Di chỉ khảo cổ học Lung Leng - Bức tranh toàn cảnh thời tiền sử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lung Leng là di chỉ có tầng văn hóa nguyên vẹn phản ánh các giai đoạn phát triển cơ bản từ thời đại đá cũ đến thời đá mới, qua thời kỳ kim khí, thậm chí cả vết tích khảo cổ học thời kỳ lịch sử sau này.
Công cụ đá tìm thấy tại di chỉ Lung Leng được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam)
Công cụ đá tìm thấy tại di chỉ Lung Leng được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam)
Cuối năm 1999, một phát hiện khảo cổ học đã làm chấn động giới khoa học trong nước, đó là việc phát hiện di chỉ khảo cổ học Lung Leng.
Di chỉ Lung Leng thuộc xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, nằm trên hữu ngạn sông Pô Kô, cách thị xã Kon Tum khoảng 15km về phía Tây.
Toàn di chỉ có diện tích khoảng 15.000m2 và ở cao trình 503-509 m trong vùng ngập vĩnh viễn của lòng hồ thủy điện Yaly.
Đợt khai quật đầu tiên vào tháng 9/1999, chỉ với diện tích 106m2 đã phát hiện hàng trăm di vật đá, hàng vạn mảnh gốm các loại, báo hiệu sự phong phú tiềm tàng của di chỉ khảo cổ học quan trọng này. Nửa cuối năm 2001, di chỉ được khai quật toàn bộ.
Đây là một trong những cuộc khai quật khảo cổ học có quy mô lớn nhất nước ta.
Lung Leng đã cung cấp một hệ thống di tích và hiện vật vô cùng phong phú. Qua di chỉ văn hóa này, chứng tỏ người tiền sử đã có mặt, sinh sống ở đây từ trước một vạn năm. Bước đầu, một xã hội Tây Nguyên thời tiền sử đã tái hiện.
Qua khai quật, người ta thấy Lung Leng là di chỉ có tầng văn hóa nguyên vẹn phản ánh các giai đoạn phát triển cơ bản từ thời đại đá cũ đến thời đá mới, qua thời kỳ kim khí, thậm chí cả thời kỳ trung đại.
Lung Leng không chỉ là một di chỉ cư trú mà còn có tính chất di chỉ xưởng chế tác đá, sản xuất đồ gốm, đồng thời đây cũng là di chỉ mộ táng.
Dấu tích cư dân hậu kỳ đá cũ được tìm thấy trong lớp đất laterite hóa ở độ sâu 1,2-1,4m. Họ chế tác và sử dụng công cụ ghè đẽo thô sơ, kích thước lớn làm từ cuội thạch anh hoặc đá Bazan như các công cụ mũi nhọn, công cụ chặt rìa lưỡi dọc, công cụ nạo hình múi bưởi...
Qua những gì tìm thấy, cho thấy họ sống trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, hơi khô của giai đoạn cuối Cánh tân (pleistocene) cách đây trên một vạn năm. Hoạt động kinh tế của họ chủ yếu là săn bắn, hái lượm, chưa biết đến nông nghiệp, chưa biết kỹ thuật mài và chưa biết làm gốm.
Gần chúng ta hơn, ngay lớp đất trên là vết tích văn hóa hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí, tương ứng với niên đại Toàn tân (Holocene), từ 2000 đến 4000 năm trước. Đây là nơi tập trung với mật độ cao nhiều loại hình di vật, di tích như rìu bôn đá mài toàn thân, bàn mài, hòn ghè, hòn nghiền, đồ gốm, than tro, lọ nung, mộ táng...
Qua đây, có thể thấy họ định cư ngoài trời thành buôn bản, làm nông, săn bắt, hái lượm, đánh cá, chế tác các đồ gốm và luyện kim lọai màu.
Cụ thể, tại Lung Leng đã tìm thấy nhiều loại di tích bếp lửa, lò luyện kim loại, mộ táng, di cốt người và dấu vết thực vật vỏ trấu.  Nghề trồng lúa đã xuất hiện rất sớm tại Tây Nguyên.
Di tích bếp tìm thấy ở nhiều nơi nhưng tập trung nhất là ở trung tâm của di chỉ. Trong bếp có than tro, ken nhiều mảnh gốm... Một số bếp có đá phiến xếp xung quanh, dãn cách khá đều và ở độ cao xấp xỉ nhau. Có thể đây là những tảng đá để các thành viên trong bộ lạc cổ ngồi quây quần bên bếp lửa.
Lò luyện kim 18 lò, có lò có quy mô lớn, chân các lò thường nằm trên các vỉa gốm. Một số lò còn tìm thấy dấu vết trụ kê của nghề đúc, than tro củi khi đun và vết tích thành lò bị sập sau khi sử dụng.
Đây là những lò luyện sắt, không loại trừ khả năng là lò luyện đồng bởi trong di tích đã tìm thấy xỉ sắt, quặng sắt, khuôn đúc rìu đồng. Niên đại các lò này có thể vào khoảng thế kỷ 1 trước công nguyên.
Điểm mới lần này là tìm thấy mộ nồi vò úp nhau và mộ kè gốm cho thấy tục táng người chết của cư dân cổ. Mộ chum vò có khá nhiều trong di chỉ, đó là mộ được chôn trong chum hay vò có kích thước lớn, thân hình cầu hoặc nửa quả trứng, đường kính miệng khá lớn.
Có hai mộ chum lồng vào nhau, có mộ có nắp đậy, trên nắp có đá đánh dấu mộ. Có mộ tìm thấy xương người. Phần lớn mộ chum được trang trí hoa văn khắc vạch, văn in hình răng sói ở mặt trong phần miệng với các mô típ khác nhau, một số tô thổ hoàng bên trong.
Mộ nồi vò úp nhau là mộ có miệng nồi và miệng vò úp vào nhau. Kích thước nồi vò thường nhỏ hơn mộ chum. Mộ kè gốm là mộ người xưa đập đồ gốm lấy mảnh lớn và kè xung quanh làm biên mộ.
Hiện vật thu ở Lung Leng gồm đồ đá, đồ gốm và kim loại. Theo thống kê đồ đá có trên 23.000 tiêu bản, đồ gốm khoảng một triệu mảnh, đồ sắt rất ít. Khối lượng hiện vật thu được là rất lớn: 14.552 hiện vật đá (gồm cả giai đoạn hậu kỳ thời đại đồ đá cũ đến cuối thời đại đồ đá mới - sơ kỳ kim khí), bao gồm các loại hình: Công cụ sản xuất, vũ khí, đồ trang sức... 244 hiện vật gốm các loại, hàng triệu mảnh gốm; 37 hiện vật kim loại.
Nhóm công cụ ghè đẽo không nhiều, đa số không định hình, có một số ít là công cụ mũi nhọn, công cụ chặt rìa lưỡi dọc, công cụ nạo hình múi bưởi, hình phần tư viên cuội, kiểu rìu ngắn và hình bầu dục. Những công cụ này được làm từ cuội thạch anh hoặc quác dít, đôi khi từ đá ba dan, kích thước tương đối lớn.
Nhóm công cụ mài lưỡi ít nhất. Nhóm công cụ mài toàn thân có số lượng lớn và là nhóm chủ đạo ở Lung Leng, gồm các loại: Cuốc, bôn hình răng trâu, rìu bôn có vai, rìu bôn tứ giác và dao đá. Nhóm bàn mài, hòn ghè, hòn nghiền, cưa, mũi khoan, bánh đà có số lượng lớn.
Nhóm công cụ liên quan đến luyện kim là khuôn đúc rìu đồng, loại 2 mang. Đồ trang sức bằng đá có hạt chuỗi, vòng tay, khuyên tai. Mỗi loại lại có nhiều kiểu khác nhau. Một số được làm từ đá néphrít, mã não hạt cứng, mịn, vân đẹp.
Đồ gốm có nồi, bình, vò, bát bồng, ấm, cốc, nắp đồ đựng, cây đèn, dọi xe sợi, con kê... một số bình và bát bồng trang trí hoa văn đẹp. Về cơ bản đồ gốm ở đây là loại gốm thô dày làm từ đất sét pha cát hạt thô; miệng hơi loe hoặc thẳng đứng, mép miệng bè ra, trên mép miệng đôi khi có rãnh.
Thân cong dạng nồi hoặc gần thẳng dạng vại, đáy liền. Trên phần miệng trang trí văn in ấn hình răng sói, đôi khi kết hợp với khắc vạch các đường song song.
Nhìn chung, đồ gốm Lung Leng có nhiều kiểu dáng, kích cỡ khác nhau và nhiều chức năng khác nhau. Một số đồ gốm được làm bằng bàn xoay với kỹ thuật cao, một số nặn tay khá tinh xảo, được nung ở nhiệt độ tương đối cao, chín đều. Một số tô thổ hoàng hoặc đen ánh chì.
Có thể nói, Lung Leng nằm ở vị trí hết sức thuận lợi cho việc cư trú lâu dài của cư dân thời tiền sử. Điều này được thể hiện ở các điều kiện địa lý cảnh quan, môi trường, khí hậu, thủy văn và quần xã động thực vật trong vùng, trong đó vai trò của sông Krông Pôkô là hết sức quan trọng.
Qua tổng thể di tích, di vật, có thể thấy Lung Leng là một di chỉ khảo cổ học đặc biệt quan trọng, có nguồn sử liệu phong phú, đóng góp vào việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa quá khứ xa xưa của dân tộc.
Theo Vietnam+

Có thể bạn quan tâm

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

Chuyện một “công trình sư” Bahnar

(GLO)- Sau khi hoàn tất việc cắt lúa, ông Chánh thư thái ngồi trò chuyện cùng chúng tôi bên ghè rượu. Phẩm chất nghệ sĩ của người nông dân với tư cách “công trình sư” một loạt công trình, mô hình ghi dấu bản sắc văn hóa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hiện diện trước mặt chúng tôi.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

Ngân vang giai điệu cồng chiêng

(GLO)- Suốt 1 tháng qua, sau khi hoàn tất công việc gia đình, những người nông dân Jrai chân chất, mộc mạc ở tổ 6 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) lại say sưa luyện tập đánh cồng chiêng.