Đi qua buồn đau

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Huyền kéo chiếc vali đồ của mình bước ra khỏi ngôi nhà đó mà không thèm ngoái đầu nhìn lại. Cô không khóc, khóc vậy đủ rồi.

Trong cô lúc này không hề có sự luyến tiếc nào mà chỉ cảm thấy kinh tởm. Kinh tởm cái lý lẽ ti tiện của con người mà cô từng gọi là chồng trong ngôi nhà đó.

Huyền vừa đi ra đến ngoài cổng thì chiếc taxi đã rề rề đi tới. Nữ tài xế bước xuống mở cốp xe, đặt chiếc vali vào trong thì Huyền cũng yên vị ở hàng ghế dưới. Nữ tài xế vừa ngồi vào xe đã hỏi:

- Đợt này em đi lâu hay sao mà mang nhiều đồ thế?

- Em đi luôn chị ạ! - Huyền trả lời, mắt cô nhìn lơ đễnh vào hàng cây bên đường đang dần lùi lại phía sau - Chị cho em về hẻm 85A Nguyễn Thiếp nhé.

Người nữ tài xế cho xe chạy bon bon trên đường, không hỏi gì thêm. Cô mở một bản nhạc không lời nhẹ nhàng, du dương. Huyền ngả người vào ghế, đôi mắt lim dim và dần thiếp đi. Nữ tài xế nhìn Huyền qua gương chiếu hậu. Chưa lần nào đi xe mà Huyền có vẻ mệt mỏi thế này.

Huyền về làm dâu nhà Lãm đã sáu năm. Suốt sáu năm, chưa bao giờ Huyền để cha mẹ, anh em nhà chồng phải phiền lòng mình bất cứ việc gì. Từ đối nội, đối ngoại, vun vén gia đình, cô lo toan đâu vào đấy. Nhưng bấy nhiêu việc tốt không đủ để người ta nhìn thấy mà níu cô ở lại nơi này. Mọi chuyện cũng bởi sau bao nhiêu năm chung sống, cô không sinh nổi cho Lãm một mụn con. Sau lần đi khám, nghe bác sĩ thông báo cô khó có thể mang thai được do vòng kinh không phóng noãn…, tai cô ù đi, cô tưởng như mọi thứ sụp đổ nhưng khi bác sĩ nói chỉ có khoảng ba phần trăm cơ hội mang thai nếu chịu khó điều trị và tất nhiên sẽ rất tốn kém, vậy là Huyền lại nuôi hy vọng.

Dù rằng hy vọng đó thật sự rất mong manh. Cô về nói với chồng. May mắn cho Huyền, nhà chồng cũng giàu có. Ừ thì điều trị, tiền bao nhiêu không quan trọng, quan trọng là mình có được con. Suốt mấy năm trời, tháng nào cô cũng lên xuống bệnh viện để thực hiện những biện pháp can thiệp, chịu bao đau đớn chỉ với mong muốn một ngày nào đó mình sẽ có tin vui. Nghe lời Lãm và ba mẹ chồng, Huyền nghỉ hẳn việc cơ quan, ở nhà toàn tâm tập trung cho việc điều trị.

Vài lần cô có biểu hiện nôn ói, bụng trướng, thèm chua. Mừng lắm. Cứ tưởng hạnh phúc mỉm cười, ai ngờ… Cô còn không tin que thử thai là chuẩn. Cô lại một mình đến bệnh viện, gặp bác sĩ điều trị cho mình rồi thất thểu ra về khi biết đó chỉ là những triệu chứng mang thai giả. Cũng tại do cô mong quá. Càng ngày Huyền càng xanh xao, gầy mòn. Nhà chồng thì ngày càng thờ ơ. Cô nhận ra điều đó nhưng vẫn gắng gượng, bởi chính cô còn nản, huống hồ…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Và rồi chuyện gì đến cũng đã đến. Sáu năm làm dâu, Huyền lại quay trở về nhà mẹ đẻ với chiếc vali ngày cô mang về nhà chồng. Ký vào tờ giấy ly hôn cô chẳng đòi hỏi một thứ gì từ Lãm. Khi tình cảm không còn thì mọi thứ đều trở nên vô nghĩa.

Taxi dừng trước con hẻm 85A Nguyễn Thiếp, Huyền mệt mỏi xuống xe. Ba mẹ đã đứng đó đợi cô. Ba đón chiếc vali từ tay nữ tài xế lặng lẽ kéo vào nhà. Mẹ đưa tay đón Huyền. Cô bỗng nhiên cảm thấy yếu mềm khi mẹ nắm tay cô vỗ nhẹ. Mẹ thủ thỉ:

- Về nghỉ ngơi đi con. Phòng ốc mẹ đã dọn dẹp, sắp xếp lại cả rồi.

Nước mắt Huyền bỗng lăn dài trên khuôn mặt trắng xanh. Cô lau vội hai bên má, thở hắt ra như trút đi một điều gì nặng nề đè nén trong lòng bấy lâu nay. Cô bước đi bên mẹ, cảm thấy thật bình yên. Mấy ngày vừa qua, Huyền luôn sống trong sự mệt mỏi, cô đã nghĩ tất cả lỗi do mình, đã cố níu kéo họ mà không biết rằng chính họ đã ngấm ngầm muốn đẩy cô ra khỏi gia đình đó từ lâu.

Huyền nằm dài trên giường, cô nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Mẹ cô nhẹ nhàng khép cửa phòng lại trước khi đi ra ngoài.

- Con bé ngủ rồi. Chắc con quá mệt mỏi.

Bà Ngân nói với chồng như vậy rồi thở dài. Ngày hai đứa nó yêu nhau, bà cứ mừng thấy thằng Lãm cũng hiền lành, tử tế, gia đình lại gia giáo, nề nếp nên ra sức vun vén. Ai nghĩ được rằng có lúc con mình phải chịu khổ thế này. Họ đối xử với nó chẳng ra gì khi biết nó khó sinh con. Ngoài mặt thì cười mà trong lòng thì nguội lạnh. Suốt ngần ấy năm mình nó chịu đau đớn, vất vả để chạy chữa, gia đình đó có biết đâu. Thằng Lãm nữa, đưa vợ đi được vài lần rồi bỏ. Bữa kêu bận, bữa kêu mệt, mặc con bé lên xuống điều trị. Rạc cả người mà con thì chẳng thấy đâu. Gia đình nhà chồng thì trở mặt nhanh hơn trở bàn tay. Đúng là "dò sông dò biển dễ dò, đố ai lấy thước mà đo lòng người".

Bà Ngân cứ than thở với chồng như vậy. Ông Thanh trầm ngâm, thi thoảng lại đưa mắt nhìn vào cửa phòng con gái. Ông nói bà nhỏ nhỏ cái tiếng lại, lỡ con nghe thấy lại buồn thêm. Đón con về nhà, ông không muốn con phải nghĩ gì chuyện cũ nữa. Ngày hôm qua buồn đau nên khép lại để sống một cuộc đời mới. Trước khi con vào phòng đi ngủ, ông đã nói với con như vậy.

Huyền vừa chợp mắt đã lại giật mình tỉnh dậy. Cô ngồi bó gối trên giường, trong căn phòng thân quen của cô ngày trước. Huyền cứ ngồi như vậy, lòng ngổn ngang bao suy nghĩ. Cô sắp xếp lại trong đầu những tháng ngày còn là vợ Lãm. Ngày hôm qua cô còn cố níu kéo, cố nài nỉ. Cố tin vào cái điều mà người ta nói là nghĩa vợ chồng.

Nhưng sau tất cả, sau buổi tối ngày hôm qua, cô biết chính cô phải là người kết thúc màn kịch này, họ đã không muốn diễn nữa, mình cô chỉ thêm vô vị, lạc lõng mà thôi. Chuyện ngày hôm qua lại như hiện ra trước mắt Huyền. Cô đang ủi quần áo cho chồng, Lãm kéo tay cô ngồi nói chuyện. Anh ta, với vẻ mặt vô cùng chân thành và buồn bã, nói:

- Mình ly hôn đi em. Anh không muốn em vì gia đình này mà khổ sở nữa. Anh thấy em tháng tháng cứ phải đi lại chữa trị như vậy, ngày càng xanh xao như vậy, anh không nỡ.

Huyền tròn mắt ngạc nhiên, còn tưởng mình nghe nhầm, còn tưởng chồng mình nói lung tung gì đó.

- Anh muốn giải thoát cho em. Em đã phải chịu khổ nhiều quá rồi!

Huyền còn chưa kịp phản ứng, anh ta liền đưa ra tờ giấy ly hôn. Bấy giờ, Huyền mới ngờ ngợ những điều anh ta nói là thật chứ không phải là một trò đùa nữa. Nhưng cô vẫn còn hoài nghi, cúi sát miệng chồng.

- Có phải anh vừa đi nhậu về không? Anh say rồi sao?

- Không em. Anh hoàn toàn tỉnh táo. Anh muốn em tìm được người tốt hơn anh…

- Anh càng nói em càng không hiểu. Vợ chồng mình vẫn sống rất tốt mà, sao anh lại nói như vậy? Em có gì sai sao? Hay là anh…?

Huyền chợt nghĩ đến cô em gái đành hanh của chồng mấy hôm nay hoạnh họe đủ kiểu, ngoa nguýt đủ kiểu. Cô còn chưa kịp kể với Lãm vì không muốn anh khó xử cơ mà. Huyền cuống quýt hỏi dồn:

- Tại sao tự nhiên anh lại muốn bỏ em? Em đã làm gì khiến anh khó chịu đến nỗi muốn ly dị? Anh cứ nói, em sẽ sửa.

Lãm quay đi thở dài:

- Em không có lỗi gì cả. Chỉ là anh không muốn em đi điều trị hiếm muộn nữa. Vô ích thôi. Sáu năm rồi còn gì.

- Thì ra là vậy.

Huyền buông tay chồng, ngồi phịch xuống ghế. Như chợt nhớ ra điều gì, cô chạy xuống dưới lầu. Ba mẹ chồng và cô em gái đang ngồi xem ti vi. Huyền sẽ nhờ ba mẹ nói với chồng cô.

- Ba! Mẹ!

Họ dường như không chú ý lời cô.

- Con có chuyện muốn nói với ba mẹ ạ!

Ba chồng Huyền vội giơ điều khiển bấm tắt ti vi. Huyền ngồi đối diện với họ, cô nói mà giọng gần như muốn khóc:

- Anh Lãm muốn bỏ con.

- Nó nói rồi à? - Mẹ chồng hỏi Huyền với một giọng bình thản.

- Ba mẹ biết rồi sao? Nhưng con có lỗi gì chứ?

Ba mẹ chồng Huyền nhìn nhau im lặng. Cô em chồng lên tiếng:

- Chị Huyền, em nói thật nhé. Anh em lấy vợ về đâu chỉ để làm cảnh. Cũng phải sinh con đẻ cái chứ. Anh em cũng đâu còn trẻ nữa, mà chị thì…

- Chị cũng đang cố gắng chữa mà. Con đang điều trị mà ba mẹ?

- Chữa gì nữa chị. Sáu năm rồi còn gì. Bao tiền bạc mà có thấy gì đâu.

Huyền bắt đầu không giữ nổi bình tĩnh. Cô nói mà gần như khóc:

- Vậy con sẽ nhận con nuôi. Chúng con sẽ nhận con nuôi cũng được mà.

Cả ba mẹ chồng đều quay nhìn Huyền với ánh mắt ngạc nhiên. Mẹ chồng khó chịu:

- Chị nói buồn cười quá, con trai tôi vẫn bình thường, vẫn có khả năng sinh con được, mắc mớ gì phải nhận con nuôi.

Huyền đã định nói thêm nhưng khi nghe mẹ chồng nói vậy, cô khựng lại. Vậy là đã rõ. Vậy là cô đã hiểu ý họ muốn gì. Họ đã ngấm ngầm nói với nhau điều đó, chỉ có cô khờ khạo, đến bây giờ mới biết. Vậy mà cô còn muốn ba mẹ chồng bênh mình. Cô đứng dậy, nói với ba mẹ chồng đúng một câu: Con hiểu rồi.

Cô trở về phòng. Lãm đang ngồi hút thuốc ngoài ban công. Tờ đơn ly hôn để trên bàn trang điểm của cô. Anh ta dụi thuốc, đi ra ngoài. Trước khi ra khỏi phòng, anh ta còn bảo Huyền:

- Tờ đơn anh đã ký rồi. Mai em ký cũng được. Tối anh không về.

Huyền ngồi phịch xuống giường như người mất hồn. Cả đêm đó cô trằn trọc không ngủ được. Cả đêm, Lãm đã không về thật. Cuối cùng cô cũng đặt bút ký. Giải thoát mình khỏi những đau đớn, những dằn vặt bởi cảm giác có lỗi khi mãi không sinh được con cháu cho gia đình nhà chồng. Cô sắp xếp đồ dùng, quần áo của mình và ra khỏi ngôi nhà đó khi trời vừa sáng.

***

Huyền đứng dậy vươn vai, cô ngắm mấy giỏ hoa ba treo bên ngoài cửa sổ, cảm thấy lòng nhẹ tênh. Cô sắp xếp lại lòng mình, không còn hối tiếc hay đau khổ nữa. Cô bước ra khỏi phòng. Dưới bếp ba mẹ cô đang cùng chuẩn bị bữa trưa. Cô ào xuống:

- Mẹ nấu gì mà thơm quá!

- Con nghỉ thêm đi, lát nữa xong mẹ gọi.

- Thôi, con nghỉ vậy đủ rồi. Chiều nay con đi với bạn nhé ba mẹ. Con muốn mua một số thứ, ngày mai sẽ đi xin việc làm lại.

Huyền sà vào phụ mẹ. Ông Thanh, bà Ngân nhìn con rồi nhìn nhau mỉm cười. Họ tin con gái mình sẽ mạnh mẽ bước qua biến cố cuộc đời để sống một cuộc đời hạnh phúc.

Trương Thị Thúy

Sinh năm 1985, quê ở huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, đang là giáo viên tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Bắt đầu sáng tác từ năm 2014 cho đến nay, Trương Thị Thúy có nhiều tản văn, truyện ngắn đăng trên các báo và tạp chí; từng tham gia một số cuộc thi viết và được giải như: giải ba cuộc thi viết về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 do Quán Chiêu văn tổ chức năm 2020, giải khuyến khích cuộc thi viết Vu lan - tình người trong đại dịch do Tạp chí Phật giáo tổ chức năm 2021...

Có thể bạn quan tâm

Mùa nấm mối

Mùa nấm mối

(GLO)- Đã 3 mùa mưa qua, khu vườn nhà tôi đều xuất hiện nấm mối. Những búp nấm nhú lên mặt lá ủ sau một thời gian dài ủ meo mầm, khi gặp cơn mưa đầu mùa rồi nắng lên vài hôm, có cơn mưa tiếp theo là những tai nấm mối thân trắng, núm đầu dù màu xám đội lên từng khóm.

Dã quỳ trong sương đêm

Dã quỳ trong sương đêm

(GLO)- Dã quỳ là biểu tượng của sức sống mãnh liệt, kiêu hãnh. Khi gợi nhắc sắc hoa màu nhớ, người ta thường nghĩ đến màu vàng rực rỡ trong nắng ban mai, trong buổi bình minh hé giấc hay rực ấm lúc chiều tà.

Thương hoài bếp lửa

Thương hoài bếp lửa

(GLO)- Ở quê, mẹ tôi vẫn dùng bếp củi. Mỗi lần về quê, tôi rất thích ngồi bên bếp lửa ấy, thi thoảng lại dụi đầu vào vai mẹ. Ngọn lửa tí tách reo vui gọi về trong tôi biết bao kỷ niệm ấu thơ.

Thân Thương loài hoa của núi - Dã quỳ

Thân thương loài hoa của núi

(GLO)- Khi những cơn mưa cuối mùa khép lại báo hiệu mùa khô Tây Nguyên đã đến, những dải hoa dã quỳ (còn có tên cúc quỳ, sơn quỳ, quỳ dại,…) bắt đầu vươn mình khoe sắc. Những đóa hoa dã quỳ nhỏ bé, tràn đầy năng lượng và sức sống, tạo nên những dải sóng đồi vàng rực, mê hoặc lòng người.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Nhớ mùa cà phê

(GLO)- Lâu lắm rồi, tôi mới có 1 ngày nghỉ rớt vào giữa tuần. Vui vẻ tận hưởng ngày nghỉ đột xuất cũng là một cách để hưởng thụ cuộc sống. Tôi lấy điện thoại ra gọi bạn. Sau một hồi chuông dài, tôi nghe tiếng bạn giữa vô số thanh âm ồn ào. Bạn nói đang bận hái cà phê.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Vườn quê giữa phố

(GLO)- Chẳng biết chủ vườn là ai nhưng tự nhiên lại thấy mến khi họ đã mang chút hương đồng gió nội vào chốn phố xá chật chội. Vườn có rau cải ngồng, diếp cá, rau lang, chuối xanh... Bao nhiêu món rau quê cứ thế bày biện.

Áo bà ba

Áo bà ba

(GLO)- Đang mua hàng thì bỗng nhiên tôi cảm thấy có người phía sau nhìn mình. Tôi quay đầu lại và bất giác mỉm cười chào chị.

Thạch sương sâm - Món quà ký ức

Thạch sương sâm - Món quà ký ức

(GLO)- Khu chợ Bà Định (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đông đúc kẻ bán người mua với đủ thực phẩm tươi rói vào sáng sớm. Vậy nhưng, hàng thạch sương sâm của bà Nguyễn Thị Hoa (trú tại 34/25 Hoàng Sa, TP. Pleiku) luôn có sức hút đặc biệt. Dù nắng hay mưa, hàng của bà luôn bán hết trước 8-9 giờ sáng.

Gửi lại trên đồi

Gửi lại trên đồi

(GLO)- Đôi khi, một chuyến đi xa chỉ chừng mấy mươi cây số cũng đủ khiến chúng ta bước ra khỏi cái vòng quẩn quanh thường nhật, thu lấy một ít năng lượng mới trước khi mình bị “mòn” đi bởi những trật tự cũ càng.

Chênh chao mùa về

Chênh chao mùa về

(GLO)- Những ngày này, mưa dường như đã ngừng rơi. Khoảng mênh mông bao la chờn vờn mây trắng bỗng trở thành phông nền cho bức tranh thiên nhiên vời vợi nắng. Gió cũng đã thao thiết trở mùa.

Chiếc áo ấm cũ

Chiếc áo ấm cũ

Mấy ngày nay trời trở lạnh. Mẹ lúi húi dọn tủ đồ, rồi lấy ra chiếc áo len đã cũ, phần ống tay đen nhẻm, lại còn bị bung chỉ một đoạn. Thay vì bỏ đi, mẹ vuốt ve rồi lấy kim chỉ ra khâu khâu vá vá.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Thương những tàn phai

(GLO)- Giao mùa, khi làn gió mang hơi lạnh ào qua, những chiếc lá khô bứt khỏi cành rơi lả tả. Một chiếc lá rơi, một cánh hoa tàn, một buổi chiều nhạt nắng tạo nên khung cảnh tịch liêu với vẻ đẹp rất riêng. Có người bảo đó là cái đẹp của sự tàn phai.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Đồ cũ

(GLO)- Có lẽ thuộc tuýp người hoài cổ nên tôi thường tiếc nuối những điều thuộc về xưa cũ. Đôi khi, không hẳn là những khắc khoải mơ hồ mà ám ảnh tôi bằng cả một vùng ký ức ắp đầy nhớ thương day dứt. Một ngày bất giác chạm vào, lòng lại chênh chao nhớ người, nhớ về một thời gian khó ngày xưa.

Bước chạy trong mây

Bước chạy trong mây

Một cuốc chạy bộ ngẫu hứng, từ bờ biển Mân Thái lên đỉnh Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) cho tôi vỡ ra nhiều điều. Tôi tự nhủ mình đang có những bước chạy trong mây...

Minh họa: HUYỀN TRANG

Hoài niệm thư tay

(GLO)- Khi ngồi bên hiên nhà cùng cơn mưa cuối mùa, tôi lại nhớ về những người bạn thân từ thuở nhỏ. Đã mấy lần cầm điện thoại, định gọi hoặc nhắn tin trong nhóm, nhưng rồi lại thôi.