Di dân tự do - những "cuộc chiến" và hệ lụy-Kỳ 2: Những "cuộc chiến" không hồi kết và không bên nào thắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Cuộc chiến” - những “cuộc chiến” thật sự, lúc âm ỉ lặng lẽ, lúc “binh đao” đổ máu… giữa những di dân tự do và lực lượng bảo vệ rừng đã và đang diễn ra trên những cánh rừng Tây Nguyên. Một bên chỉ để kiếm cơm, một bên quyết bảo vệ những mảnh rừng còn sót lại cùng việc chủ quyền đất đai được Nhà nước giao phó. Đó là những “cuộc chiến” không hồi kết, chưa hồi kết và gần như không có bên nào thắng. Chỉ có những cánh rừng là luôn thua với những thân cây thi nhau ngã rạp…

Xung đột dữ dội

Ông Nguyễn Trọng Đạt - 53 tuổi - nhân viên lão làng của Hợp tác xã Hợp Tiến - đón chúng tôi ở cửa rừng sau chặng đường ra bỗng nhiên dài lê thê bởi trong đoàn ai cũng thấm mệt, toàn thân lấm lem bùn đất. Ông bảo “anh em mình gặp được nhau, đi cùng nhau một đoạn là duyên số, thôi thì vào đây cùng ăn uống với anh em trạm bảo vệ rừng chén rượu cùng cơm tối”. “Vào đây” là vào “căn cứ” chính của lực lượng bảo vệ chốt ngay cửa rừng - một căn nhà gỗ sơ sài, thiếu vắng phương tiện chẳng khác gì người dân Boontin sống trong rừng và tệ hơn cả là vẫn không có điện lưới.

 
“Cuộc chiến” giữa lực lượng bảo vệ rừng (bên trái) và những di dân tự do không có bên nào thắng, chỉ có rừng luôn thua.
“Cuộc chiến” giữa lực lượng bảo vệ rừng (bên trái) và những di dân tự do không có bên nào thắng, chỉ có rừng luôn thua.

“Dã chiến thôi” - ông Đạt thanh minh - khi thấy chúng tôi ái ngại. Ông bảo khó khăn như thế này vẫn chưa thấm gì so với việc nhiều đối tượng vào phá rừng có hành vi côn đồ, sử dụng vũ khí và sẵn sàng chống người thi hành công vụ. Thủ đoạn của các đối tượng cũng vô cùng tinh vi. Chúng thường lựa thời điểm ban đêm hoặc trời mưa lớn dùng cưa tay vào phá rừng với hình thức lẻ tẻ. “Không biết bao nhiêu lần đang ăn như thế này, nghe đâu đó có tiếng cưa máy xé cây là anh em chúng tôi bỏ đũa tìm đến xua đuổi, ngăn chặn. Và thường 10 lần thì có đến 8 lần chúng tôi bị dân chống trả quyết liệt dù họ đang xâm phạm đến rừng của mình”.

Trò chuyện một lúc, ông Đạt kéo áo cho chúng tôi xem vết thương ở cánh tay phải - hậu quả một trận xô xát giữa ông và di dân tự do ở thôn Boontin - liên quan đến chuyện đất rừng mới đây. “Nhưng vết thương như thế này là chuyện thường ngày, kinh hoàng nhất vẫn là một đêm của tháng 5.2016” - ông Đạt nhớ lại. Đó là thời điểm cao trào của việc di dân tự do ở Boontin phá rừng với những diễn biến rất phức tạp và không lường trước được.

Sau nhiều ngày mai phục tại tiểu khu 1644 do HTX Hợp Tiến quản lý, lực lượng kiểm lâm cùng nhân viên HTX lập đoàn liên ngành vào rừng xác minh và phát hiện hiện trường vụ phá rừng tại khoảnh 2, tiểu khu 1644. Thời điểm đoàn tiến hành kiểm tra, xác định tại khu vực rừng bị phá có khoảng 10 người dân địa phương (là dân tộc Dao và dân tộc tại chỗ) kéo đến cản trở, lăng mạ, cản trở đoàn làm việc.

Để tránh dẫn những hậu quả đáng tiếc xảy ra, đoàn liên ngành tiếp tục nhanh chóng liên hệ Công an xã Quảng Sơn có công cụ xử lý đến hiện trường nhưng vẫn không ngăn được sự quá khích từ phía người dân. “Lúc đó, chúng tôi đã thực hiện nhiệm vụ thì xuất hiện một số người dân mang theo súng kíp tự chế đến hiện trường nổ súng hăm dọa. Sự việc bất ngờ nhưng đoàn công tác đã khống chế một đối tượng nổ súng và đưa về chốt bảo vệ này, lúc đó tầm 3h sáng”- ông Đạt kể.

“Chúng tôi vừa nằm xuống tranh thủ chợp mắt, nhưng chưa kịp ngủ thì đã bị dựng dậy bởi hàng chục đối tượng trong rừng ào ra mang theo vũ khí “nóng” kéo vào để cứu người, đập phá chốt, đập phá xe ôtô của HTX Hợp Tiến và tấn công người tới tấp. Anh em chúng tôi bất ngờ và bị động nên không còn cách nào khác là tháo chạy vào rừng để bảo toàn tính mạng. Hậu quả, một kiểm lâm viên Hạt kiểm lâm huyện Đắk Glong bị đánh gãy xương cánh tay trái”.

Mãi sau này, ông Đạt và các cộng sự mới biết họ đã mắc một sai lầm tai hại: Họ đã còng tay đối tượng nổ súng nhưng lại quên thu… điện thoại di động. Và trong lúc họ nghỉ ngơi thì đối tượng nổ súng đã nhắn tin cho đồng bọn đến giải cứu!

“Họ phá đã lên đến hàng trăm hécta, phần lớn là rừng nguyên sinh”

Chúng tôi đem câu chuyện xung đột giữa lưu dân và lực lượng bảo vệ rừng trao đổi với ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch HTX Nông nghiệp - Dịch vụ - Môi trường Hợp Tiến (HTX Hợp Tiến), đơn vị quản lý rừng địa phương. Theo ông Đức, năm 2011, HTX Hợp Tiến được UBND tỉnh Đắk Nông cho chủ trương xin thuê đất, thuê rừng tại hai tiểu khu 1644, 1645 (thuộc thôn Bonntin) do Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn quản lý. Tuy nhiên, mãi đến năm 2016, UBND tỉnh mới chính thức có quyết định giao cho HTX Hợp Tiến tổ chức sản xuất Nông, Lâm Nghiệp và quản lý bảo vệ rừng theo mô hình kinh tế tập thể tại hai tiểu khu 1644, 1645.

Quyết định được ký nhưng thực tế, HTX Hợp Tiến chưa thể quản lý được diện tích đất rừng trên bởi ngành chức năng chưa cắm mốc thực địa, phân định ranh giới đâu là đất do HTX quản lý, đâu là đất của người dân… Từ đó dẫn đến nhiều vụ xung đột, xô xát liên tục giữa lực lượng quản lý, bảo vệ rừng và người dân sống tại tiểu khu 1644, 1645.

Và trong khi lực lượng bảo vệ rừng bảo rằng người dân đang lấn chiếm, phá rừng đã có chủ thì người dân, khi trao đổi với chúng tôi lại khẳng định rằng đất rừng này là họ mua lại của người bản địa nên họ có quyền canh tác. Là một trong những hộ dân đầu tiên đặt chân sống tại thôn Boontin, ông Ninh Xuân Hiền, một sĩ quan công an nghỉ hưu và là người Kinh duy nhất ở đây cho biết: Ông cùng những di dân khi đến đây được dân bản địa san nhượng diện tích đất rừng hiện ở và canh tác trong nhiều năm qua. “Chúng tôi mong muốn chính quyền thừa nhận diện tích đất này để người dân an tâm sinh sống. Chúng tôi sinh sống và canh tác ở đây có hợp pháp hay không vẫn chưa được cơ quan thẩm quyền kết luận nhưng lực lượng bảo vệ rừng nhiều lần yêu cầu tháo dỡ nhà cửa, vườn tược là không hợp lý ” - ông Hiền bức xúc.

Ông Nguyễn Việt Hùng - đội phó đội bảo vệ rừng thuộc HTX Hợp Tiến, thừa nhận, đất rừng tại tiểu khu 1644, 1645 những năm trước từng có việc người dân tại chỗ san nhượng lại đất cho dân di cư tự do nhưng phần lớn đều là giấy viết tay, cơ sở pháp lý không rõ ràng. “Mỗi hộ dân thường mua lại từ 4 đến 5 sào đất của người dân tại chỗ. Theo thời gian, từ diện tích đất ban đầu, dân di cư mở rộng lên vài hécta để có đất sản xuất. Việc san nhượng đất rừng bằng giấy viết tay chưa rõ ngọn nguồn thế nào nhưng không ít lần nhân viên HTX yêu cầu cung cấp, nhiều người không thể đưa ra giấy tờ san nhượng đất hoặc khẳng định bị thất lạc do… cháy nhà”- ông Hùng nói.

 

“Đáng báo động là từ năm 2011, khi được giao rừng, chúng tôi phát hiện tại tiểu khu 1644, 1645 có vài hộ dân sống giữa rừng tự nhiên nhưng đến nay đã lên đến hàng trăm hộ dân. Và theo một thống kê chưa đầy đủ, hiện diện tích rừng mà họ phá đã lên đến hàng trăm hécta, phần lớn là rừng nguyên sinh. Toàn bộ sự việc tôi đều báo cáo lên chính quyền các cấp nhưng không được vào cuộc mạnh mẽ hoặc xử lý chưa kiên quyết”.

Gần đây, sự việc tại thôn Boontin tiếp tục có diễn biến xấu hơn khi người dân trong thôn phản ánh với chúng tôi, quá trình đưa nông sản ra ngoài rừng tiêu thụ, hàng loạt xe máy của người dân liên tục bị bất ngờ thủng lốp. Và thủ phạm chính là những cây đinh nhọn hoắt không biết ai rải xuống đầy đường độc đạo. Chưa dừng lại, nông sản, cụ thể là những trụ tiêu của người dân đang xanh tươi bỗng nhiên lăn đùng ra chết hàng loạt và họ nghi là bị ai đó (có người còn nêu đích danh là người của HTX Hợp Tiến) hạ độc. Đó là những cái chết không hề tự nhiên.

Người dân khẳng định và trìnnh báo với chính quyền địa phương. Và lúc chúng tôi có mặt ở Boontin, chính quyền thôn cũng đã cử một cán bộ an ninh vào đó mật phục để quay phim, chụp ảnh làm bằng truy tìm thủ phạm. Nhưng “đã hai đêm thức trắng, tôi vẫn chưa thấy và quay được thủ phạm” - cán bộ an ninh thôn Boontin - cho biết. “Ông có biết việc tiêu ở Boontin chết hàng loạt không? và người dân đang nghi ngờ là do cán bộ HTX Hợp Tiến đầu độc?”. Chúng tôi đặt câu hỏi với ông Nguyễn Trọng Đạt. Ông Đạt giãy nảy: “Họ vu khống chúng tôi đó, chúng tôi không bao giờ làm những chuyện như vậy. Các anh đừng có tin lời họ!”.

Thật tình thì chúng tôi chẳng biết phải tin ai bởi quanh những cánh rừng, những di dân tự do và lực lượng bảo vệ rừng của HTX Hợp Tiến, hình như đang có rất nhiều “sự thật” bị chồng lấn lên nhau, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn, khẩn trương hơn của các cơ quan chức năng để làm rõ. Và đương nhiên, nhiều “sự thật” chồng lấn như thế này, ở Tây Nguyên không chỉ có mỗi ở thôn Boontin!

Hoàng Văn Minh-Hữu Long/laodong

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.