Đến Ea Súp tìm một Hội An đi xa...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngay cả lúc về hưu, nguyên bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự vẫn thỉnh thoảng khăn gói lên Tây Nguyên. 
Ông bảo không thể không lên vì có một phần Hội An gửi trên đó.


Tránh trời không khỏi lụt

Tháng 7, vựa lúa lớn nhất Đak Lak là huyện Ea Súp mơn mởn thì con gái, trải dài tít tắp khuất hút tầm mắt. Nhiều năm qua dù Tây nguyên hạn hán đến cực độ nhưng trời phú cho thung lũng Ea Súp luôn đầy những dòng nước ngọt lành.

 

Nhìn cánh đồng này tại Ea Lê (Ea Súp) cứ ngỡ đang ở một vùng quê của Quảng Nam.
Nhìn cánh đồng này tại Ea Lê (Ea Súp) cứ ngỡ đang ở một vùng quê của Quảng Nam.

Ngồi trước hiên nhà nhìn dòng kênh xanh mát mang nước từ hồ Ea Súp Thượng chảy về cánh đồng thôn Hòa Phát (xã Ea Lê), bà Hồ Thị Thêm (64 tuổi) gật gù: “Bây giờ thì đỡ lắm rồi. Ngày trước chưa có cái hồ Ea Súp Thượng, mỗi năm dân làng Hòa Phát chạy lụt đến 4-5 lần. Không khác chi dưới quê mình”.

Bà Thêm, người huyện Duy Xuyên, lên Tây nguyên năm 1981 theo chương trình kinh tế mới (KTM). Gia đình bà sống chung với cộng đồng người Quảng Nam thuộc xã Hòa Phát, huyện Hòa Vang. Cái tên thôn Hòa Phát ở xã Ea Lê chính là tên của xã Hòa Phát.

Cũng như các ngôi làng đi KTM khác, nơi gia đình bà Thêm được đưa đến là một cánh rừng hoang vu với sáu tháng lương thực để khởi đầu.

“Hồi mới lên cọp rình rập quanh làng nên ban đêm chẳng ai dám mở cửa. Cực rứa mà cũng khai hoang được hơn 5ha ruộng. Rồi chính quyền biểu vô hợp tác xã, ruộng vườn thành của chung, chia lại cho nhà tui 2.500m2 đất” - bà Thêm kể.

Những tưởng ly hương lên cao nguyên thì hết bão lụt như ở quê nhà, nhưng tháng 9-1983 một đại nạn đến với các ngôi làng của người Quảng Nam ở Ea Súp, đó là những trận lũ kinh hoàng.

Bà Thêm kể: “Lúc đó mưa liên tiếp hai, ba ngày. Cái thung lũng Ea Súp ni thành nơi chứa nước của cả vùng. Nhà cửa tài sản trôi sạch, người chết đầy. Xóm tui có bốn người chết trôi, hàng chục ngôi nhà trôi hết trong một đêm”.

Bà Lê Thị Yến (70 tuổi, người huyện Núi Thành), hàng xóm của bà Thêm, kể nếu không có hai can mắm cái bà mang từ quê lên Ea Súp làm quà có lẽ bà đã chết từ lâu.

“Nước về nhanh quá, lũ còn dữ hơn ở quê mình. Cái nhà lá tạm bợ bị cuốn phăng. Tôi ôm chầm can mắm cái nổi bồng bềnh giữa đêm tối như mực. Ngâm mình trong nước lũ một đêm, sáng sớm hôm sau có người đến cứu” - bà Yến kể lại.

 

Người Quảng Nam ở Ea Súp (Đak Lak).
Người Quảng Nam ở Ea Súp (Đak Lak).

Món mì Quảng quê nhà trên Tây Nguyên

Quán mì Quảng bà Cợi nổi tiếng nhất xã Ea Lê nằm trước cổng chợ. Bà Nguyễn Thị Cợi, đã 68 tuổi, người gốc Điện Bàn, lên đây từ lúc mười tám đôi mươi, mở cái quán mì Quảng truyền thống theo đúng hương vị quê nhà.

Con gái bà Cợi mang ra hai tô mì cho khách. Anh bạn đồng hành kiểm chứng: “Có đúng mì Quảng không em?”. Một câu trả lời đúng chất Quảng: “Không mì Quảng thì mì chi?”.

Tôi liền kiểm chứng thêm: “Đường này có qua được xã Cư M’Lan không em?”. “Không qua Cư M’Lan thì đi đâu?”(Cư M’Lan cũng là một xã KTM của người Quảng Nam).

Khác với người Quảng xa quê vào các đô thị lớn như Sài Gòn, giọng nói và cốt cách có thể thay đổi, nhưng cộng đồng người Quảng ở Tây nguyên vẫn không khác chi người Quảng ở quê.

Bà Cợi nói rằng người Quảng đi mô cũng không bỏ được cái tính “hay cãi”. Bà nói tếu: “Ở xóm dưới của người Thái Bình vào sống, nó yên lắm. Còn ở đây lúc mô cũng như hội. Không chuyện ni thì chuyện nọ, cứ cãi nhau cả ngày. Họp dân mà có vài người Quảng Nam là khí thế hẳn lên”.

Bà Cợi kể cái quán mì Quảng của bà bán hơn 30 năm cho người tứ xứ. “Khách lạ thì khen ngon mà người Quảng Nam hay chê. Họ ăn xong thả đũa, lắc đầu nói thua mì Quảng ở quê” - bà Cợi cười nói.

Ở Krông Bông, tại xã Hòa Lễ có quán mì Vân nổi tiếng. Vào Google Maps gõ chữ “mì Vân Hòa Lễ” là ảnh vệ tinh chỉ ngay vào quán mì của người Quảng Nam dưới chân núi Chư Yang Sin này.

Chủ nhân quán mì Vân là bà Trần Thị Hạnh, quê huyện Điện Bàn, đi KTM vào đây năm 1985. Ở nơi đất khách quê người, vốn liếng của cô Hạnh chỉ là món mì Quảng.

Cô mở quán bên tỉnh lộ 12 để kiếm cơm qua ngày. Món mì Quảng đậm đà của cô có lẽ hợp với khẩu vị dân miền sơn cước này, và tất nhiên đúng món mong ước của cộng đồng dân Quảng KTM nên quán lúc nào cũng đông khách.

Một mảnh Hội An ở Krông Bông

Huyện Krông Bông (Đak Lak) cũng là nơi có nhiều xã KTM của người Quảng Nam. Đến xã Ea Trul sẽ gặp những người Hội An lên đây lập nghiệp từ những năm 1980 với nếp xưa không chen lẫn vào đâu được.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, người gốc phường Cẩm Phô (Hội An), mở quán cao lầu ngay đầu xóm. Năm 1980, cha mẹ chị Mai rời Cẩm Phô lên định cư ở vùng KTM nằm tít tận trong góc núi Chư Yang Sin của huyện Krông Bông - một trong vài nơi xa nhất Đak Lak.

Hành trang cha mẹ chị mang theo là món cao lầu truyền thống của Hội An. Chị Mai tâm sự: “Ngày xưa cha mẹ bán cao lầu nuôi anh em chúng tôi khôn lớn. Bây giờ tôi nối nghiệp bán món ăn này nuôi năm đứa con”.

Ông Võ Phùng - giám đốc Trung tâm văn hóa TP. Hội An - chia sẻ: “Krông Bông có đến ba xã người Hội An, nếp xưa ở phố Hội vẫn được lưu giữ đến ngày nay. Thậm chí nhiều nhà những nét xưa cũ họ gìn giữ còn hơn người Hội An đang ở Hội An. Hằng năm TP. Hội An thường có đoàn lên thăm bà con. Những đoàn ca kịch, bài chòi, lô tô... thỉnh thoảng cũng lên đây diễn để bà con bớt nhớ quê”.

Hằng năm những ngày giáp tết dù bận bịu mấy thì ông Nguyễn Sự, nguyên bí thư TP. Hội An, vẫn dẫn đầu đoàn cán bộ thành phố lên thăm “Hội An trên cao” này.

Ông Sự kể chỉ cần nhìn những ngôi nhà rường ở Hòa Phong, Hòa Lễ và nếp sinh hoạt ở đó thì có cảm giác như Hội An gần gũi lại.

Kỳ cuối: “Đất võ trời văn” ở Đak Nông

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.