Đến hồ Kẻ Gỗ thăm đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đã rất nhiều lần đến xứ Nghệ, nhưng gần đây tôi mới được các đồng nghiệp cũ ở Báo Hà Tĩnh đưa đến nơi mà người bản địa coi là “chốn bồng lai tiên cảnh”-hồ Kẻ Gỗ.
Tôi biết đến nơi này là nhờ ca khúc “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Ấy là những năm 1978-1979, khi tôi còn học ở Trường Sĩ quan Cơ yếu Xuân Hòa (tỉnh Vĩnh Phúc). Tại đây có nhiều học viên quê Nghệ Tĩnh, các bạn rất tự hào về xứ Nghệ vốn có bề dày truyền thống trong đấu tranh chống xâm lược, xây dựng, cải tạo quê hương sau ngày thống nhất đất nước. Những ca khúc về Nghệ Tĩnh luôn được các bạn cùng lớp truyền bá, vì thế mà tôi đã từng thuộc “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” với... “Nghệ Tĩnh mình ơi sông Lam rọi núi Hồng/Bạn về theo bạn đào núi ngăn sông...”. Yêu bài hát, yêu luôn xứ và người ở đấy.
 Đường lên đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Ảnh: Đ.M.P
Đường lên đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Ảnh: Đ.M.P
Trong hồi ký “Xứ Đông Dương” của tác giả Paul Doumer (Toàn quyền Đông Dương từ năm 1897 đến 1902) có đoạn nói về vùng đất Bắc miền Trung khô cằn sỏi đá, nắng thì hạn, mưa thì lũ lụt; người dân luôn khó khổ, đói kém, có năm nhiều người chết vì đói, vì dịch bệnh tràn lan. Theo tác giả hồi ký, muốn cải thiện cuộc sống cho người dân ở vùng đất này, chỉ có cách mở rộng giao thương, làm đường sắt ra Bắc vào Nam và… tìm cách ngăn lũ, chống hạn. Có lẽ vì thế mà từ những năm đầu thập kỷ 20 của thế kỷ trước, người Pháp đã lập đồ án xây dựng hệ thống thủy nông, mà đập chính là ngăn con sông Rào Cái, tạo hồ chứa tự nhiên-Kẻ Gỗ. Thế rồi chiến tranh liên miên, công việc xây hồ đắp đập của người Pháp bị đình trệ. Đến sau ngày đất nước thống nhất, các nhà thủy lợi của ta mới bắt tay vào tiếp tục công cuộc chinh phục sông Rào Cái, tạo nên một công trình đại thủy nông với sức chứa gần 350 triệu m3 nước, tưới cho trên 17.000 ha cây trồng trên địa bàn của các huyện trọng điểm của vùng hạn là Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê...
Công trình hồ chứa nước Kẻ Gỗ, theo như chúng tôi biết, là một trong những công trình đại thủy nông được Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện. Ngày 26-3-1976, công trình được chính thức khởi công. Cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn đã nhiều lần đến công trường thăm hỏi, động viên hàng vạn cán bộ, công nhân tích cực lao động, không quản ngại ngày đêm, mưa nắng, thời tiết khắc nghiệt của vùng “đất lửa” này. Và vì thế mà công trình đại thủy nông hồ Kẻ Gỗ, chỉ trong 4 năm thi công, đã hoàn thành và đưa vào khai thác (26-3-1980). Hồ Kẻ Gỗ chỉ cách TP. Vinh (tỉnh Nghệ An) chừng 70 km về phía Nam, cách TP. Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) cũng chỉ có 20 km, do vậy đường đến nơi “tiên cảnh” này rất thuận lợi cho tất cả các loại phương tiện đường bộ. 
Các bạn đồng nghiệp Hà Tĩnh đưa tôi đến Kẻ Gỗ từ đường Hà Huy Tập (TP. Hà Tĩnh) theo quốc lộ 1A về phía Nam, đến Cẩm Bình thì rẽ phải, chạy “một hơi” thôi là hồ Kẻ Gỗ đã hiện ra trước mắt. Vì vậy, du khách dễ dàng đến với Kẻ Gỗ để đắm mình trong không khí trong lành, mát rượi; nhất là mùa hè nóng bức và ồn ã nơi thị thành, người ta càng năng về Kẻ Gỗ. Đặc biệt hơn thế, đến hồ Kẻ Gỗ, nếu có dịp ta hãy tản bộ trên cây cầu dài 132 m bắc từ bờ ra đảo cụ Lê Duẩn uốn lượn vòng cung trên mặt hồ trong xanh, in bóng rừng, bóng núi, bóng mây trời và cả bóng của chính mình. Ở hòn đảo nhỏ này, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã từng có lần nghỉ qua đêm khi ông về thăm và chỉ đạo, kiểm tra, động viên cán bộ, công nhân, người lao động nơi công trường xây dựng hồ Kẻ Gỗ năm xưa nên người sở tại lấy tên của cố Tổng Bí thư đặt tên cho hòn đảo. Để tỏ lòng thành kính và tri ân công lao to lớn của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, nhân dịp kỷ niệm 180 năm Ngày thành lập Hà Tĩnh, ngày 19-5-2011, tỉnh đã quyết định đầu tư xây dựng đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và sau đó 3 năm thì công trình hoàn thành. Đây là địa chỉ văn hóa-tâm linh, giúp nhân dân Hà Tĩnh nói riêng và du khách thập phương khi đến hồ Kẻ Gỗ có điều kiện thắp nén hương tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên vùng đất này.
Nếu ai đó đã một lần đến Hà Tĩnh mà không ghé tham quan hồ Kẻ Gỗ, vãn cảnh khu đồi có đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn-người đã có công lớn trong việc biến một vùng đất khô cằn sỏi đá thành bạt ngàn những ruộng lúa, nương ngô, giúp cho hàng vạn người dân thoát nghèo, có cuộc sống ấm no như ngày nay trên vùng đất khát xứ Nghệ-thì đó là một điều thật đáng tiếc. 
Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm

Miền lửa đạn hồi sinh

Miền lửa đạn hồi sinh

Thung lũng Ia Drăng từng là vùng chiến địa nổi danh trên thế giới với đầy rẫy đạn bom. Hơn 50 năm sau, vùng thung lũng chết ấy đã hồi sinh với màu xanh của cây công nghiệp như tiêu, cà phê, cao su; mang lại việc làm và đời sống ấm no cho đồng bào địa phương cũng như dòng người đi kinh tế mới.

Sắc màu huyền bí

Sắc màu huyền bí

Văn hóa dân tộc M’nông luôn tạo cảm giác tò mò bởi sự huyền bí. Ở bất cứ lễ hội nào, đồng bào dân tộc M’nông cũng thể hiện những nét đặc trưng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc họ. Bản sắc văn hóa đó cứ mãi lan tỏa, rất riêng, không nơi nào có được.

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

Bánh cuốn của người Tày trên vùng đất lúa

(GLO)- Từ hàng chục năm trước, nhiều gia đình người Tày từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào vùng đất Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) với khát khao xây dựng cuộc sống mới. Cũng từ đó, món bánh cuốn hay còn được gọi là bánh cuốn canh được họ mang theo đã trở thành đặc sản của vùng đất này.

Dưới bóng nêu làng

Dưới bóng nêu làng

Nghệ nhân nhân dân Hồ Ngọc An (70 tuổi, ở làng Trà Dòn, thôn 2, xã Trà Thủy, H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) ngày đêm "truyền lửa", đào tạo lớp trẻ thực hành nghệ thuật trang trí cây nêu làng để gìn giữ tinh túy văn hóa dân tộc Kor.

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Nghề lái tàu metro: 'Trái tim' của đoàn tàu

Không trực tiếp lái tàu hay đón khách, đội ngũ nhân viên tại Phòng điều độ ở depot Long Bình (TP.Thủ Đức, TP.HCM) là những người làm việc thầm lặng, nhưng quyết định sự vận hành trơn tru của toàn hệ thống metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Mưu sinh trên những cánh rừng

Mưu sinh trên những cánh rừng

(GLO)- Việc trồng rừng đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều người dân xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Giai đoạn nào, công việc ấy, người lao động rong ruổi trên những cánh rừng, nhọc nhằn mưu sinh, kiếm tiền trang trải cuộc sống.