Đi xin việc thời khó - Kỳ cuối: Người lao động nên thử sức với việc mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhu cầu tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp đã giảm sút trong khi mức lương, thưởng cũng không hấp dẫn như trước khiến người lao động khó tìm được việc như kỳ vọng. Phải làm gì trong tình hình này?

Nhiều lao động mất việc ở nhà máy đã ra chạy chợ trang trải cuộc sống (ảnh chụp gần KCN Tân Tạo) - Ảnh: MẠNH DŨNG
Nhiều lao động mất việc ở nhà máy đã ra chạy chợ trang trải cuộc sống (ảnh chụp gần KCN Tân Tạo) - Ảnh: MẠNH DŨNG
Theo bà NGUYỄN THỊ THANH THẢO - trưởng phòng dịch vụ việc làm Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM, người thất nghiệp hậu dịch COVID-19 rất đa dạng, từ lao động phổ thông đến có tay nghề, do đó người tìm việc nên tạm thử sức với những việc mới để có thu nhập thay vì chờ sự phục hồi của doanh nghiệp (DN) nhằm ứng tuyển đúng chuyên môn, lương thưởng như mong muốn.
Nhu cầu tuyển dụng giảm sút
* Bà đánh giá thế nào về nhu cầu tìm việc và nhu cầu tuyển dụng của các DN trên địa bàn TP.HCM hiện nay?
- Sau dịch, nhu cầu tuyển dụng của các DN không còn nhộn nhịp như trước khi số lượng DN đăng tuyển cũng như các chế độ lương thưởng không còn hấp dẫn. Trước đây, mỗi lần tổ chức ngày hội việc làm có đến 50 - 60 DN đăng ký tham gia, nay giảm chỉ còn 20 - 30 DN tuyển dụng là nhiều. 
Bên cạnh đó, lương thưởng không còn cao so với trước đây. Những công việc giao hàng thì nhiều DN không còn hỗ trợ tiền xăng xe, tiền cơm cho nhân viên, trong khi mức lương giảm còn 5-8 triệu đồng thay vì trước có thể đến 10 triệu đồng.

Những ngành đang tuyển nhiều chỉ tập trung ở nhân viên thời vụ, nhân viên bán hàng, bán thức ăn nhanh. Còn những vị trí khác như kỹ thuật, nhân viên văn phòng, kế toán... cũng có nhưng ít hơn. Số lượng người tìm việc hiện lại tăng, phần lớn là lao động phải nghỉ do dịch bệnh nên tìm việc mới.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - Ảnh: NGỌC HIỂN
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - Ảnh: NGỌC HIỂN
* Lao động thất nghiệp do dịch COVID-19 hiện đi xin việc gặp những khó khăn nào?
- Những lao động thất nghiệp do dịch phần lớn là lao động phổ thông hoặc công nhân các nhà xưởng đã có tay nghề, song họ gặp khó khăn do độ tuổi tương đối khác biệt so với nhu cầu tuyển dụng hiện nay. Ví dụ, nhiều người đã 30 - 40 tuổi, trong khi DN lại tuyển sinh viên mới ra trường hoặc lao động trẻ. 
Với những lao động có tay nghề, họ luôn muốn có mức lương tương xứng năng lực, trình độ lao động của mình, trong khi nhà tuyển dụng lại sẵn sàng đào tạo sinh viên mới ra trường, trả mức lương rẻ hơn nhiều để sử dụng người trẻ.
Thời điểm này, lao động thất nghiệp nên chọn những công việc tạm phù hợp bản thân như bán hàng, giao hàng, nhân viên thời vụ... Người lao động tạm thời có việc làm, có thêm thu nhập cầm cự qua thời điểm khó khăn, còn nếu cứ chờ đợi DN phục hồi để có được vị trí với mức lương thưởng ổn định sẽ rất khó khăn.
Thực tế, hiện nhiều DN lớn nhỏ ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động cầm chừng, cố gắng giữ nhân viên nên khó lòng rộng cửa đón người lao động mới. Nếu cứ chờ những DN lớn, có khi chính người lao động cũng kiệt quệ, bởi hiện chưa ai biết khi nào sản xuất của DN mới phục hồi để họ lại mở rộng nhu cầu tuyển dụng.
Tránh "bẫy cò" ở các bến xe
* Tại các bến xe lớn ở TP.HCM vẫn còn tình trạng "cò" lao động. Trong thời khó này, cần làm gì để tránh rơi vào "bẫy cò" với người lao động, thưa bà?
- Đây là vấn đề tồn tại nhiều năm, hoạt động rầm rộ nhất là ở khu vực bến xe An Sương. Các "cò" này hứa hẹn "việc nhẹ, lương cao" đối với lao động phổ thông, hứa đưa vào khu công nghiệp, siêu thị... song phải đóng tiền môi giới, tiền đồng phục, sau đó lại mang đi giới thiệu đến những địa chỉ "ma", những nơi công việc cực nhọc không như giới thiệu. 
Hệ lụy là có những người mất tiền, mất giấy tờ, thậm chí không được liên lạc với người nhà.
Có người bị "cò" lừa lấy tiền, viết tờ giấy giới thiệu nhưng lại đưa đến trung tâm của chúng tôi, coi như người lao động đã bị lừa mất trắng khoản tiền không nhỏ. Trong bối cảnh thất nghiệp nhiều hiện nay, việc rơi vào "bẫy cò" lại khiến cho người tìm việc thêm phần khó khăn. Tại các bến xe, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM đều có quầy tư vấn việc làm. Người tìm việc cần đến đúng địa chỉ để được giới thiệu những công việc phù hợp.
Ngoài ra, Sở Lao động - thương binh và xã hội TP hoặc Hội Liên hiệp phụ nữ TP cũng có trung tâm giới thiệu việc làm sẵn sàng tư vấn, tìm việc cho người lao động.

Người lao động phải trang bị nhiều kỹ năng mới


Bà Nguyễn Phương Mai
Bà Nguyễn Phương Mai

Bà Nguyễn Phương Mai - giám đốc điều hành Navigos Search, thuộc Navigos Group (công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao trực tuyến) - cho biết theo khảo sát trong tháng 5 của VietnamWorks, 40% người lao động đã mất việc và chưa có việc làm toàn thời gian trở lại. Trong số 60% lượng lao động còn đang đi làm thì phân nửa đã và đang bị giảm thu nhập.

Theo bà Mai, mặc dù có sự tăng trưởng về số lượng công việc 20% nhưng vẫn chưa đủ để cân bằng cán cân cung - cầu, khiến thị trường tuyển dụng và việc làm hiện nay cạnh tranh hơn bao giờ hết.

Về thay đổi nhu cầu tuyển dụng sau dịch, bà Mai nhận định xu hướng mới về kỹ năng số đối với người lao động đã được định hình. DN đòi hỏi người lao động phải đáp ứng được trạng thái "bình thường mới" như có kỹ năng số hóa, ứng dụng được công nghệ trong công việc hằng ngày và tận dụng công nghệ để tối ưu công việc.

Ngoài ra, DN cũng quan tâm đến ứng viên có khả năng kiêm nhiệm hoặc năng suất cao, kiến thức về ngành mới mẻ và kinh nghiệm làm việc, giải quyết tình huống khi có biến động thị trường.

Giảm lương không phải là sụp đổ

"Nhiều năm làm doanh nghiệp, thật sự chúng tôi hiểu không mấy ai muốn phải sa thải hay giảm lương người làm việc cho mình đâu. Bởi điều này không chỉ trực tiếp làm khổ các công nhân viên đó mà cũng ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, thậm chí hiệu quả công việc người còn ở lại. Và ngay cả bản thân những người làm chủ như chúng tôi cũng rất nặng lòng, uy tín doanh nghiệp cũng bị hao tổn" - anh Trần Nam Văn, doanh nhân ngành giấy bao bì ở TP.HCM, tâm sự.

Anh kể rằng mùa dịch bệnh COVID-19 này, anh đã suy nghĩ, dằn vặt suốt hơn 2 tháng. Và mãi đến giữa tháng 6, anh mới quyết định ký hạ lương một số người khi không còn cách nào khác. Mặc dù tư nhân, anh Văn vẫn mở cuộc họp kéo dài cả buổi để tâm sự "thấu tình đạt lý" với những nhân viên bị hạ lương.

Anh Văn tâm sự hai nội dung chính trong buổi họp: tình hình hết sức khó khăn của công ty khi đơn hàng bị sụt giảm hơn 40%, trong khi các chi phí đều tăng để trả lời tâm tư tại sao phải giảm lương và hứa hẹn khả năng hồi phục. Sau đó, anh lắng nghe nguyện vọng của họ...

"Tôi đã chuẩn bị cho cuộc họp thật nặng nề bởi đụng chén cơm manh áo anh em. Nhưng không ngờ họ hiểu và cảm thông" - Văn kể anh đã giấu nước mắt khi anh em trải lòng hiểu tình cảnh công ty, phải giảm lương là chẳng đặng đừng để giữ "ngôi nhà chung" khỏi phá sản và hi vọng mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn. Khi giám đốc Văn thông báo họ được nghỉ trọn hai ngày thứ bảy và chủ nhật, có người đã xin được đi làm bình thường nếu công ty cần mà vẫn đồng ý giảm lương...

"Lần đầu tôi phải làm việc không mong muốn này, nhưng đã thật sự hiểu nên làm thế nào để an lòng anh em mà không gây nặng nề, căng thẳng - anh Văn tâm sự - Điều đầu tiên doanh nghiệp cần làm khi phải hạ lương đội ngũ là sự chân thành".

Chủ doanh nghiệp nên cho công nhân hiểu rõ tình hình sản xuất, kinh doanh đang như thế nào khiến buộc phải hạ lương. Thứ hai và quan trọng nhất là cần cho họ biết kế hoạch phục hồi lương, thậm chí tăng lương, thưởng nếu vượt qua được khó khăn. Thứ ba là không nên chỉ có thư từ, email thông báo (dù viết cụ thể thế nào), mà cần tổ chức buổi trao đổi trực tiếp để có thể lắng nghe hết nỗi niềm và cảm thông nhau.

Giảm lương không có nghĩa là sụp đổ. Hãy thể hiện rõ niềm tin và có kế hoạch cho tương lai tốt đẹp hơn để giữ được người lao động.

MẠNH DŨNG
NGỌC HIỂN thực hiện (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Tội ác trong một mái ấm

Tội ác trong một mái ấm

Trong khi công tác bảo trợ trẻ mồ côi cũng như các chương trình chăm sóc bảo vệ trẻ em ở TP.HCM ngày càng được xã hội quan tâm và hầu hết mái ấm tình thương đều đóng góp tích cực vào hoạt động ý nghĩa này, thì vẫn có nơi đã, đang diễn ra những hành vi vô nhân tính.
Dưới lớp tro tàn Tân Lập

Dưới lớp tro tàn Tân Lập

(GLO)- Những phát hiện mới về Tân Lập gần đây cho phép khẳng định nơi này từng là một làng quê trù phú của người Việt. Hành động bức tử, xóa sổ Tân Lập (nay thuộc xã Đăk Hlơ, huyện Kbang) của giặc Pháp hồi tháng 3-1947 chỉ có tác dụng nhất thời. 
Mưu sinh đầu mùa nước nổi

Mưu sinh đầu mùa nước nổi

Dân miền Tây có câu tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ. Đó là tháng Bảy âm lịch, thời điểm nước tràn đồng trên miệt đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Một mùa đánh bắt cá của bà con cũng khởi phát, kéo dài suốt mấy tháng.
Hoài niệm ở chốn Kinh kỳ

Hoài niệm ở chốn Kinh kỳ

Bên cạnh cư dân người Việt có quê gốc tại chỗ, một số đông dân cư ngụ ở Phố Hiến là từ các địa phương khác về làm ăn sinh sống. Có một sự quần tụ nơi "đất lành".
Tiếng vọng đại ngàn

Tiếng vọng đại ngàn

Tháng 8 về, Buôn Đôn trong veo những mảng màu. Rừng xanh ầm tiếng tù và. Bên dòng sông chảy ngược Sêrêpốk, nơi các dũng sĩ săn voi (gru) trứ danh từng chinh phạt mãnh tượng, hồng hoang thương nhớ những cuộc đời huyền thoại...
Nghề làm đẹp cho… người chết!

Nghề làm đẹp cho… người chết!

Người sống cần làm đẹp đã đành, mà người đã khuất cũng có luôn? Tất nhiên, nhu cầu đó của người đã khuất, đa phần xuất phát từ người thân của họ, những người còn đang sống. Ai cũng hiểu, lúc sống thế nào thì thôi, nhưng đã về bên kia thế giới, thì còn gì nữa đâu?
Lang thang “chợ âm phủ” trên phố núi

Lang thang “chợ âm phủ” trên phố núi

Mặt trời ngả xuống núi, phố nhỏ lên đèn, êm đềm chìm trong làn sương trắng mong manh. Những gánh hàng rong kẽo kẹt ghì chặt từng đôi vai gầy. Các chị, các mẹ bắt đầu xuống “chợ âm phủ”, đem theo vận may một đêm chạy hàng.