Đi tìm rừng thiêng-Kỳ 1: Chinh phục đỉnh bách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Quần thể bách xanh núi đá cả chục nghìn hecta ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng rộng lớn và nguyên sinh cổ xưa của thế giới. Loài cây hơn 500 tuổi được mệnh danh "hóa thạch sống" này chứa đựng nhiều bí ẩn lạ lùng…
 
Khám phá rừng bách thiêng phải chinh phục nhiều dốc núi đá mạo hiểm
"Anh cứ cân nhắc quyết định, vì đường vách đá dựng đứng, dễ trơn trượt, rất nguy hiểm, đầy sên vắt, rắn rết…".
Lời khuyến cáo của ông Lê Thanh Tịnh, giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, không thắng nổi hấp lực về sự quý hiếm và độc đáo của rừng thiêng bách xanh. Chúng tôi quyết hẹn ngay ngày lên đường.
"Hóa thạch sống" trên đỉnh đá vôi
Từ động Phong Nha, chúng tôi vượt hơn 40 cây số theo đường tỉnh 562. Chiếc xe máy gầm gừ theo các con dốc dựng và ngoằn ngoèo giữa cánh rừng già.
Trời tối mịt, chúng tôi mới tới chốt bảo vệ km39 thuộc trạm kiểm lâm Thượng Trạch nằm cạnh bản Arem (Tân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình). Canh gác dưới cơn mưa đêm, phó trạm Nguyễn Xuân Bách dùng đèn pin soi kỹ từng xe ra vào, kể cả xe máy trước khi mở barie. 
Anh Bách tỉ tê nhiều chuyện vui buồn trong việc tuần tra giữ rừng, nhất là làm sao bảo vệ cho được quần thể bách xanh quý hiếm nằm trên những núi đá cao ngất...
Sáng sớm hôm sau, từ km39, kiểm lâm Lê Chiêu Tuấn cùng hai thanh niên người Arem dẫn chúng tôi chui qua tán lá rậm còn ẩm ướt, bò lên dốc đất dựng đứng. 
"Con đường" men theo mấy triền đá cao ngất, mọi người phải dùng tay lần nắm cho được cành hoặc rễ cây; chân thì tìm điểm tựa là mũi đá hoặc hốc đất để leo lên từng bước. Tôi nhìn xuống chân: bầy vắt cả chục con loe ngoe hút máu. Kiểm lâm Tuấn phải dùng ống thuốc xịt "giải cứu"...
 
Cây bách xanh cổ thụ với bộ rễ đẹp kỳ lạ trên đỉnh đá vôi cao 650m
Cảm giác thật đặc biệt dưới tán rừng rậm, đã 9h sáng mà như còn tinh sương. "Dừng lại, các anh cẩn thận, tránh giẫm bom" - Tuấn nói khi băng trên triền một dốc đá cao. Đó là quả bom bi nằm giữa một hốc đá nhỏ vừa được phát hiện gần đây và đang báo cho công binh giải quyết. 
Hai thanh niên Arem cho biết trước đây loại bom hiểm này rất nhiều và đã được vài lần thu gom xử lý. Việc bắt gặp bom đạn chưa nổ như thế là không hiếm trong những chuyến tuần tra giữa rừng sâu này...
Tuấn chỉ khối đá vôi cao mấy chục mét, dốc thẳng đứng lên trời: "Một quần thể bách xanh trên đó". Đoạn dốc cuối này mọi người phải dùng tay lần tìm từng mũi đá tai mèo để nhích lên từng bước một. Có đoạn phải lách qua các khe đá hẹp và chui qua những thân cây bách xanh chết mục đổ xuống ngáng đường.
Nhưng sự mệt mỏi như tan biến khi lên đến đỉnh cao 654m, khung cảnh rừng thiêng lạ lùng tưởng chỉ có trong cổ tích mở ra. Hàng chục cây bách có thế đẹp huyền bí như bonsai khổng lồ nhô lên từ các mũi tảng đá. Nhiều cây hai người ôm không xuể, cao vút lên trời. Độc đáo hơn cả là bộ rễ ngoằn ngoèo ôm trùm cả khối đá lớn, len lỏi uốn lượn như dòng thác qua kẽ đá, rồi đâm vào những hốc đá sâu.
Tuấn bảo không biết bách xanh sống bằng gì ở đỉnh đá vôi này bởi thảm thực bì hầu như không đáng kể và tuyệt nhiên không có nước mặt. Bên một thân bách lớn, anh diễn giải: "Các chuyên gia bảo cây này tuổi chừng hơn 500 năm, được xem là "hóa thạch sống" của vùng rừng già Phong Nha - Kẻ Bàng này".
 
Trái bom bi nguy hiểm giữa rừng già - Ảnh: THÁI LỘC
Người dẫn đường nhấn mạnh: "Anh nên chú ý sự kỳ ảo nằm ngay trên thân bách". Thật quá kỳ lạ khi hàng loạt loài thực vật sinh sống ngay trên vỏ thân và rễ bách. 
Ngoài nhiều loài rêu khác nhau, anh chỉ đám phiến lá rất nhỏ như đám bèo hoa dâu bám sát thân bách, hình tròn nối tiếp nhau màu xanh nhạt. Đó là lan "len bèo", một loài đặc hữu của VN có hoa li ti bằng hạt lúa màu vàng đậm nở tầm tháng 7.
Chen mọc trên mấy ngách vỏ thân bách còn có lan "môi dày" và mấy loài dương xỉ. Cạnh đó là loài cây có lá và mùi hương giống cây ngũ gia bì chống muỗi ở đồng bằng. Đặc biệt, trên một "khối u" sát gốc là nơi sống bám của cây "sâm bách" già. Củ sâm bằng ngón tay cái và dài hơn 10cm này, theo hai chàng trai Arem, người già thường lấy ngâm rượu làm thuốc chữa bệnh...
Những bài thuốc thiêng từ cây "pẹt" do ông cha truyền lại từ ngày xưa công hiệu lắm, nhờ nó mà tộc người Arem còn tồn tại cho đến ngày nay.

Ông ĐINH LẦU

Cây "pẹt" thần dược
Bản Arem ẩn giữa rừng thẳm ngay dưới đỉnh Ông Rầu chừng 700 thước cao có nhiều bách xanh cổ xưa, xung quanh là bạt ngàn rừng và lô nhô núi đá. Đêm thứ hai dưới mái nhà sàn giữa rừng hoang thẳm, già làng Đinh Lầu chậm rãi kể chuyện về người Arem của mình. 
Ông gợi nhớ hồi còn nhỏ cả bản sinh sống trong hang đá không biết thế giới bên ngoài là gì. Trong mỗi hang lớn có nhiều hốc đá thì mỗi gia đình mỗi hốc, có hang sống hơn chục gia đình, tất cả đều sống nhờ rừng, hái lượm và săn bắn.
Đến giai đoạn bom đạn chiến tranh, tộc người Arem được bộ đội tìm thấy. Và cũng nhờ bộ đội mà người Arem mới biết đến các vật dụng hiện đại và bắt đầu biết dùng vải thay vỏ cây che thân. Mãi đến thập niên 1980, người Arem ra khỏi hang, được hỗ trợ dựng nhà, nuôi trồng...
 
Trên thân bách có nhiều loài rêu xanh đẹp lạ lùng - Ảnh: THÁI LỘC
Bên bếp lửa bập bùng giữa rừng thiêng lạnh, kể chuyện tộc người mình, ông Đinh Lầu chợt kính cẩn khi nói về "pẹt" - cách gọi bách xanh của tộc mình: "Cây "pẹt" chính là thuốc thiêng cứu sống người Arem từ nhiều đời nay". 
Thời người Arem còn sống trong hang đá, thuốc chữa bệnh đều là thảo mộc, trong đó "pẹt" chữa được nhiều bệnh nặng. Mỗi lần có người đau đầu, người ta leo lên đỉnh núi đá vôi lấy rễ, vỏ và lá "pẹt" về nấu uống. Nếu đau ít thì nấu chừng 15 phút, đau nhiều thì nấu lâu hơn cho uống, đỡ bệnh ngay. 
Với bệnh đau lưng, người Arem chọn rễ "pẹt" già về xắt lát và ngâm rượu nặng, mỗi ngày uống nửa ly nhỏ. Bệnh đau bụng, bảy ngọn lá non của cây già được vò nát cho vào nước ấm lấy nước uống. Bệnh đau khớp thì vỏ và rễ "pẹt" xắt nhỏ, nấu cho nước cô lại, sóng sánh uống mỗi ngày mỗi tách nhỏ, vài ngày là đỡ bệnh.
Người Arem còn dùng lá "pẹt" tươi hơ trên than hồng rồi xoa vào chỗ da con nít bị ghẻ lở hoặc sưng tấy... "Những bài thuốc từ cây "pẹt" do ông cha truyền lại từ xưa công hiệu lắm, nhờ nó mà tộc Arem còn tồn tại cho đến nay" - ông Lầu trầm giọng kể.
Và trong sâu thẳm tâm trí tộc người ở rừng xanh, cây "pẹt" - bách xanh là vật thiêng của sự vững chãi và trường tồn... Ông Lầu kể sau khi Phong Nha - Kẻ Bàng thành vườn quốc gia (2001), ông lấy chính cây "pẹt" thiêng liêng làm biểu tượng vận động bảo vệ rừng già của bộ tộc mình…

Bách xanh đá (calocedrus rupestris aver) còn gọi là tùng hương, trắc bách diệp núi, tập trung chủ yếu ở sinh cảnh rừng trên đỉnh núi đá vôi. Bách xanh đá là loài đặc hữu của VN, được Sách đỏ thế giới xếp vào tình trạng bảo tồn nguy cấp.

Thái Lộc-Nguyễn Trọng (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.