc 2 bên đường, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu thi công 5 tuyến đường nội thôn. Nhiều gia đình gương mẫu đóng góp kinh phí như: ông Đoàn Văn La đóng góp 41 triệu đồng; chị Trần Thị Ngọc Mai góp 25 triệu đồng; bà Phạm Thị Lài góp 8,5 triệu đồng; ông Nguyễn Đức Thêm góp 7,5 triệu đồng; ông Lê Bá Hạnh góp 6,5 triệu đồng... Chị Trần Thị Ngọc Mai bày tỏ: “Dù cuộc sống vẫn còn nhiều việc phải lo, nhưng tôi không ngần ngại đóng góp 25 triệu đồng và nhiều ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn. Đường cũ nhỏ hẹp, hư hỏng nên việc đi lại, vận chuyển nông sản gặp rất nhiều khó khăn. Giờ con đường đã làm xong thông thoáng, sạch đẹp chẳng những gia đình tôi mà bà con trong thôn cũng được hưởng lợi, ai cũng phấn khởi”.

 Thi công đường bê tông xi măng tại thôn 1, thị trấn Phú Hòa. Ảnh: Hoàng Cư
Thi công đường bê tông xi măng tại thôn 1, thị trấn Phú Hòa. Ảnh: Hoàng Cư


Ông Huỳnh Tấn Bộ-Chủ tịch UBND thị trấn Phú Hòa-cho hay: “Để động viên người dân thôn 1, cán bộ, công chức, viên chức ở thị trấn cũng tình nguyện đóng góp nhiều ngày công lao động trực tiếp và góp kinh phí thực hiện các công trình xây dựng giao thông nông thôn”.

 Sau 1 tháng triển khai thi công, 5 tuyến đường bê tông xi măng có tổng chiều dài gần 2 km, rộng 3,5 m với kinh phí đầu tư 1,7 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Phấn khởi với kết quả này, ông Hoàng Trọng Hà-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 1-cho hay: “Các tuyến đường hoàn thành đúng tiến độ nên bà con đi lại đỡ vất vả, các cháu nhỏ đi học cũng thuận lợi. Đường sá sạch đẹp, bộ mặt thôn cũng khang trang hơn”.

Ngoài đóng góp kinh phí, ngày công làm đường, người dân thôn 1 còn chung tay góp sức xây dựng hệ thống thoát nước; chỉnh trang hệ thống đường điện thắp sáng; làm hàng rào xanh, con đường hoa; thu gom rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường. “Với kết quả đạt được, thôn 1 xứng đáng là điểm sáng về kiên cố hóa hạ tầng giao thông của thị trấn”-Chủ tịch UBND thị trấn Phú Hòa nói.

Nhận xét về kết quả thực hiện chủ trương xã hội hóa xây dựng hạ tầng giao thông khu dân cư ở thôn 1 (thị trấn Phú Hòa), ông Nay Kiên-Chủ tịch UBND huyện Chư Păh-đánh giá: “Nhiều năm qua, Chư Păh quan tâm tuyên truyền, vận động người dân đóng góp kinh phí để kiên cố hóa hạ tầng giao thông theo tinh thần Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có điều kiện kinh tế của người dân còn hạn chế, ảnh hưởng dịch bệnh kéo dài nên kết quả chưa như mong đợi. Từ thành công của thôn 1 (thị trấn Phú Hòa), chúng tôi chỉ đạo các thôn, làng, khu dân cư tham quan, học tập, nhất là phương pháp tuyên truyền và huy động nguồn lực để kiên cố hóa hệ thống giao thông mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, góp phần làm cho bộ mặt cơ sở thêm khang trang, tiến bộ”.

 

HOÀNG CƯ
 

Có thể bạn quan tâm

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê hoạt động trở lại: Giải “bài toán” ô nhiễm môi trường

(GLO)- Sau gần 7 tháng sửa chữa, nâng cấp máy móc thiết bị và xây dựng lại nhà xưởng bị hư hại do hỏa hoạn, Nhà máy xử lý rác thải Chư Sê đã hoạt động trở lại, góp phần giải “bài toán” ô nhiễm môi trường khi lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày được xử lý kịp thời.

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

Ia Grai chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái

(GLO)- Những năm qua, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai có hiệu quả công tác phân loại, thu gom, xử lý rác thải tại nguồn. Nhờ đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường từng bước được nâng cao.

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

(GLO)- Khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường để xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa là mục tiêu mà TP. Pleiku đang tập trung hướng tới thông qua các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.