Dịch vụ câu tôm, cua ở thị xã Ayun Pa hút khách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tuy mới đi vào hoạt động song mô hình dịch vụ câu tôm, cua tại thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) thu hút rất đông người dân và các “cần thủ”. Không chỉ mang tính chất giải trí, người câu còn được thu “chiến lợi phẩm” để thưởng thức. 

Từng trải nghiệm dịch vụ câu tôm, cua tại TP. Hồ Chí Minh khi còn là sinh viên, nhận thấy đây là mô hình vui chơi lành mạnh, hút khách, tháng 12-2024, anh Nguyễn Văn Tuấn và Ngô Văn Nhâm (tổ dân phố 2, phường Hòa Bình, thị xã Ayun Pa) đã mở dịch vụ câu tôm, cua với mong muốn tạo không gian vui chơi giải trí cho người dân địa phương.

20250208-114031.jpg
Hồ câu thu hút đông đảo các "cần thủ" đến trải nghiệm, so tài. Ảnh: Ngọc Duy

Để triển khai hồ câu, anh Tuấn mời chuyên gia về tư vấn, thiết kế, đo nồng độ PH của nước. Anh Tuấn dùng muối pha với nước lấy từ kênh thủy lợi Ayun Hạ hoặc nước giếng khoan theo tỷ lệ thích hợp, tạo môi trường nước lợ, thuận lợi cho tôm, cua sinh trưởng. Ở hồ nước nhân tạo 65m2, anh thả các loại tôm, cua kích thước khác nhau để phục vụ nhu cầu khách hàng.

Sau hơn 1 tháng đi vào hoạt động, mô hình đã thu hút hàng chục lượt khách đến trải nghiệm mỗi ngày. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa qua, hồ câu luôn trong tình trạng quá tải với gần 100 lượt khách/ngày.

Anh Tuấn chia sẻ: Năm 2024, nắm được thông tin nông dân Phú Thiện triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trong ao nhưng gặp khó ở khâu tiêu thụ. Vì vậy, anh nảy sinh ý tưởng mở dịch vụ câu tôm, cua trên cơ sở liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người nuôi thủy sản địa phương. Ngoài ra, anh nhập thêm thủy hải sản từ tỉnh Bình Định và các tỉnh miền Tây về đáp ứng nhu cầu khách hàng.

20250208-1130210.jpg
Anh Nguyễn Văn Tuấn (bìa trái, chủ hồ câu) chúc mừng khách hàng với thành quả thu được. Ảnh: Ngọc Duy

“Trung bình 3 ngày, gia đình nhập 1 tạ tôm và 20kg cua về nuôi, phục vụ các “cần thủ”. Trọng lượng tôm khoảng 6-15 con/kg, cua từ 3-5 con/kg. Chi phí mỗi giờ câu 120.000 đồng. Khách hàng được trang bị cần câu, mồi câu và giỏ lưới để cất giữ “chiến lợi phẩm”, đảm bảo tôm, cua tươi sống đến khi mang về”-anh Tuấn cho hay.

Cũng theo anh Tuấn, so với dịch vụ câu cá chỉ thu hút các “cần thủ” là nam giới thì câu tôm, cua thu hút mọi lứa tuổi, giới tính. Từ trẻ em đến phụ nữ, thanh niên đều có thể tham gia. Vì vậy, nhiều “cần thủ” đưa cả gia đình, vợ, con đến trải nghiệm vừa thư giãn vừa gắn kết gia đình.

img-20250208-172526.jpg
"Cần thủ" nhí thích thú khi câu được con tôm lớn tại hồ. Ảnh: Ngọc Duy

Để thu hút khách hàng, hồ câu mở thêm dịch vụ cà phê và ẩm thực. Khách hàng có thể đặt chủ hồ chế biến các món ăn hấp, nướng, lẩu từ “chiến lợi phẩm” thu được. Bên cạnh đó, hồ cũng treo giải cho người câu xuất sắc khi câu được những con tôm, cua đặc biệt, có gắn giải thưởng kèm theo như gà, bia, bao lì xì đã tạo sự phấn khởi cho khách hàng.

Là một trong những khách hàng thân thiết của hồ câu, anh Đinh Văn Quân (thôn điểm 8, xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện) cho biết: Câu tôm không khó, nhưng để thành thục, du khách cần nhiều thời gian để rèn luyện. Quan trọng là phải kiên trì, quan sát và cảm nhận tinh tế. Tôm ăn mồi rồi thì từ từ kéo lên, tránh giật mạnh sẽ làm tôm búng ngược về sau dẫn đến sẩy mất.

“Tôi thường chọn câu ở góc hồ, nơi tôm, cua tụ lại nhiều dễ dính mồi hơn. Sau 1 giờ câu trong ngày hôm nay, tôi câu được 7 con tôm. Nếu tính giá thị trường khoảng 400.000 đồng/kg thì tôi đã có lãi”-anh Quân vui vẻ khoe.

Còn anh Nguyễn Ngọc Châu (lái xe, tổ 1, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi đến hồ câu trải nghiệm dịch vụ câu tôm, cua. Đây là dịch vụ khá thú vị, không chỉ giúp người câu thư giãn mà còn hạn chế được nguy cơ đuối nước khi câu ở hồ tự nhiên. Quan trọng hơn là cả gia đình sẽ có bữa ăn bổ dưỡng từ sản phẩm thu được”.

Anh Tuấn thông tin thêm: Trên cơ sở tiềm năng phát triển của mô hình, hiện hồ câu đã liên kết với Hợp tác xã cá giống Đức Thắng (xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) nuôi tôm càng xanh vừa đảm bảo nguồn nguyên liệu vừa giải quyết bài toán đầu ra cho nguồn lợi thủy hải sản địa phương.

Với những lợi ích mang lại, mô hình dịch vụ câu tôm tại hồ nhân tạo không chỉ tạo môi trường vui chơi lành mạnh cho người dân, mà còn mở ra hướng đi mới, bền vững, góp phần phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Clip: Du khách thích thú trải nghiệm mô hình câu tôm tại thị xã Ayun Pa. Thực hiện: Ngọc Duy

Có thể bạn quan tâm

Mùa xuân bên dòng sông Ba

Mùa xuân bên dòng sông Ba

(GLO)- Mùa xuân bên dòng Ba (đoạn qua xã Ia Rmok, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) thật đẹp. Sáng sớm tinh mơ, mặt sông như làn khói phủ. Sương bay lãng đãng theo cơn gió nhẹ phả vào bờ rồi lẫn vào màu xanh cây cỏ, tạo nên một khung cảnh thơ mộng, hữu tình...

Lễ hội hoa ban tỉnh Điện Biên diễn ra từ 13-3 đến 16-3

Lễ hội hoa ban tỉnh Điện Biên diễn ra từ 13-3 đến 16-3

(GLO)- Lễ hội hoa ban và Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Điện Biên lần thứ VIII (gọi tắt là Lễ hội, Ngày hội) diễn ra từ 13 đến 16-3. Đây là sự kiện văn hóa đặc sắc được tỉnh Điện Biên tổ chức hàng năm vào mùa hoa ban nở rộ trên khắp núi rừng Tây Bắc.

Chị Nay H'Tó (buôn Phu Ma Miơng, xã Ia Rtô) khởi nghiệp với thịt heo gác bếp và rượu cần. Ảnh: Vũ Chi

Về làng thưởng thức thịt heo gác bếp

(GLO)-Nói đến văn hóa ẩm thực của đồng bào Jrai tại thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) không thể không nhắc đến thịt heo gác bếp. Với hương vị thơm ngon, béo ngậy, thịt heo gác bếp đã thành một đặc sản mà bất kỳ ai khi xuống buôn làng ngày Tết đều muốn một lần thưởng thức và cảm nhận.